Xu hướng sống độc thân, nỗi lo không của riêng ai!
Xu hướng phụ nữ Hàn Quốc thờ ơ với kết hôn Có một thế hệ trẻ chọn cuộc sống độc thân |
Theo nhiều nhà xã hội học, xu hướng độc thân trước hết là do kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn.
Xưa nay nỗi lo lớn nhất của người cao tuổi là nếu không có gia đình, con cháu thì khi già yếu biết cậy nhờ ai? Tuy nhiên, với những quốc gia phát triển, các viện dưỡng lão ngày càng nhiều thì điều đó không phải là vấn đề.
Khi những nhu cầu cơ bản của con người như cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo thường trực thì cái mà người ta quan tâm không phải là mức sống mà là chất lượng sống. Một cuộc sống có chất lượng là cuộc sống an toàn, có nhiều niềm vui, con người cảm thấy thoải mái, hạnh phúc.
Dù vật chất đầy đủ, thậm chí dư thừa mà cả ngày không có một niềm vui, chỉ toàn những lo âu, cãi cọ thì không thể coi là cuộc sống có chất lượng. Tiếc thay đời sống vợ chồng chẳng phải bao giờ cũng hạnh phúc mà nhiều khi chứa đầy mâu thuẫn, người này áp đặt người kia, theo dõi, quản lý nhau, chưa kể còn ngoại tình, phản bội, hoặc tìm mọi cách bắt người kia phải sống theo ý thích của mình. Điều đó khiến người ta phải đứng trước lựa chọn kết hôn hay độc thân?
Lê Thị Diệu là một cô gái 31 tuổi xinh đẹp, tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, trưởng phòng marketing một công ty liên doanh lương tháng gần hai chục triệu đồng nhưng vẫn chưa lấy ai. Cha mẹ sốt ruột giục giã hàng ngày, chú bác cô dì cũng luôn nhắc nhở nhưng Diệu chỉ cười bảo cứ từ từ.
Cô tâm sự, nhìn mấy đứa bạn thân lấy chồng mà phát sợ. Khối đứa ly hôn rồi vì không chịu nổi những ông chồng vừa gia trưởng lại vừa keo kiệt. Một cô xinh nhất hội lấy chồng là doanh nhân thành đạt nhưng anh ta ghen khủng khiếp, không muốn cho vợ đi làm, bắt nghỉ việc ở nhà nội trợ để không có cơ hội tiếp xúc với bạn trai.
Một cô khác lấy phải anh chồng liên tục ngoại tình, cứ dẹp được vụ này lại có vụ khác. Có lần vợ đi theo dõi bắt quả tang, còn bị chồng tát chảy máu mồm.
Hoàng Lan 34 tuổi, thạc sĩ tin học, làm việc ở ngành bưu chính viễn thông. Là một cô gái thông minh, có nhan sắc, từ khi còn là sinh viên, Lan đã được không ít chàng trai theo đuổi nhưng yêu anh nào cũng chỉ mấy tháng cô lại chán.
Đến tuổi này, Lan chẳng lấy ai nhưng vẫn cứ cười tươi như hoa, trong khi cha mẹ đứng ngồi không yên vì lo con gái thành “bà cô”. Hỏi: “Sao em kén gì mà kỹ thế ?”. Lan trả lời tưng tửng: “Kén gì đâu, ai chẳng muốn lấy chồng nhưng cái số em nó thế nào, gặp toàn những “thằng nhạt như nước ốc”. Hỏi “Người ta thế nào mà em chê nhạt”, Lan kể, em cũng yêu đến ba bốn lần rồi đấy!
Gần đây nhất là con trai một ông giám đốc mới du học nước ngoài về. Tính tình anh ta hiền lành ít nói, mặt mũi sáng sủa lại có “nhà mặt phố, bố làm to” nhưng nói chuyện thì chán không để đâu cho hết. Đi xem phim thì nửa chừng ông ấy đã ngủ gật. Nói chuyện thì “quan tám cũng ừ quan tư cũng gật”.
Em hỏi "anh có thích phụ nữ mặc váy không", anh ấy bảo cũng tùy, có cô mặc đẹp, có cô không.
Em hỏi "anh có thích nghe nhạc không", anh ấy bảo cũng tùy, có lúc thích, có lúc không.
Bực mình quá em bảo "yêu đương bây giờ chán nhỉ", anh ấy bảo cũng tùy, có lúc chán, có lúc không. Em nghĩ bụng suốt đời nói chuyện với cái ông “cũng tùy” này khác gì nói chuyện với đầu gối.
Vì sao anh không lấy vợ?
Hàng ngày bao nhiêu chuyện rắc rối của cuộc sống vợ chồng đập vào mắt các chàng trai độc thân. Có anh đang ngồi uống bia với bạn, điện thoại của vợ gọi đến căn vặn, quát tháo đùng đùng, người ngồi bên cạnh cũng nghe tiếng the thé. Những người vợ ngày nay lúc nào cũng muốn biết chồng đang ở đâu, làm gì mới yên tâm.
Đã thế các phương tiện truyền thông lại đua nhau khai thác đề tài bi kịch gia đình khiến các chàng càng sợ. Có bài báo nhan đề: “Lấy vợ hay đi tù cũng thế cả thôi!”, làm cho những anh chàng chưa vợ đọc mà nổi da gà.
Họ tả các bà vợ không khác gì quản giáo. Họ kể mỗi lần đi công tác xa nhà phải lấy hết can đảm mới dám mở miệng thông báo với vợ, vì y như rằng mặt vợ dài thượt ra như cái bơm.
