Bài 1: Đừng đẩy cái bẩn sang người khác
“Người cần quên phải nhớ” tung trailer chính thức, chứng thực năng lực “đốn tim” chị em của Trần Ngọc Vàng |
Giữ sạch cho mình là điều đương nhiên, nhưng đừng vì thế mà đẩy cái bẩn sang cho người khác. Bởi nếu ai cũng như vậy thì chính chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả, dù muốn hay không.
Khi phớt lờ các quy định
9 giờ sáng, bà Thu đi ra, một đống rác to như trái núi lù lù ngay chân cột điện sát bên đường ở đầu ngõ. Chắc là do những người đi làm buổi sáng tiện thể mang tống khứ túi rác ở trong nhà mình còn lại từ tối qua.
Những người ở ngõ bên, thậm chí là đi đường, thấy có người vứt ra đó thì cũng tới tấp ném vào. Nhiều túi rác không buộc chặt, xổ tung ra ngoài những rau, thức ăn thừa, cả túi đựng thịt, cá sống bốc mùi rất kinh.
Nước từ những túi rác này cũng chảy cả ra ngõ, làm đường đi lối lại bẩn nhớp nháp và sặc mùi xú uế. Tiết trời hanh khô, bụi bay mù mịt cộng với mùi rác khiến ai đi qua đều nhăn mặt, vội vàng né cho nhanh.
Những đống rác như thế này còn tồn tại nhiều do người dân thiếu ý thức, đổ rác không đúng giờ |
Tối hôm ấy bà Thu đi từng nhà trong ngõ vận động đổ rác đúng 7h giờ tối theo quy định. Thậm chí, bà còn bỏ công sức “canh”, hễ cứ gặp ai đi đổ rác không đúng giờ là bà vận động mang về nhà, không vứt ra chân cột điện nữa.
Chỉ được một thời gian, núi rác lại lù lù bất kể giờ giấc nào. Mặc dù hàng ngày luôn có rất nhiều chuyến thu gom rác thải của công ty vệ sinh môi trường đô thị nhưng mọi người cứ chốc lại vứt, chốc lại đổ ra như thế thì chẳng ai dọn xuể. Xóm đa phần là người trẻ đi làm cả ngày đến tối mới về. Chỉ có các ông bà già hưu trí như bà Thu với các cháu nhỏ là phải “chịu trận”.
Bà Thu nhiều lần nói chuyện với “cánh già” để họ vận động con cháu không đổ rác trái giờ quy định nữa, ảnh hưởng đến chính sức khỏe và tâm trạng của người già, trẻ con trong xóm. Ai cũng vâng vâng dạ dạ hứa hẹn nhưng vẫn có người rải rác vứt ra bất cứ lúc nào. Người khác thấy người này vứt được lại đổ xô vứt theo. Thành ra, có quy định mà cũng như không.
Tình trạng này cũng gần như phổ biến tại các tổ dân phố, ngõ xóm ở Hà Nội. Quy định thì là thế nhưng thực hiện nghiêm hay không phần lớn phụ thuộc và ý thức của mỗi người và sự giám sát của nơi ấy có sát sao hay không. Khi mọi người còn nghĩ chỉ cần sạch mình là đủ, bất biết xung quanh như thế nào thì tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.
Ý thức đặt ở hai bàn tay
Buổi sáng phải đi công tác sớm nên anh Hùng đứng chờ xe trước cửa Big C Trần Duy Hưng. Đây là “điểm hẹn” của khá nhiều tuyến xe limosine đi ngoại tỉnh nên có mấy người đứng chờ cạnh anh. Buổi sớm nhiều người còn chưa kịp ăn sáng nên tranh thủ cầm theo chiếc bánh mì, gói xôi… để ăn trong lúc chờ xe đón.
Có người thấy xe của mình từ xa tiến lại thì vội vàng quẳng túi nilong, hộp xốp cùng đồ ăn, thức uống đang dung dở trên tường bao của trung tâm thương mại hay thậm chí vứt ngay xuống vỉa hè để nhảy lên xe cho nhanh. Dù cách đấy không xa là thùng rác nhưng thậm chí ngay cả những người đã ăn xong, chờ mãi xe chưa đến họ cũng không nhấc chân lên mang rác tới thùng để vứt mà cứ chờ xe đến mới “lấy cớ” vội để cuống cuồng vứt toẹt ra bất cứ chỗ nào.
Như vậy, bản thân những người vô ý thức đó cũng biết xấu hổ, chỉ có điều nỗi xấu hổ ấy chưa chiến thắng được sự lười và sự tự giác biết làm tròn bổn phận của mình với chính những loại rác mà mình thải ra. Anh Hùng nghĩ, có thể những người ấy họ nghĩ mình chỉ đứng đây có một lần, có sạch hay bẩn gì thì mình cũng chẳng phải chịu nên chẳng buồn quan tâm.
Đồ uống dở vứt lại trên tường bao tại trung tâm thương mại Big C Trần Duy Hưng |
Thực tế, những túi nilon, hộp xốp thức ăn thừa kia có thể bị để đấy từ ngày này qua tháng khác. Tuy đã được gói chặt lại rồi nhưng nó vẫn rất bẩn, bẩn mắt người nhìn, làm xấu đi cảnh quan xung quanh và làm xấu đi chính người để lại túi rác đó.
Đây là đoạn đường rất rộng, đẹp của Hà Nội, là nơi đông người qua lại vì là cửa ngõ vào trung tâm Thủ đô, cũng là chốn nhiều gia đình đến mua sắm, lấy chỗ này làm điểm hẹn để di chuyển đến các nơi khác. Nhìn bọc nilon để rất vô duyên trên bờ tường, anh Hùng thực sự phiền lòng.
Chị Hải thì kể có lần chị thấy ghê tay và rất khó chịu khi thấy một chiếc cốc nhựa đựng thức uống mang đi có cắm ống hút ai đó gài vào đằng sau yên xe của chị. Chả là chị đưa con đi mua sách, gửi xe ở vỉa hè, khi quay ra lấy xe thấy như vậy, con chị cầm lên để vứt đi, chị vội vàng thét lên, lấy nước sát khuẩn rửa tay vội cho con.
Không phải là chị quá kĩ tính nhưng mùa dịch bệnh như thế này, tất cả những thứ có liên quan đến nước bọt, giọt bắn đều tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Chiếc cốc nhựa uống dở kia gợi nên biết bao điều sợ hãi, lo lắng. Bởi lẽ, nếu chẳng may người vừa uống xong mắc Covid-19 thì ống hút họ vừa uống cũng có thể là “hiểm họa” nếu chẳng may có ai đó tiếp xúc gần.
Khắp các đường phố Hà Nội bây giờ đặt nhiều thùng rác phân loại hữu cơ và vô cơ. Người có ý thức tôn trọng người khác để ứng xử cho văn minh nơi công cộng là người biết giữ những thứ đồ đã qua sử dụng để tìm đúng đến nơi vứt chứ không phải bạ đâu ném đấy.
Giữ gìn cho môi trường công cộng sạch đẹp văn minh cũng chính là thể hiện những người hoạt động trong môi trường ấy văn minh, biết ứng xử đúng mực. Khi ý thức đặt ở đôi bàn tay, chỉ hành động theo thói quen mà không có lí trí, tình cảm đặt vào đó thì hành động vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng sẽ vẫn còn tiếp diễn.
(Còn nữa)