Yếu tố quan trọng trong nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại Phát huy thế mạnh và sức trẻ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh Khơi dậy khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại |
Ý thức của công dân Thủ đô
Luật pháp nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng là những điều bắt buộc mọi người dân đều phải tuân thủ. Với người dân Thủ đô, điều này càng phải được thực hiện nghiêm ngắn, triệt để.
Bởi lẽ, thứ nhất, đây là đô thị lớn vào bậc nhất cả nước. Giao thông là một phần tất yếu của cuộc sống. Hàng ngày biết bao hoạt động của chúng ta đều gắn với việc lưu thông trên đường. Từ đưa đón con đi học, bản thân đi làm, đi chơi, đi mua sắm... đều gia nhập vào dòng người đông đúc kéo dài tưởng chừng bất tận từ sáng sớm cho đến tối khuya.
Người dân tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ |
Áp lực giao thông ở đô thị lớn nhiều hơn gấp trăm, gấp ngàn lần những nơi đất rộng, người thưa. Nếu không tuân thủ Luật Giao thông thì mỗi người vừa làm khó bản thân vừa làm khó người khác, càng không thể giúp cho hành trình được thuận lợi, dễ dàng.
Bạn Hồng Liên (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết những ngày đầu từ vùng quê xuống Hà Nội học, cô gái vừa đỗ Đại học đã rất "sốc" vì mật độ giao thông dày đặc của nơi đây. "Đường làng mình có khi cả ngày không nhìn thấy người, còn ở đây cả ngày không hết người đi. Ban đầu mình rất hoang mang, thậm chí còn sợ hãi nữa nhưng cứ bám theo dòng người mà đi.
Đặc biệt, ở những ngã tư, ngã năm, tín hiệu đèn đỏ cùng sự hướng dẫn, điều tiết hết sức trách nhiệm của các chú cảnh sát giao thông đã khiến mình vững tâm hơn. Không thể tưởng tượng được nếu như ngần ấy người cứ "mạnh ai người nấy đi" thì tình trạng giao thông sẽ hỗn loạn như thế nào".
Bà Nguyễn Thị Mai (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là người đã có hơn 70 năm sinh sống tại Hà Nội. Bà cho biết trong ngần ấy năm giao thông của mảnh đất này đã thay đổi rất nhiều. Lượng người đông lên, phố xá mở ra nhiều, mật độ đi lại trên đường cũng mỗi năm mỗi tăng lên nhưng cũng chính vì thế mà người dân ý thức, phân định rõ ràng và chấp hành Luật Giao thông một cách nghiêm chỉnh hơn.
Thứ hai, trong hành trình dù dài dù ngắn đi quanh thành phố, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa con người Hà Nội bộc lộ rất rõ qua mỗi tình huống mà họ gặp phải.
"Luật thì "cứng" mà ý thức thì "mềm". Cần phải kết hợp cả tính nghiêm minh của luật pháp và sự linh hoạt, hiểu biết và lối ứng xử khi văn minh của người đi đường để việc đi lại tại Hà Nội được thoải mái, thuận lợi hơn", anh Nguyễn Hải Thanh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ.
Ý thức của người dân Thủ đô ngày càng nâng cao hơn |
Thứ ba, cách hành xử của người Hà Nội vừa là "tấm danh thiếp" trưng ra với người dân cả nước và du khách khi đến với Thủ đô. Chúng ta ăn trong nhà, trò chuyện trong công sở có thể ít người nhìn thấy, nghe thấy nhưng một khi đã ra đường, đi đến nơi công cộng, những lần "thoáng qua đời nhau" ngoài phố cũng đủ để gây nên những ấn tượng tốt hoặc xấu đối với những người ở xa về Hà Nội.
Đó cũng chính là cách bản thân mỗi người tự tạo nên cho mình một cuộc sống văn minh và có ý nghĩa hơn.
Những đổi thay tích cực
Trong nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Giao thông, thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội và triển khai các quy tắc ứng xử nên dù áp lực giao thông có tăng, lượng người tăng lên nhưng dù còn những lúc tắc đường, còn những câu chuyện không đẹp khi đi lại trên đường nhưng phần đa người dân đã chấp hành nghiêm chỉnh cũng như có ý thức hơn trong quá trình tham gia giao thông.
Đặc biệt, Nghị định 168 của Chính phủ đã mang lại sự đổi thay tích cực, thổi luồng gió mới vào "bức tranh" giao thông của Hà Nội nói riêng, nhất là vào những tháng cuối năm lượng người tham gia giao thông tăng đột biến này.
Tại những nút giao ngã tư, ngã năm, người dân gần như tuyệt đối tuân thủ tín hiệu đèn giao thông. Nếu như trước đây ở ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng, mỗi lần đèn đỏ người đi từ phố Đào Duy Anh ra thường phi lên hành lang đường sắt, chòi lên trên những người dừng đèn đỏ để "rình" những lúc thưa người phía đối diện là lao đi hoặc khi đèn chuyển xanh là họ sẽ đi được ngay mà không phải nối đuôi những xe đã dừng chờ từ trước nhưng từ ngày thực hiện Nghị định 168 hầu như không ai dám "lách luật" kiểu này nữa.
Những bánh xe đều tăm tắp trước vạch kẻ |
Những ngày đầu có lực lượng chức năng hướng dẫn, tuyệt đối kiên quyết yêu cầu các phương tiện "đi theo thói quen" quay trở lại xếp hàng. Gần đây, khi việc này đã thành nếp, người dân chủ động đứng xếp hàng hoặc chọn lộ trình khác cho phù hợp hơn.
Ngoài việc tuân thủ Luật Giao thông và Nghị định 168, nhiều người dân đã có chuyển biến lớn về ý thức. Anh Trung Hiếu (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Trước đây mình áng chừng giờ làm, giờ hẹn công việc rất sát nhưng giờ mình chủ động tăng thời gian cho di chuyển lên. Nếu hẹn 9h thì mình thu xếp công việc để 8h đã ra khỏi nhà. Đi sớm thì sẽ thong thả hơn, trừ được nguy cơ tắc đường mà vẫn đảm bảo thời gian làm việc theo lịch".
Sắp xếp lại thời gian, công việc, chủ động đi sớm chính là một trong những giải pháp để vẹn toàn cả đôi đường. Thay vì ngồi cố lướt vài tin mới trên mạng xã hội, xem vài clip giải trí, nhắn vài cái tin bông đùa thì mình đi sớm hơn. Tham gia giao thông ở tâm thế chủ động giúp chúng ta vừa tuân thủ được luật, đi lại cẩn thận hơn, sáng suốt để ý thức hơn. Đó cũng chính là lựa chọn, là phương pháp để làm cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, văn minh hơn.