Mụ buồn vì chồng sắp thoát khỏi vòng cương tỏa của mình, còn chồng thì mừng như mở cờ trong bụng vì không bị “yêu thương lo lắng” ít nhất là vài ba ngày.
Mụ thuê ô-sin trông con, để rảnh rang trông chồng. Chủ nhật chỉ ra khỏi nhà một lúc là vợ réo điện thoại kiểm tra cứ độ nửa tiếng một lần. Nghe ồn ào thì hỏi: “Sao ồn thế, hát karaoke hả?”. Im lặng thì mụ rít lên: “Sao im ắng thế, đang trong nhà nghỉ hả?”.
Một anh có người bạn rủ đi mát-xa xông hơi. Đang nằm sấp cho người ta đấm bóp bất ngờ vợ gọi đến hỏi anh đang làm gì? Nếu nói là đang mát-xa chắc chết nên anh ta nói bừa là đang… uống cà-phê. Hỏi uống với ai? Trả lời bừa là uống một mình. Nào ngờ bà vợ “quái thai” bảo: “Anh gõ thìa vào thành cốc kêu leng keng lên xem nào?”. Ở chỗ mát- xa toàn đệm mút lấy đâu ra cái gì mà gõ cho kêu được.
Thế là lộ tẩy, anh bị vợ rít lên bắt phải về ngay lập tức và suốt đêm ấy được nghe “cải lương” đến sáng. Khó mà kể hết cảnh làm chồng khốn khổ thời nay. Những anh chàng chưa vợ chỉ nghe đã rụng rời may chưa chui vào cái rọ hôn nhân.
Xu hướng sống độc thân được nhiều người lựa chọn |
Lại có bài báo liệt kê “21 nỗi khổ của đàn ông có vợ”. Một bài khác kể “10 điều sung sướng của phụ nữ không chồng” càng khiến cho số người độc thân ngày một gia tăng.
Một nhà xã hội học Nhật Bản cho rằng: “Trong xã hội hiện đại sống là liên tục cạnh tranh, lúc nào cũng bận rộn còn đâu thời gian dành cho hôn nhân nữa?”. Người độc thân ở Nhật đa số là công chức có mức thu nhập cao nên tìm một người bạn đời trước hết phải có cùng mức thu nhập với mình, phạm vi lựa chọn càng thu hẹp.
Ở tầng lớp xã hội thấp hơn số người độc thân cũng không ít, vì thu nhập của họ không đủ đảm bảo cuộc sống gia đình.
Nỗi niềm của cha mẹ khi con cái sống độc thân
Cha mẹ thường không tiếc tiền của đầu tư cho con ăn học để nó thành đạt và có hạnh phúc. Tuy nhiên, khái niệm hạnh phúc với họ bao giờ cũng đi liền với cuộc sống gia đình.
Thành đạt đến đâu mà sống một mình thì họ vẫn cho là bất hạnh. Điều đó chứng tỏ những người từng trải vẫn thấy hôn nhân cần thiết với đời sống con người.
Nhiều nhà tâm lý cũng cho rằng từ sâu thẳm trong mỗi người phụ nữ đều khao khát cái thiên chức muốn được yêu, được làm vợ, làm mẹ. Tuy nhiên, xã hội hiện đại cho phép người ta vẫn có thể yêu đương và nếu thích thì sinh con mà không cần lấy chồng. Vì thế, vấn đề được gì, mất gì từ cuộc sống độc thân vẫn là đề tài không hồi kết trên báo chí nhiều nước.
Đàn ông chưa vợ tha hồ bay nhảy, tiệc tùng với những cuộc tình một đêm. Phụ nữ chưa chồng thoả sức mua sắm, thay đổi “mốt” liên tục và không hạn chế những cuộc vui với bạn bè mà không bị ai ghen tuông, kiểm soát.
Người lo lắng nhất khi con sống độc thân vẫn là cha mẹ. Người Việt lâu ngày gặp nhau, câu hỏi đầu tiên là đã lập gia đình chưa và được mấy con, trai hay gái? Cho nên còn người con nào lớn tuổi chưa yên bề gia thất là cha mẹ chưa thể yên lòng.
Nếp nghĩ ấy từ bao đời vẫn thế và người ta tin rằng cuộc sống độc thân dù có sung túc thế nào cũng không thể gọi là hạnh phúc được. Họ không thể chấp nhận kết hôn hay không là lựa chọn của mỗi người, miễn sao bản thân cảm thấy thoải mái.
Nhìn ở tầm vĩ mô mới thấy sự độc thân là nguyên nhân cơ cấu dân số bị lão hoá, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển xã hội. Nhật Bản là một thí dụ.
Do người độc thân gia tăng nên 30 năm liền tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi ở nước này giảm liên tục mà người già lại sống thọ hơn nên dân số giảm đi và bị lão hoá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tương lai dân tộc trong nhiều năm sau này do tình trạng thiếu nhân lực.
May thay, nước ta đám cưới vẫn còn nhiều. Số người độc thân tuy có gia tăng nhưng chưa thấm vào đâu với các nước phát triển. Có lần tôi nói vui với một ông bạn: “Sao mà lắm đám cưới thế, cứ thấy mấy cái thiếp mời đi ăn “cơm bụi giá cao” mà lo méo cả mặt”.
Không ngờ ông ta bảo: “Này ông ơi, chúng nó cưới cho là phúc đấy. Đến lúc nó cứ sống độc thân không cưới nữa thì ông còn méo mặt hơn”.