Ý kiến luật sư nói về những lùm xùm quanh chuyện ca sĩ Thủy Tiên
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) |
- Ca sĩ Thủy Tiên đứng ra làm từ thiện như thế, dưới góc nhìn của ông, đó là đúng hay sai?
- Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay hoạt động kêu gọi từ thiện vẫn đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Theo đó, Điều 5 của nghị định này quy định các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ như sau: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; Các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này”.
Như vậy, theo nội dung của nghị định này thì ngoài các tổ chức, đơn vị nêu tại Điều 5, thì “không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”. Tuy nhiên, những năm gần đây rất nhiều cá nhân là người nổi tiếng vẫn thực hiện hoạt động kêu gọi, tiếp nhận, phân phát tiền và quà tài trợ cho đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, người gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật mà không bị cơ quan chức năng nào ngăn cản, xử lý.
Việc tổ chức, cá nhân ngoài các tổ chức cá nhân quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP kêu gọi quyên góp và đứng ta tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền, quà từ thiện là các hoạt động xã hội được thực hiện theo quy định của bộ luật dân sự là hợp đồng tặng, cho tài sản và ủy quyền thực hiện việc tặng, cho tài sản. Hoạt động này phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và phù hợp với đạo đức xã hội nên được Nhà nước và Nhân dân tán thành, ủng hộ và cũng đã mang lại những hiệu quả nhất định, giúp đồng bào gặp thiên tai, hoạn nạn giải quyết được một phần khó khăn.
Có lẽ chính vì thế mà hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân một cách tự phát như vậy được đông đảo Nhân dân ủng hộ và chính quyền các địa phương tạo điều kiện giúp đỡ để có thể thực hiện hoạt động từ thiện theo chương trình tự phát của mình.
Bởi vậy, đã đến lúc cần phải ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ nói chung (chứ không chỉ có Bộ Quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ trên không gian mạng) để quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động phát ngôn, hoạt động từ thiện, hoạt động quảng cáo của các nghệ sĩ.
Đồng thời, cơ quan Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các quy định và chế tài đối với các nghệ sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và cần sửa đổi bổ sung kịp thời Nghị định 64/2008/NĐ-CP về kêu gọi, vận động, tiếp nhận từ thiện để mở rộng các đối tượng được phép thực hiện hoạt động kêu gọi từ thiện, tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động ngay để tránh những tiêu cực có thể phát sinh.
Khi sửa đổi bổ sung Nghị định 64 thì cần quy định rõ những trường hợp nào thì tổ chức, cá nhân khác được phép kêu gọi, tiếp nhận, phân phát hàng, tiền cứu trợ; Nội dung kêu gọi phải quy định thời hạn kêu gọi, mục đích từ thiện, thời gian tổ chức thực hiện hoạt động từ thiện, kinh phí cho việc tổ chức thực hiện, minh bạch số tiền tiếp nhận, số tiền phân phát bằng các sổ sách, chứng từ, có thể là cần phải có sự xác nhận của cơ quan chức năng.
Với những số tiền lớn từ 1 tỷ đồng trở lên thì bắt buộc phải có bên thứ ba giám sát việc quản lý và sử dụng tiền từ thiện, yêu cầu người tiếp nhận tiền từ thiện phải liên hệ với chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn như phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ...
Ca sĩ Thủy Tiên trao quà tặng người dân vùng lũ (năm 2020) |
- Trước thông tin nữ ca sĩ này có dấu hiệu không minh bạch sau khi nhận hàng trăm tỷ đồng từ nhà hảo tâm chuyển vào tài khoản, ông hãy giải thích, phân tích giúp người dân những căn cứ để có thể nhận biết dấu hiệu nghi vấn này được rõ ràng hơn?
- Luật sư Đặng Văn Cường: Những nghi ngờ đồn đoán trên mạng xã hội chỉ là những thông tin dư luận, chưa được xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Nếu để vụ việc kéo dài thì những vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn đến đạo đức xã hội, có nguy cơ gây ra mất đoàn kết, xung đột giữa các hội nhóm và làm giảm lòng tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế. Để kết luận đúng hay sai thì cần phải để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh mới có kết luận đúng đắn, chính xác và có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Những thông tin về gian lận trong hoạt động từ thiện phần lớn xuất phát từ doanh nhân Phương Hằng qua các buổi livestream ngoài ra còn có một số nhóm antifan, một số người trên Facebook cũng bày tỏ quan điểm và nghi ngờ đối với hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ.
Nếu vụ việc này không có đơn tố cáo hoặc cơ quan chức năng không tiến hành xác minh tin báo thì dư luận không thể biết được chân tướng sự việc là thế nào.
Theo quy định của pháp luật thì nếu một trong hai bên có đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự như: Vu khống, xâm phạm trái phép vào tài khoản ngân hàng, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân hoặc tố cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các hành vi vi phạm pháp luật khác thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh và có kết luận để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trường hợp hai bên đều không có đơn tố cáo nhưng vụ việc được đưa lên báo chí, dư luận, mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội thì cơ quan điều tra cũng sẽ vào cuộc xác minh. Với diễn biến sự việc đến thời điểm này thì cơ quan điều tra có đủ căn cứ để có thể thụ lý tin báo, làm rõ sự việc để xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan trong trường hợp xác định có sai phạm chứ không cần phải đợi đến đơn tố cáo, tố giác của những người trong cuộc.
