Vĩnh Phúc: Cần sớm tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đình Phương Viên đã xuống cấp
Ông Bùi Văn Hồng cán bộ văn hóa thông tin thị trấn Thổ Tang cho biết: Đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2015 về kiến trúc nghệ thuật.
Trước khi được xếp hạng, năm 2015, UBND thị trấn Thổ Tang đã có tờ trình gửi lãnh đạo cấp trên để tu bổ, tôn tạo nhưng đến nay đình chưa được cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo để thực hiện. Phần lớn việc tu sửa (hạng mục được cho được phép) những hạng mục bị xuống cấp đều do các các cụ và Nhân dân trong vùng đóng góp để sửa mang tính chắp vá.
Đình Phương Viên thuộc địa giới thôn Phương Viên, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường |
Nhiều hạng mục như mái đình bị nghiêng (khoảng 20 độ) về phía đằng sau, cột, kèo, thượng cân bị mục nát, vách ngăn bị rạn nứt, cột đình chắp vá bằng xi măng chống mối mọt ăn lan ra, câu đầu, xà ngang, mấu nối cột, vách ngăn gỗ bên trái đình bị mục ruỗng, tường nhiều đọa bị nứt rịa có đoạn hàng mét, một số chỗ trên mái đình bị dột nát.
Theo tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đình Phương Viên được xây dựng mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Trước cửa đình là sân rộng, lát gạch Bát Tràng vuông màu đỏ, những dịp làng tổ chức lễ hội sân đình được sử dụng để tiến hành những nghi lễ chính.
Tòa đại đình có 3 gian 2 chái (dĩ), mặt nền tòa đại đình có kích thước 16,5m x 7,9m, 3 gian giữa có bề rộng là 3,5m, mỗi gian chái có bề rộng là 2,5m. Bộ mái xòe rộng ra 4 phía và kéo dài xuống thấp. Tòa đại đình là kiểu kiến trúc được phát triển theo chiều ngang, có xu hướng dàn chải sang hai bên. Bộ mái đình rất bề thế, hai mái chính xoè rộng ra và thấp dần xuống, hai mái hai đầu che kín hai chái, chiều cao của mái chiếm khoảng 2/3 chiều cao của đình.
Ngói lợp tòa đại đình là ngói mũi hài, một đầu để vuông, đàu còn lại uốn cong theo chiều cánh cung, phần mũi hài có rãnh thoát nước, vừa có tác dụng trang trí. Trên đỉnh mái là một đôi rồng chầu mặt trời, thân rồng được phủ một lớp sứ tạo thành vẩy rất đẹp, đây là một quan niệm của người phương Đông và cũng là biểu tượng của bậc thần thánh, đế vương.
Phía bên ngoài đình các các cấu kiện bị mục nát |
Dấu ấn đặc biệt phần mái là đao đình hai mái chính và mái hồi gặp nhau thành đường bờ dải gấp khúc, uốn cong về bốn phía như hoa nở. Cấu kiện gỗ quan trọng để tạo độ uốn cong cho mái đình chính là tàu mái, đó là những tấm ván dày nối khít với nhau chạy dài viền theo cạnh dưới của mái.
Tàu mái ở đây có công năng như câu hoành cuối cùng, tàu mái được làm từ thân gỗ xẻ đôi mặt phẳng quay ra ngoài. Lá mái cũng là tấm ván dài, nối khít với nhau nhưng mỏng và nhỏ hơn tàu mái, lá mái chạy song song và bám sát vào tàu mái, được cố định như nhưng then tàu. Những lá mái này có công năng đỡ những viên ngói cuối cùng (ngói giọt gianh). Toàn bộ đại đình được dựng trên hệ thống cột gồm 4 hàng chân, 8 hàng cột và 16 cột quân.
Hậu cung xây nối phía sau gian giữa đại đình, mở rộng ra thêm ở 2 bên tạo thành 2 lối đi vào. Kích thước 4,5m x 5,4m, gồm 2 gian thờ dọc, gian ngoài nâng sàn gỗ lên 0,8m, đặt sập thờ và mâm ấu, là nơi đặt lễ trong ngày tế tiệc; Gian trong cùng được nâng cao hẳn lên thành một gác lửng cao 2m làm khám thờ, 3 mặt bít ván, trước có cửa bức bàn 4 cánh sơn then, bên trong đặt long ngai.
Nhiều chỗ trong đình các cụ phải che đậy bàng bạt tránh mưa |
Nghệ thuật điêu khác gỗ của đình là 3 bức chạm ở cốn mê phía trên khám thờ trong hậu cung đình được làm theo kiểu giá chiêng, ở chỗ ván lá đề đã được thay bằng một tấm ván trơn, phía dưới đó, chỗ giá chiêng gác lên câu đầu có một tấm ván nong với 3 bức chạm gỗ với đề tài tứ linh sinh động.
