eMag azine
24/08/2021 08:00
Muốn giúp nhiều người thì làm thiện nguyện phải "nhanh"

24/08/2021 08:00

TTTĐ - “Không phải là những người chuyên nghiệp trong việc tổ chức hoạt động bán hàng siêu thị, nên bây giờ vẫn không thể tin là chúng tôi đã lập kỷ lục cho chính mình – kỷ lục về thời gian trong các khâu vận hành của chuỗi “Siêu thị 0 đồng”. Có lẽ đó là kết quả của việc nung nấu muốn nhanh chóng biến ý tưởng thiện nguyện, giúp đỡ càng nhiều người dân gặp khó khăn do dịch bệnh càng tốt” – Đại diện Ban Tổ chức “Siêu thị 0 đồng” chia sẻ.

Thiện nguyện

TTTĐ - “Không phải là những người chuyên nghiệp trong việc tổ chức hoạt động bán hàng siêu thị, nên bây giờ vẫn không thể tin là chúng tôi đã lập kỷ lục cho chính mình – kỷ lục về thời gian trong các khâu vận hành của chuỗi “Siêu thị 0 đồng”. Có lẽ đó là kết quả của việc nung nấu muốn nhanh chóng biến ý tưởng thiện nguyện, giúp đỡ càng nhiều người dân gặp khó khăn do dịch bệnh càng tốt” – Đại diện Ban Tổ chức “Siêu thị 0 đồng” chia sẻ.

Dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn, nhất là các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt đang bị "mắc kẹt" tại thành phố. Thấu hiểu được điều đó, chính quyền địa phương cũng như các nhà hảo tâm đang ngày đêm nỗ lực để có thể hỗ trợ tốt nhất cho những "tương lai đất nước" này.

Bằng nguồn nhân lực và vật lực của mình. "Siêu thị 0 đồng" đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc thiện nguyện. Từ lúc lên ý tưởng tới khi đi vào vận hành chỉ mất 48 giờ đồng hồ để "Siêu thị 0 đồng" có mặt trên mạng internet. Website đặt hàng online của "Siêu thị 0 đồng" ra đời đã giúp nhiều bạn sinh viên ở Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh không thể ra khỏi ký túc xá có những món đồ thiết yếu. Từ việc phối hợp với các cơ sở Đoàn trường, các bạn sinh viên đã nhận mã mua hàng miễn phí nhưng tương đương giá trị hàng hoá 400 nghìn đồng thông qua tin nhắn sms. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên website, các bạn sinh viên sẽ lựa chọn được những đồ dùng thiết yếu giúp trang trải qua những ngày dịch bệnh.

Vào những ngày TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người dân được yêu cầu hạn chế ra đường thì việc mua sắm đồ dùng cá nhân cũng trở lên khó khăn hơn. Phải ở lại ký túc xá trong những ngày giãn cách, bạn Bùi Ngọc Huyền (hiện đang ở tại Ký túc xá Học viện Tài chính) cho biết: "Do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, nhiều sinh viên lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Các cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa, tất cả chúng em cũng không có việc làm thêm, không có thu nhập. Hầu hết những bạn ở lại đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sinh hoạt chủ yếu dựa vào đồng lương đi làm thêm ít ỏi dành dụm được".

Huyền chia sẻ thêm, món quà của các anh chị, tổ chức hỗ trợ không chỉ giúp cải thiện cuộc sống cho những sinh viên bị “kẹt” tại khu ký túc xá; đó còn là những lời động viên tinh thần để sinh viên vượt qua khó khăn và trở lại học tập sau khi dịch đã được kiểm soát.

Muốn giúp nhiều người thì làm thiện nguyện phải "nhanh"

Hiện TP Hà Nội có hàng nghìn sinh viên mắc kẹt khi thành phố giãn cách. Dù các trường chủ động chuyển sang dạy trực tuyến từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiều sinh viên vẫn trở lại Hà Nội để duy trì việc làm thêm, thực tập hay vướng lịch thi.

Như Đại học Bách khoa Hà Nội, khoảng 1.800 sinh viên đang ở Hà Nội (gồm cả sinh viên quốc tế). Đại học Mở Hà Nội cũng có gần 1.000 sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội, trong đó nhiều em ở trọ tại các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Trì… Để hỗ trợ các em, chuỗi "Siêu thị 0 đồng" đã ngay tập tức mở ra "chiến dịch thần tốc" từ trực tiếp tới trên website hỗ trợ nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, trứng, sữa, giúp các em ổn định sinh hoạt để học tập. Chỉ cần đặt hàng trên website của "Siêu thị 0 đồng" là nhu yếu phẩm sẽ được chuyển tới tận tay sinh viên trong thời gian sớm nhất qua lực lượng đoàn viên và nhân viên siêu thị.

