Hậu đại dịch, giới trẻ đắm mình vào cuộc đua mua sắm
“Áp lực đồng trang lứa” đè nặng cuộc sống của giới trẻ hiện đại Nguy hại từ nội dung 18+ trên mạng xã hội: Giới trẻ "né" cách nào? Giới trẻ và nạn “miệt thị ngoại hình” trên không gian mạng |
Lao vào “mua sắm trả thù” sau nhiều tháng “nhịn” dịch vụ
Năm thỏi son mới của những thương hiệu nổi tiếng, ba hộp mặt nạ dưỡng da, hai hộp kem dưỡng ẩm, chì kẻ mày... và cả chục bộ đồ hàng hiệu mới là những món hàng mà Thảo Linh (25 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã “chốt đơn” ngay đầu tháng 10. Đến giữa tháng 10, Linh tiếp tục đặt trước chiếc điện thoại iPhone 13 Pro Max và đã nhận điện thoại mới trong đợt mở bán chính thức đầu tiên của chiếc điện thoại đắt tiền này tại Việt Nam.
Dù những món đồ cũ vẫn dùng tốt hay vẫn còn nhiều, Thảo Linh vẫn quyết định "mạnh tay" mua sắm để tự thưởng cho bản thân sau thời gian dài nghỉ dịch |
"Đối với mình, những món đồ mới và có giá trị này là những phần thưởng mình dành cho bản thân sau thời gian dài chỉ ở nhà và làm việc, không tiêu pha, chơi bời, mua sắm hay đi du lịch. Nó đơn giản là giúp mình cảm thấy bớt chán hơn sau một thời gian thật sự bí bách”, Thảo Linh nói.
Sau giãn cách xã hội, hiện tượng mua sắm điên cuồng hay "mua sắm trả thù" đã lan rộng tới nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng được giới trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Tốc độ mua hàng, đặc biệt là các món đồ đắt tiền đã tăng chóng mặt kể từ khi mở cửa lại sau dịch Covid-19.
“Mua sắm trả thù” hay "chi tiêu trả thù" (revenge shopping/buying) không phải là một thuật ngữ mới. Nó được dùng để chỉ tất cả mọi hoạt động mua sắm “điên cuồng” để khỏa lấp một nỗi buồn hoặc thất vọng nào đó ví dụ như một phụ nữ mua sắm thỏa thích sau khi thất tình. Trong bối cảnh của đại dịch, mua sắm trả thù đã mang một ý nghĩa khác, là ham muốn mua sắm bù đắp cho thời gian đã mất vì giãn cách xã hội.
"Mua sắm trả thù" là việc nhiều người trẻ thực hiện đầu tiên sau khi kết thúc giãn cách xã hội (Ảnh tư liệu" |
Khi những tín hiệu tích cực đầu tiên được nhen nhóm sau tháng ngày quay cuồng vì đại dịch, nhiều người trẻ như Thảo Linh đang lao vào mua sắm để khỏa lấp nỗi buồn, bù đắp cho khoảng thời gian đã mất vì giãn cách xã hội. Mua sắm thường là một hoạt động vui vẻ nhưng giờ đây được thúc đẩy bởi một loại cảm xúc từ hành vi "trả đũa" sau thời gian dài bị kìm hãm của giới trẻ.
Nhớ cảm giác được “tiêu tiền”
Thuộc nhóm lao động may mắn vẫn giữ được công việc và thu nhập ổn định trong thời gian dài giãn cách. Khó khăn của Hoàng Kim Nam (24 tuổi, kinh doanh tự do) không phải là vấn đề kinh tế mà là việc phải "chôn chân" ở nhà suốt nhiều tháng vừa qua. Sau khi thành phố Hà Nội từng bước mở cửa trở lại, việc đầu tiên mà Nam nghĩ đến là việc chăm chút bản thân, làm mới tủ quần áo.
Bạn trẻ Kim Nam tích cực mua sắm để làm mới bản thân sau thời gian dài "chôn chân" tại nhà |
"Sau thời gian dài ở nhà và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh, mình muốn tìm kiếm những thứ mang lại cảm giác lạc quan, khiến cuộc sống vui vẻ trở lại. Mua sắm luôn là cách tốt nhất có thể giúp mình làm được điều đó.
Khi các quy tắc phòng, chống dịch bện được nới lỏng hơn nữa, mình sẽ vào TP Hồ Chí Minh một thời gian và chắc chắn sẽ còn mua sắm nhiều hơn. Mình là người thích mua sắm ở cửa hàng thay vì shopping online. Ở nhà nhiều, mình thực sự nhớ cảm giác được tự tay chọn đồ, thử quần áo và quẹt thẻ thanh toán", Nam chia sẻ.
Giống như Kim Nam, Phạm Đức Huy (23 tuổi, hướng dẫn viên du lịch) cũng coi việc "mua sắm trả thù" là một cách để giải tỏa tâm trạng căng thẳng và tự thưởng cho bản thân sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đức Huy cho biết, suốt thời gian dài dịch bệnh diễn ra, chàng trai trẻ không có cơ hội được mua sắm, “tậu” những món đồ mới cho bản thân vì không thích mua sắm online.
Sau những ngày dài chống dịch, Đức Huy quyết định chi tiền mua sắm để sẵn sàng khi công việc trở lại |
“Dịch bệnh được kiểm soát là tín hiệu tích cho ngành du lịch mà mình đang làm quay trở lại. Mình cần phải chuẩn bị thật tốt từ điện thoại mới, quần áo, nước hoa... phục vụ cho công việc. Ngoài ra, mình cũng đã hẹn bạn bè những chuyến đi chơi xa nên các món đồ mình mua đều cần thiết cho bản thân”, Đức Huy nói.
Theo chàng trai trẻ, việc mọi người đổ xô mua sắm khi dịch bệnh giảm nhiệt là điều dễ hiểu. Xét về góc độ tâm lý, Covid-19 đã khiến nhiều bạn trẻ như Huy phải chấp nhận ở nhà với 4 bức tường, bí bách và tạm gác mọi cuộc vui, hẹn hò sang một bên.
Còn với Thu Hoài (27 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng), người gần đây đã đặt mua một chiếc laptop và một chiếc máy tính bảng mới với giá gần 60 triệu đồng, đại dịch đang khiến cô nhìn nhận khác đi về việc chi tiêu của mình. Trong khi nhiều người chi tiêu chắt bóp để có khoản tiền tiết kiệm phòng thân trong ngày dịch, Thu Hoài cho biết cô muốn tận hưởng và đầu tư hơn.
Bạn trẻ Thu Hoài không ngần ngại chi bộn tiền để mua các thiết bị công nghệ mới để "nâng cấp" bản thân |
“Covid-19 khiến mọi thứ trở nên thiếu ổn định và chắc chắn. Thay vì suy nghĩ nhiều cho tương lai, mình muốn sống cho hiện tại. Laptop và điện thoại mới sẽ giúp cho công việc của mình ổn định hơn khi mà đối tượng khách hàng của mình đã được “nâng cấp” hơn. Đó là một khoản đầu tư xứng đáng cho bản thân”, Thu Hoài chia sẻ.