Bức bên phải chạm hình long mã, mình thon có vẩy, chân choãi, lông đuôi tạo thành xoáy âm dương đang ẩn hiện trên nền vân xoắn và đao mác.
Bức chính giữa chạm hình sen rùa, rùa vàng đang bơi trong nước gợn sóng giữa đám lá và hoa sen đang nụ và mãn khai, phía trên điểm xuyết các cụm vân xoắn. Rùa là con vật sống lâu nên thường dùng để biểu thị lời chúc trường thọ.
Bức bên trái chạm hình lân đang vờn múa uyển chuyển trên nền mây xoắn thành những cụm lớn. Theo tín niệm cổ, Lân xuất hiện là điềm báo có thánh nhân xuất hiện, cuộc sống được thái bình.
Cột đình bị mục hư hỏng nặng |
Ở đầu tất cả các con rường nơi đỡ các hoành mái đều có chạm khắc hình vân xoắn, lá cúc cách điệu, đường nét chắc khỏe kéo qua cả các đấu vuông thót đáy tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho phần tiếp xúc giữa kết cấu khung gỗ và bộ mái.
Từ xa nhìn vào, chúng ta hình dung đây là các đầu rồng cách điệu, thân chui từ thân cột cái vươn mình ra đỡ lấy hoành mái. Trên thân các bẩy hiên ở đình Phương Viên đều được chạm khắc cho dù đề tài trang trí còn đơn giản.
Hai bẩy hiên gian giữa được trang trí cầu kì nhất với mặt bẩy phía ngoài là vân mây, hoa lá cách điệu tạo thành hình sóng nước, mặt bẩy phía trong là đề tài “long vân khánh hội” với thân rồng có bờm lửa, chân có 5 móng ẩn hiện trong mây (mô-tuýp rồng đặc trưng thời Nguyễn). Các bẩy còn lại trang trí đơn giản với hoa văn “hồi văn”, ở đầu các bẩy được chạm “chữ Thọ” cách điệu.
Bên cạnh chức năng là cơ sở thờ tự đình Phương Viên còn lưu giữ một số lượng khá lớn các cổ - di vật có giá trị (chủ yếu là đồ thờ với nhiều chất liệu, hoành phi câu đối, sắc phong). Cùng với đó là không gian chứa đựng các giá trị văn hoá phi vật thể rất đặc sắc.
Ngày nay miếu còn là nơi sinh hoạt văn hoá của người cao tuổi của địa phương. Thông qua các hình thức này góp phần nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tình yêu quê hương - đất nước của lớp lớp thế hệ người dân Thổ Tang.
Vách đố bên ngoài đình thanh lan can và cột đã hư hỏng |
Đặc biệt phải kể đến bộ kiệu bát cống (cuối thế kỷ XVIII), dài 440cm, rộng 280cm, cao 150cm, bành kiệu có kích thước: 130cm x 100cm x 80cm. Toàn bộ phần thân và đòn kiệu đều được trang trí bằng nhiều loại hình nghệ thuật chạm như: Chạm lộng và chạm thủng, chạm nông tài tình của các nghệ nhân dân gian.
Tám đòn kiệu được chạm các hình đầu rồng với mũi hếch, mắt lồi, miệng ngậm ngọc, bờm tóc dài bay vút ra sau, có những con rồng nhỏ mình uốn yên ngựa theo đòn kiệu. Bành kiệu kiểu ngai, phía sau chạm nổi hình “tứ linh chầu hổ phù” với long, ly, quy, phượng cùng chầu về hổ phù ngậm chữ Thọ, hổ phù miệng há mắt lồi, trán có vảy, tay dang rộng sang 2 bên, trông dữ tợn, chim phượng xòe cánh, đầu ngoảnh lại, chân chống thẳng, 4 móng bám vào đường gờ…
Nghệ thuật trang trí trên kiệu mang phong cách chạm khắc cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn với các đề tài đề cao tư tưởng của nhà nước Phong Kiến - Nho giáo như rồng, phượng, tứ linh, chữ Thọ…. Kiệu được sơn son thếp vàng rất đẹp.
Trước tình trạng đình Phương Viên di tích lịch sử Quốc gia về Kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng năm 2015 đã xuống cấp nghiêm trọng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm có biện pháp đầu tư chống xuống cấp, tu bổ, bảo tồn di tích,, tránh tình trạng di tích bị sập mới tiến hành tu bổ, tôn tạo, làm mất giá trị di sản vốn có của đình.