Bài 2: Biến nhà mình thành gian hàng hỗ trợ người nghèo
Trên chuyến xe vội vã chở đồ đi tặng cho người nghèo, anh Nguyễn Quốc Thắng (thường trú tại tổ 7, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã chia sẻ như vậy.
Trẻ ra vì đi làm từ thiện…
Anh Nguyễn Quốc Thắng năm nay 48 tuổi. Anh bắt đầu làm từ thiện từ khi công tác trong lĩnh vực xây dựng. Mỗi ngày từ căn nhà của mình tại tổ 7, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, anh Thắng lại chở những phần quà đi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Anh tâm niệm “một nắm khi đói bằng một gói khi no”.
Anh Nguyễn Quốc Thắng tặng quà hỗ trợ sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội |
Sau khi xác minh thông tin của người cần giúp đỡ, nhanh tay xếp từng túi quà lên xe chở đi, ngày hôm nay, anh bảo phải lên đường sớm vì đi tặng ở 3 quận khác nhau gồm Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Theo chân người đàn ông có gương mặt hiền hòa, phúc hậu, chúng tôi được nghe về hành trình hơn 15 năm nối dài những chuyến đi thiện nguyện của anh.
Nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn được nhận quà từ anh Thắng |
Anh Thắng chia sẻ: “Cũng như bao người khác xuất thân trong gia đình không mấy khá giả, bố mẹ vất vả nuôi ăn học, tôi cũng cơ cực với cảnh sinh viên xa nhà, thiếu thốn, vất vả trăm bề. Sau khi ra trường, tôi làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Tính chất công việc giúp tôi được đi đủ 63 tỉnh thành của cả nước. Đi nhiều mới thấy ở nơi nào cũng còn những hoàn cảnh vất vả, khó khăn, tôi nghĩ mình nên làm điều gì đó để giúp cho đời…” . Anh Thắng cũng cười bảo, nghề xây dựng vốn vất vả, mỗi lần đi từ thiện tôi thấy mình trẻ, khỏe ra rất nhiều.
Những giọt nước mắt và nụ cười
Khi dịch bệnh ập đến, thành phố Hà Nội phải giãn cách khiến nhiều mảnh đời lâm vào cảnh khốn khó.
Nhiều bạn sinh viên rất vui mừng khi nhận được hỗ trợ |
Anh Thắng nhớ lại những câu chuyện đã gặp trong chuyến tặng quà cho bà con trong lần dịch Covid-19 bùng phát: “Tối hôm đó có một bà chừng 70 tuổi gọi điện thoại báo cho tôi biết hiện tại bà sống đơn chiếc, bán hàng nước kiếm mấy đồng lẻ qua ngày. Từ hồi dịch bệnh đến giờ nhà không còn gạo ăn, không còn đồng xu nào trong người. Bà vừa kể, vừa khóc nức nở”.
Ngay hôm đó, anh đem gói quà đủ đầy nhu yếu phẩm đến tặng, giúp bà có thể đủ lương thực trong vài tuần. Nhận quà của anh, bà cụ 70 tuổi vui mừng không tả xiết. Bà bật khóc và đứng tần ngần rất lâu, cả khi chiếc xe chở đồ cứu trợ của anh đã đi khuất.
Rau tươi vẫn được chuyển hàng ngày từ quê hương anh (tỉnh Nam Định) lên tặng bà con |
Anh Thắng cũng rất nhớ những lần đi trao quà cho công nhân nghèo bị mắt kẹt lại Hà Nội. “Dù đứng ở xa để đảm bảo an toàn, tôi vẫn thấy sâu trong ánh mắt của những người lao động nghèo, công nhân ngoại tỉnh mất việc sự cảm ơn. Họ dường như không chỉ cảm ơn tôi về món quà mà còn muốn thể hiện sự biết ơn về tình đoàn kết của cả dân tộc, sự tương thân tương ái của người Hà Nội đầy nghĩa tình. Tôi tự hào về điều đó và càng phấn chấn nhiều hơn khi đi từ thiện”, anh Thắng nói.
Những ngày này, Hà Nội tiếp tục giãn cách để đảm bảo an toàn cho Thủ đô và cả nước trước đại dịch nguy hiểm. Những chuyến xe chở đồ ăn, thức uống, rau, củ, quả nghĩa tình của anh vẫn lăn dài trên nhiều cung đường Hà Nội. Với tâm nguyện rất chân thành, anh Thắng bộc bạch: “Tôi còn sức là còn đi làm từ thiện. Tôi chỉ mong giúp đỡ được nhiều người hơn nữa, để chúng ta cùng san sẻ khó khăn, sớm vượt qua đại dịch này”.
(Còn nữa)