Bài 2: “Cơn sốt” và những bài học quý
Công nghiệp văn hoá nhìn từ bốn cô gái xinh đẹp BlackPink |
Sức hút mang thương hiệu
Sau khi BlackPink thông báo sẽ sang biểu diễn tại Việt Nam đã tạo nên diễn đàn sôi động trên khắp các trang mạng xã hội. Các fan của BlackPink không chỉ háo hức "đếm ngược" chờ tới thời điểm mở bán vé cũng như show diễn mà còn sẵn sàng bỏ ra chi phí không hề nhỏ để sở hữu những món đồ cổ vũ, các sản phẩm lưu niệm chính hãng như: lightstick, áo, mũ, phụ kiện, móc khóa...
Các chuyên gia cũng dự báo, làn sóng khán giả trẻ không chỉ trong nước mà cả nước ngoài sẽ đổ tới Mỹ Đình (Hà Nội) mong diện kiến BlackPink. Trước đó, theo số liệu của touring Data, với 40 đêm diễn quanh thế giới, nhóm nhạc BlackPink thu bán vé tới 163.8 triệu USD. Một đêm diễn doanh thu lên tới 4 triệu USD với trung bình 22.600 khán giả đến theo dõi trực tiếp. Điều này chính là minh chứng rõ nét cho sức hút của BlackPink.
Bốn cô gái xinh đẹp nhóm BlackPink |
Vậy tại sao BlackPink lại thu hút khán giả trẻ như vậy? Là một “fan cứng” của BlackPink bạn Phạm Thành Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Điều khiến mình yêu mến nhóm nhạc xứ Hàn đầu tiên phải kể đến âm nhạc sôi động, vũ điệu đẹp mắt với những màn biểu diễn ấn tượng và phong cách thời trang cá tính. Mình nghĩ sự kết hợp giữa âm nhạc chất lượng và hình ảnh sáng tạo của BlackPink đã thu hút hàng triệu fan hâm mộ trên khắp thế giới, nhất là giới trẻ ở Việt Nam”.
Sau gần 30 năm phát triển, Kpop vẫn có một vị thế đáng mơ ước. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa và Thể thao Hàn Quốc đầu năm 2023, các nghệ sĩ Kpop đã bán được hơn 80 triệu album trên toàn thế giới vào năm 2022 và số lượng người hâm mộ Hallyu (làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc) toàn cầu đã tăng lên 156,6 triệu tại 116 quốc gia vào tháng 12 năm 2021, tăng gấp 17 lần so với năm 2011 đã thể hiện quá rõ sức ảnh hưởng của Kpop. |
Cũng là một fan “cuồng” của BlackPink, bạn Nguyễn Hải Hà cho rằng ngoài phần âm nhạc vươn tầm thế giới, nhóm nhạc này còn nhận được sự hỗ trợ truyền thông và biết cách tận dụng nền tảng số để quảng bá. Theo Hà, đất nước Hàn Quốc rất giỏi trong việc tạo ra làn sóng K-pop đã thu hút được sự chú ý lớn từ cộng đồng quốc tế mà nhóm nhạc BlackPink là minh chứng.
“Văn hóa K-pop đang len lỏi đến giới trẻ trên toàn thế giới đã đóng góp lớn vào việc quảng bá và thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm Hàn Quốc trên thị trường quốc tế. Vì thế, BlackPink và các nhóm nhạc khác của văn hóa K-pop đã mang đến nhiều giá trị cho xứ sở Kim Chi”, Hà chia sẻ.
BlackPink tạo ấn tượng bởi thương hiệu và phong cách cá tính |
Theo đánh giá của các chuyên gia, nền công nghiệp âm nhạc ở Hàn Quốc đang phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới, mang về khoảng 10 tỷ USD cho nước này mỗi năm. Doanh thu từ việc bán album vật lý là một trong những nguồn thu lớn nhất của K-Pop. Các buổi hòa nhạc cũng mang lại lợi nhuận lớn cho K-Pop, đặc biệt trong thời kỳ các nhóm nhạc Hàn Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế với hàng loạt chuyến lưu diễn toàn cầu.
Bài học nào cho phát triển công nghiệp văn hóa?
Văn hóa Hàn Quốc giờ đã trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu trụ cột. Với 1 tỷ USD xuất khẩu sản phẩm âm nhạc sẽ thúc đẩy thêm 2 tỷ USD nữa về các sản phẩm liên quan, từ thời trang, mỹ phẩm, đồ ăn…
Tour diễn của BlackPink thu hút hàng ngàn khán giả |
Nhiều chuyên gia nhận định, lĩnh vực giải trí Hàn Quốc đang có sức hút lớn trên khắp thế giới.