Đối với hoạt động từ thiện có gian lận hay không, có chiếm đoạt tài sản hay không thì cần phải làm rõ nội dung kêu gọi quyên góp ủng hộ; Thời hạn quyên góp ủng hộ; Tài khoản sử dụng để tiếp nhận tiền ủng hộ; Thời điểm mở tài khoản và thời điểm đóng tài khoản; Tổng số tiền nhận được và số tiền đã chuyển khoản hoặc rút ra. Với sao kê ngân hàng thì sẽ cung cấp được thông tin số tiền chuyển vào là bao nhiêu; Thời gian nào và cụ thể từng lần chuyển khoản, qua đó sẽ biết được tổng số tiền thu về; Sao kê ngân hàng cũng sẽ xác định được tổng số tiền rút ra hoặc chuyển đi từ tài khoản đó là bao nhiêu tiền.
Nếu số tiền rút ra ít hơn số tiền chuyển đến hoặc có việc chuyển khoản cho bên thứ ba mà không phải là người được hưởng tiền từ thiện thì hành vi đó có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, thời điểm rút tiền từ ngân hàng đến thời điểm trao số tiền đó hoặc mua thành quà để trao cho người dân cũng là giai đoạn dễ bị chiếm dụng, khi đó rất khó để kiểm soát nếu như không có bên thứ ba giám sát sự việc. Cơ quan chức năng vào cuộc cũng sẽ làm rõ các giấy xác nhận về việc từ thiện, xác nhận về việc đã chi tiêu có bị làm giả mạo, gian dối hay không để xác định có hành vi chiếm đoạt tiền sau khi đã lấy từ ngân hàng ra hay không.
Vấn đề này cơ quan điều tra hoàn toàn có thể làm rõ trong thời gian hai tháng kể từ khi thụ lý tin báo để kết luận là có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kêu gọi từ thiện hay không. Nếu từ thiện bằng cái tâm, từ tiền, tài sản của mình thì người ta ít ồn ào.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều người từ thiện bằng tiền của người khác, kêu gọi người khác đóng góp ủng hộ nhưng lại thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội, trên báo chí một cách rầm rộ để đánh bóng tên tuổi, thậm chí vì lòng tham mà có thể chiếm đoạt số tiền mà các nhà hảo tâm gửi gắm.
- Nếu có căn cứ cho thấy dấu hiệu không minh bạch, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra cần có những điều kiện gì? Nếu có căn cứ đúng là Thủy Tiên không minh bạch, nữ ca sĩ này có thể phạm phải tội gì và bị xử lý thế nào?
- Ls Đặng Văn Cường: Nếu doanh nhân Phương Hằng có các chứng cứ về hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện của một số nghệ sĩ, trong đó có Thủy Tiên thì bà Phương Hằng có quyền tố cáo đến cơ quan công an hoặc thông tin lên mạng xã hội.
Việc doanh nhân này công khai rõ thông tin danh tính cá nhân người vi phạm, thông tin về hành vi vi phạm lên mạng xã hội mà cơ quan điều tra tiếp cận được thông tin này thì cũng là căn cứ để cơ quan điều tra thụ lý tin báo chứ không cần phải có đơn tố cáo, tố giác tội phạm.
Nội dung này đã được quy định rất rõ trong phần xác minh tin báo tố giác tội phạm trong Bộ luật Tố tụng hình sự và thông tư liên tịch năm 2017 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Hiện nay, sự việc đã được công khai lên mạng xã hội và các cơ quan truyền thông cũng đã đưa tin, bởi vậy cơ quan điều tra có đủ căn cứ để có thể thụ lý tin báo làm rõ sự việc và có kết luận giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nội dung tố cáo của bà Phương Hằng là đúng, kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy nữ ca sĩ này đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện của các nhà hảo tâm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 174 hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 và mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
Ngược lại, nếu kết quả điều tra xác minh cho thấy nữ ca sĩ này không có sai phạm mà việc tố cáo là hoàn toàn không đúng sự thật, nữ doanh nhân này biết rõ sự việc không có thật nhưng vẫn loan tin, bịa chuyện nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì sẽ bị xử lý hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Vấn đề này đúng hay sai, bên nào vi phạm pháp luật thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra.
Từ sự việc bóc phốt, tố cáo các nghệ sĩ trong đó có ca sĩ Thủy Tiên thì số lượng antifan, các phe nhóm mọc lên rất nhiều trên mạng xã hội để tẩy chay một số nghệ sĩ. Dư luận xã hội cũng chia thành những bè phái công kích, chửi bới, xúc phạm lẫn nhau.
Mạng xã hội trở nên hỗn loạn với những hoạt động mắng chửi, bới móc, tìm kiếm thông tin cá nhân, xúc phạm lẫn nhau một cách vô tội vạ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm niềm tin và đạo đức của con người, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và có thể làm suy giảm hiệu quả của hoạt động từ thiện trong thời gian tới đây.
Bởi vậy đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng, đồng thời xác minh làm rõ sự việc để xử lý những sai phạm theo quy định pháp luật.
- Xin cảm ơn luật sư!