Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực bứt phá
Long An: Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh Long An: Nhận diện, khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực |
Đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở đang hoạt động (4 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 2 đơn vị tham gia giáo dục nghề nghiệp); trong đó, có 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư các nghề trọng điểm.
Công tác kiểm định chất lượng được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn được các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành thường xuyên hàng năm.
Thông qua đó, các đơn vị kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, xử lý những tồn tại, sai phạm trong tổ chức, hoạt động ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực cho bứt phá |
Cùng với chất lượng giáo dục được chú trọng thì hình thức đào tạo cũng ngày càng đẩy mạnh. Cụ thể, có trên 90% học sinh, sinh viên sau học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau tốt nghiệp. Đặc biệt, học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp các nghề thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật thậm chí còn không đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An dự kiến đến năm 2030 cần đặt ra một số chỉ tiêu thu hút 50 - 55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề đạt 40%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.
Từ đó, thúc đẩy tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.
Những khó khăn, giải pháp thúc đẩy hiệu quả
Bên cạnh những kết quả trên, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể như: Cơ cấu lao động chưa hợp lý cả về trình độ và về phân bố theo khu vực, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” do lao động qua đào tạo đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ lớn nhất và gia tăng nhanh chóng trong khi nền kinh tế thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chất lượng cao.
Bên cạnh đó còn có sự chênh lệch rất lớn giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền, năng suất lao động ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động có xu hướng chững lại.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết Sở đã có những biện pháp để nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng cao như:
Đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.
Trên 90% học sinh, sinh viên sau học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau tốt nghiệp |
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có chất lượng cao: tiếp tục rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực, nhu cầu nhân lực có tay nghề cao của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Đồng thời, Sở đẩy mạnh hoạt động của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các sai phạm của cơ quan quản lý các cấp trong giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp; Tổ chức rà soát, xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với tiến bộ khoa học và công nghệ và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để phát hiện, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh gắn với ngành nghề ưu tiên của tỉnh, trong đó cần chú trọng đến việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các mô hình gắn kết với giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Cuối cùng là đẩy mạnh nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học và kỹ thuật công nghệ, ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao; triển khai các thủ tục cần thiết đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An.
Qua đó, người lao động được kết nối việc làm một cách nhanh chóng và thuận tiện, hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động và thu nhập, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025 như mục tiêu đề ra.