Xu hướng “bỏ trốn” khỏi nơi làm việc hậu đại dịch của giới trẻ
Sợ dịch bệnh có thể xuất hiện tại nơi đông người
Khi công ty cho phép 50% nhân viên làm việc tại nhà do dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, Trần Phương (24 tuổi, nhân viên kinh doanh) không ngần ngại mà lập tức đăng ký. Từ khi làm việc tại nhà, cô gái trẻ cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi có thể yên tâm và tập trung hơn mà không lo nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Dù công ty mở cửa trở lại, bạn trẻ Trần Phương vẫn cảm thấy sẵn sàng đi làm tại công ty |
“Mình làm việc ở một tòa nhà văn phòng lớn, văn phòng mình làm việc được thiết kế theo hình thức co-working space (không gian làm việc sử dụng chung nhiều tiện ích). Trước khi giãn cách xã hội, mỗi ngày mình đều phải tới công ty sớm hơn 30 phút để tránh tình trạng chen chúc ở thang máy với hàng chục dân công sở khác vào giờ cao điểm.
Ngồi ở chỗ làm, mình lúc nào cũng mang tâm lý đề phòng, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với đồng nghiệp. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt nhưng mình vẫn khá lo lắng khi tới những nơi đông người như vậy. Mình mong có thể tiếp tục được làm việc ở nhà, hoặc linh động giữa cả 2 hình thức cho đến khi tình hình ổn định hơn”, Trần Phương chia sẻ.
Không muốn từ bỏ nghề tay trái
Trước khi thành phố Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội trong đợt dịch lần thứ 4, mỗi ngày, Đinh Hương (26 tuổi, trợ lý kiêm chuyên gia phân tích) phải dậy từ 5h sáng để sửa soạn, chuẩn bị các thông tin cho ngày làm việc mới và di chuyển cho kịp giờ vào vào làm lúc 8h30.
Đinh Hương lo sợ sẽ mất đi công việc đang làm thêm nếu quay trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian |
Đợt giãn cách xã hội vừa rồi, ngoài công việc chính, Đinh Hương còn thực hiện một số dự án cá nhân và kiếm thêm thu nhập, điều mà cô khó có thể làm nếu vẫn phải đến công sở. Cô gái trẻ cũng thấy yên tâm khi không phải sử dụng phương tiện công cộng vào thời điểm hiện tại vì cô cũng không quen tự lái xe đến công ty.
Đinh Hương cho biết, công ty cô mới thay quản lý cấp cao nên việc nhân viên có được tiếp tục làm từ xa hay không vẫn chưa được quyết định, cô gái trẻ chỉ còn cách tiếp tục chờ đợi nhưng trong lòng thì thực sự chưa muốn quay trở lại làm việc tại công ty.
“Mình không muốn từ bỏ những dự án cá nhân của mình vì chúng là những “cứu tinh” giúp mình vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Mình không muốn đánh mất hết chỉ vì phải trở lại làm toàn thời gian ở công ty", Hương chia sẻ.
Ngại giao tiếp với mọi người
Dù công ty đang làm việc chưa cho toàn bộ nhân viên quay trở lại làm việc nhưng nhiều đồng nghiệp của Lê Văn Quân (24 tuổi, nhân viên văn phòng) ngày nào cũng bàn luận trong nhóm chung của công ty mong chờ ngày được đến văn phòng. Với chàng trai trẻ, anh lại chưa hề mong muốn quay trở lại làm việc toàn thời gian tại công ty.
"Ngại giao tiếp" là một trong những lý do khiến Văn Quân không muốn quay trở lại làm việc |
“Lý do có lẽ là mình không muốn phải giao tiếp quá thường xuyên tại nơi làm việc. Công việc của mình cũng không đòi hỏi phải gặp gỡ hay nói chuyện nhiều với người khác và mình thích cảm giác trao đổi công việc thông qua các phần mềm chat hơn.
Bản thân mình là kiểu người pha trộn giữa hướng nội và hướng ngoại. Mình muốn tiếp xúc với mọi người nhưng không phải ở mức độ liên tục. Trước đây, khi đi làm tại văn phòng và giao tiếp với nhiều người, lúc nào mình cũng phải sống với một cá tính khác. Còn ở nhà, mình thấy thật sự thoải mái vì được là chính bản thân mình”, Quân nói.
Mong muốn phục hồi sức khỏe
Làm việc trong một quán bar lớn ở Hà Nội và vật lộn với việc sử dụng bia rượu, chất kích thích mỗi ngày, môi trường làm việc khiến cơ thể của Vũ Duyên (25 tuổi, nhân viên một quán bar luôn trong trạng thái thiếu tỉnh táo. Đồng nghiệp cũng thường xuyên rủ nhau đi nhậu thêm sau giờ làm nên cô gái trẻ phần nào đó cảm thấy bản thân có dấu hiệu nghiện rượu.
Bạn trẻ Vũ Duyên muốn từ bỏ công việc hiện tại để bảo vệ sức khỏe cho bản thân tốt hơn |
Giãn cách xã hội khiến một số người thường xuyên phải tiếp xúc với chất kích thích như Duyên có cơ hội để phục hồi. Sau vài tháng, cô gái trẻ đã cai rượu và sức khỏe đã tốt hơn nhưng Duyên đang lo sợ mình sẽ tái nghiện khi đi làm trở lại.
"Trước mắt, mình phải hoàn thành nốt 2 tháng làm việc trong hợp đồng lao động. Công việc này dù vất vả nhưng cũng mang cho mình thu nhập tốt, nhiều khi còn tốt hơn mình mong đợi.
Dù vậy, mình đã suy nghĩ rất nhiều đến chuyện nghỉ việc. Tài chính chắc chắn sẽ eo hẹp hơn nhưng mình có thể xoay sở được. Mình thực sự sợ khi đối diện với chất kích thích và ánh mắt của gia đình, bạn bè”, Duyên chia sẻ.