Bài 2: Những giám đốc trẻ trưởng thành qua trải nghiệm thực tế
Nữ giám đốc trẻ Thịnh Thị Liên trao học bổng tới học sinh nghèo
Thành công từ sự nỗ lực
Thịnh Thị Liên, sinh năm 1990, quê ở Đông Anh, Hà Nội hiện là Giám đốc Công ty TNHH Primer Việt Nam. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, cô sớm phải bươn chải làm việc để chia sẻ khó khăn cùng bố mẹ. Lên lớp 10, Liên đã đi làm thêm, bốc vác xi măng và phụ xe. Dù nặng nhọc nhưng cô gái chưa tròn 16 tuổi khi ấy vẫn không quản ngại, vừa làm việc vừa theo đuổi ước mơ đại học.
Giống như nhiều bạn trẻ mong muốn trở thành sinh viên, Liên cũng hằng ao ước chinh phục được trường đại học mà mình yêu thích. Tuy nhiên, tốt nghiệp THPT, dự thi vào Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Thương mại, Liên không trúng tuyển. Cô gái trẻ tâm sự: “Mình khát khao đến giảng đường nhưng không thể thực hiện. Điều đó khiến mình buồn rất nhiều”.
Nỗi buồn vì thất bại khiến Liên chán nản. Gia đình nghèo không có điều kiện để cô kiên trì theo đuổi mục tiêu đỗ đại học qua các kỳ thi khác. Liên nhanh chóng đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Làm việc được một thời gian, cô gái nhớ trường lớp nên thi vào hệ trung cấp của trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội để học nghề.
Sau khi ra trường, cô gái trẻ làm kế toán cho một công ty kinh doanh ngành hàng máy lọc nước. Thời điểm đó, Liên gặp chồng cô bây giờ, cũng làm ngành hàng này. Lập gia đình, hai vợ chồng trẻ thành lập Công ty TNHH Primer Việt Nam, chuyên sản xuất, kinh doanh máy lọc nước. Thịnh Thị Liên giữ chức vụ Giám đốc công ty.
Nữ giám đốc 9X cùng tập thể công nhân viên Công ty TNHH Primer Việt Nam nỗ lực xây dựng thương hiệu và phát triển doanh nghiệp. Primer mang đến cho khách hàng sản phẩm máy lọc nước tinh khiết, tư vấn giải pháp và chuyển giao công nghệ hệ thống lọc, đảm bảo chất lượng nguồn nước… Đến nay, cô chủ trẻ tạo việc làm cho gần 50 cán bộ, nhân viên. Công ty có trụ sở chính tại Hà Nội, chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh và các mặt hàng có ở khắp 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Không chỉ giỏi kinh doanh, Thịnh Thị Liên còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Cô chủ trẻ cùng tập thể công ty thực hiện nhiều chương trình hướng tới cộng đồng, trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó…
Nhìn lại chặng đường xây dựng sự nghiệp, Liên chia sẻ: “Mình thành công đến từ chính sự nỗ lực của bản thân chứ không phụ thuộc vào bằng cấp cao hay thấp. Mình cho rằng, không được trang bị kiến thức ở trường đại học, chúng ta càng phải cố gắng nhiều hơn, tự ý thức định hướng cho bản thân thì vẫn đón nhận những thành quả tốt đẹp. Có một chút nuối tiếc khi không hiện thực hóa được ước mơ đại học nhưng mình bằng lòng với những gì đã phấn đấu đạt được và cảm thấy hạnh phúc”.
Ông chủ chế tác đá quý
Cũng như Thịnh Thị Liên, ước mơ thi đỗ đại học không thành, anh Lê Đình Thiết, quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa đã từ bỏ ước mơ học đại học và sớm lập nghiệp. 18 tuổi, chàng trai sinh ra từ làng nhập ngũ. Trở thành người lính, anh Thiết rắn rỏi và chín chắn hơn. Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, chàng thanh niên “khăn gói” vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân trong một xưởng đá quý, kiếm tiền trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình. Trong môi trường ấy, anh Thiết được tiếp thu kiến thức, kỹ năng chế tác đá quý, cũng như việc kinh doanh. Sau gần hai năm làm thuê, anh Thiết trở thành thợ thủ công lành nghề và ấp ủ ý tưởng mang những chiếc máy chế tác đá quý về Đông Sơn, Thanh Hóa, tạo việc làm cho anh em trong gia đình và người dân trong vùng. Năm 2005, anh mở xưởng chế tác đá quý.