Với BLACKPINK, tháng 4/2023, truyền thông quốc tế thừa nhận, tour lưu diễn vòng quanh thế giới Born Pink của nhóm BLACKPINK trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất của một nhóm nữ trong lịch sử, vượt qua các nhóm nhạc nữ huyền thoại như Spice Girls, TLC và Destiny's Child. Hiện, nhóm chưa kết thúc tour diễn nhưng 4 cô gái đã mang về doanh thu đáng kinh ngạc, hơn 78 triệu USD. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến, Kpop mang lại khoản doanh thu khổng lồ cho kinh tế Hàn Quốc. Theo Korea Times, các chuyên gia kinh tế ước tính, ngành công nghiệp Kpop tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho Hàn Quốc mỗi năm |
Ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc bao gồm nhiều lĩnh vực, như âm nhạc, phim ảnh, truyền hình, trò chơi điện tử...
Các sản phẩm và nghệ sĩ Hàn Quốc đã thu hút một lượng lớn người hâm mộ trên toàn thế giới, với những thương hiệu gần đây như BlackPink hay các phim “Trò chơi con mực”, “Ký sinh trùng”… Chính qua các sản phẩm mang thương hiệu riêng đã làm tăng sự quan tâm tới văn hoá, đất nước, con người Hàn Quốc.
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi điều này để phát triển công nghiệp công nhạc nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung. Bởi nếu so sánh, thị trường âm nhạc Việt Nam sôi động không kém Hàn Quốc. Giờ đây khán giả Việt sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để được xem “thần tượng” biểu diễn cho thấy họ đã dần hình thành thói quen trả nhiều tiền hơn cho việc thưởng thức âm nhạc.
Anh Nguyễn Quốc Hưng (Long Biên, Hà Nội) vừa chi gần 20 triệu đồng cho 4 tấm vé để cả gia đình đi xem BlackPink biểu diễn cho biết: “Vợ và hai đứa con của mình rất yêu mến nhóm nhạc nữ Hàn Quốc. Rất ít khi nhóm nhạc này sang Việt Nam biểu diễn nên mình quyết định “chơi lớn” để cả nhà được trực tiếp xem BlackPink biểu diễn. Nếu các buổi biểu diễn thực sự chất lượng, mình nghĩ khán giả sẽ không hề tiếc tiền xem đến cổ vũ cho nghệ sĩ yêu thích”.
Tại Việt Nam "See tình" của Hoàng Thùy Linh cũng gây được tiếng vang trên thế giới |
Cũng theo anh Hưng, việc khán giả chịu chi tiền hơn cho việc thưởng thức âm nhạc là một yếu tố quan trọng để hình thành nên công nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp, một trong những cột trụ chính của ngành công nghiệp văn hóa mỗi quốc gia.
Bằng chứng cho thấy, so với giá vé concert ở Indonesia, Singapore, giá vé VIP show diễn của BlackPink ở Việt Nam cao hơn khoảng 3 triệu đồng nhưng vé VIP vẫn được bán hết ngay sau khi mở bán. Đa phần những người quan tâm đến concert này là những bạn trẻ. Với họ, để được nhìn thấy thần tượng ngoài đời thì sẵn sàng chi tiền, hoặc vay mượn tiền để có vé “vào sân”.
Tuy nhiên, để hút khán giả, chính nghệ sĩ và những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật phải có cách làm bài bản với những sản phẩm chất lượng.
“Vì sao Hàn Quốc có nhiều nhóm nhạc được cả thế giới biết đến như vậy? Chúng ta cần phải học hỏi họ từ cách lựa chọn nghệ sĩ, đào tạo đến truyền thông… Các cơ quan quản lý và cả người làm nghệ thuật cần có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Trong đó, những người làm nghệ thuật cần có cách tiếp cận đa chiều cũng như tập trung vào việc tạo ra những nội dung chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người xem chứ không kiểu “mì ăn liền” sớm nở tối tàn như một số sản phẩm xuất hiện trên mạng xã hội hiện nay”, anh Hưng cho biết.
Theo TS Đặng Thiếu Ngân - chuyên gia hàng đầu về làn sóng Hàn lưu (Hallyu), Việt Nam cũng có rất nhiều chất liệu, tiềm năng con người để khai thác. Tuy nhiên, để đặt được nền móng "công nghiệp", chúng ta cần phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp thành một hệ thống giữa các thành phần sáng tạo nghệ thuật, phát hành, phân phối và quảng bá các sản phẩm, cũng như những chính sách hỗ trợ của nhà nước (thuế, kết nối nước ngoài, tổ chức các sự kiện văn hoá lớn...) dành cho những đơn vị này. Bên cạnh đó, chúng ta cần những luật định cụ thể và rõ ràng để những người làm nghề có cái nhìn rõ ràng, cụ thể hơn khi vận hành. |
(Còn nữa)