Website đặt hàng của "Siêu thị 0 đồng"

Không gặp quá nhiều khó khăn về vật chất nhưng Thailika Manoloth (Du học sinh hiện đang ở tại Ký túc xá Học viện Tài chính) cảm thấy dễ gặp vấn đề về tâm lý trong thời gian Hà Nội giãn cách. "Cả ngày chỉ ở trong ký túc xá, không được ra ngoài mua đồ ăn hay những vật dụng phục vụ sinh hoạt khiến sinh viên quốc tế như chúng em thấy bức bí. Cũng may thầy cô trong trường thường xuyên gọi điện. Được hỗ trợ từ các nhà hảo tâm cũng như nhà trường nên cuộc sống thời gian này cũng bớt đi phần nào", Thailika Manoloth nói.

Việc "Siêu thị 0 đồng" triển khai nhiều phương án giúp hỗ trợ người dân tối đa cũng là hoạt động thể hiện tinh thần tương thân tương ái, là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Món quà của "Siêu thị 0 đồng" gửi tặng sinh viên là nguồn động viên tinh thần to lớn, hỗ trợ, tạo điều kiện để các bạn có môi trường sinh hoạt ổn định, đảm bảo đời sống và sự an toàn trong đợt dịch bệnh đang kéo dài như hiện nay.

Tình hình dịch bệnh tại TP Hà Nội và cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ vào công tác hỗ trợ người dân là một trong những giải pháp hữu hiệu để người dân có thể an tâm ở nhà chống dịch, vừa ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh một cách hiệu quả.

Thông thường để setup một siêu thị thường phải mất cả tháng nhưng với "Siêu thị 0 đồng" thì ưu tiên số một chính là làm sao để có thể nhanh nhất đưa đồ dùng thiết yếu tới tay bà con đang cần. Không phô trương hoa mỹ, không cầu kỳ hình ảnh nhưng ở đây lương thực, thực phẩm luôn đầy ắp. Siêu thị đầu tiên được triển khai tại TP Hồ Chí Minh. Lúc này, TP Hồ Chí Minh bắt đầu bùng phát đợt dịch lần thứ 4 khiến cuộc sống người dân dần trở lên khó khăn hơn. Nhiều công nhân lao động gặp khó khăn bị mất việc làm hoặc tạm ngừng việc không hưởng lương, đặc biệt là các trường hợp nữ lao động đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; lao động tự do mưu sinh như bán vé số, xe ôm, bán hàng lưu động, phụ hồ,... Thấu hiểu được tình cảnh này, đội ngũ "Siêu thị 0 đồng" đã nhanh chóng thắp sáng lên "nghĩa đồng bào" trong những ngày đại dịch. Chỉ sau 3 giờ đồng hồ, siêu thị đầu tiên đã hình thành sẵn sàng phục vụ bà con. Tuy chưa được đầy đủ và chuyên nghiệp nhưng trong lúc khó khăn đây lại là những điều vô cùng quý giá với người dân lao động.

Với bề dày 33 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, Công ty PNJ đã triển khai đội ngũ tình nguyện viên là nhân viên công ty tham gia giúp sức. "Khi đưa ra ý tưởng sẽ setup, vận hành siêu thị, chúng tôi nhận được rất nhiều đơn từ tư vấn viên PNJ. Các bạn đang được nghỉ dịch ở nhà nhưng các bạn làm đơn và xin tình nguyện tham gia cho công tác thiện nguyện này và hoàn toàn thiện tâm và không hề có bất kỳ việc phải chi trả gì.", chị Phạm Thuý Dung (Giám đốc Công ty PNJ miền Bắc) chia sẻ.

Bên cạnh việc nhanh chóng thiết lập siêu thị, đội ngũ nhân viên cũng có những quy định riêng giúp đảm bảo công tác phòng dịch được tốt nhất. Mỗi người đến mua hàng sẽ luân phiên vào các khung giờ khác nhau trong các ngày siêu thị mở cửa. Siêu thị sẽ cung cấp hơn 60 mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm như: Đường, sữa, gạo, trứng, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, cháo gói, mì tôm, nước giặt, dầu gội cùng một số loại trái cây, rau, củ quả,…

Tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng, đồng sức cùng nhau chống lại dịch bệnh Covid-19 của người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đang được dấy lên mạnh mẽ hơn qua chuỗi "Siêu thị 0 đồng" cung cấp lương thực, thực phẩm, đồ dùng miễn phí cho người dân. Và, thông điệp về sự sẻ chia lúc khó khăn đang được lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng mọi nơi để không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Hoa Thành - Phạm Mạnh