Lê Đình Thiết cho biết: “Ban đầu, mình cần nhiều vốn để xây nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, trong khi, chỉ có 9 triệu đồng dành dụm được sau thời gian làm thuê. Vậy nên, mình phải bán chiếc dây chuyền vàng bố mẹ tặng, vay mượn từ bạn bè, người thân. Những ngày đầu tiên gặp nhiều khó khăn từ vốn cho đến kinh nghiệm nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, mình vững tin và quyết tâm hơn khi thành lập xưởng sản xuất”.
Tìm được đầu mối lưu thông ổn định từ khâu nhập nguyên vật liệu sản xuất, cũng như bán giới thiệu, bán sản phẩm, anh vững vàng hơn trên thương trường. Lê Đình Thiết tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm máy móc, nguyên vật liệu và nhà xưởng.
Sau một thời gian đi vào sản xuất, xưởng đá quý của anh Thiết phát triển nhanh và trở thành địa chỉ tin cậy cho các đại lí, tiệm trang sức trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm được phân phối mở rộng vào các tỉnh miền Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Xưởng đá quý ngày càng mở rộng nên cần thêm thợ chế tác, nhiều người dân trong vùng đã đến làm thuê cho ông chủ trẻ.
Tạo ra những viên đá nhỏ li ti, gắn trang trí trên đồng hồ, nhẫn, quần áo, giầy dép, cặp tóc, đồ trang sức cao cấp… phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ khéo léo và kiên trì và phải được đào tạo công phu. Người thợ phải đảm bảo chuẩn ở tất cả các công đoạn: Gắn dính, xoay đai, nấu hàng, đánh bóng mặt trước, mặt sau các sản phẩm… Nhiều người từ khi mới vào làm đến lúc trở thành thợ lành nghề đều được anh Thiết hướng dẫn cẩn thận từng bước. Sau khi hướng dẫn, ông chủ trẻ để mọi người tập làm quen, gặp khâu nào khó khăn mà họ chưa thể làm được, anh tự tay thực hiện cho mọi người học theo. Vừa được học nghề lại có công ăn việc làm, nhiều người dân địa phương vốn quen với tay cày, tay cuốc đã trở thành những thợ thủ công mỹ nghệ khéo léo.
Ước muốn vượt lên cái nghèo trên chính mảnh đất quê hương và ý chí vượt qua khó khăn, thử thách, theo đuổi đam mê kinh doanh, đổi mới tư duy về cách làm giàu đã giúp anh Thiết thành công. Hiện tại, cùng với việc phát triển xưởng sản xuất đá quý, anh làm thêm nghề cơ khí, sản xuất các sản phẩm cửa sắt, tôn, khung nhôm kính, lưới thép. Những năm tới đây, anh sẽ mở rộng thị trường và chuỗi cửa hàng tới các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thực tế trải nghiệm của anh Lê Đình Thiết cho thấy, từ đôi bàn tay trắng, không có bằng cấp, vẫn có thể làm giàu. Theo anh, nhiều bạn trẻ còn e ngại về chuyện làm giàu từ điểm xuất phát thấp hay nghĩ rằng cần phải có bằng cấp rồi mới xây dựng cơ đồ thì giống như tự “buộc mình” vậy.
Anh Thiết chia sẻ, hãy cứ khởi nghiệp, làm giàu khi có cơ hội chứ đừng đợi đến lúc có bằng đại học. Với những thành công đạt được cùng những kinh nghiệm tích lũy quý báu của bản thân, anh Lê Đình Thiết tự tin với con đường đã đi của mình - lựa chọn khởi nghiệp, lập nghiệp sớm mà không cần đặt nặng vấn đề bằng cấp.
(Còn nữa)
Bài liên quan
Những ước mơ ngoài cổng trường đại học - Bài 1: “Ra đời” không bằng đại học