Tuổi trẻ Thủ đô sáng mãi truyền thống tự hào
Tiếp lửa truyền thống thanh niên xung phong Nhiều chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện Mừng Đoàn 90 tuổi, xây “Nhà nhân ái” tặng cựu thanh niên xung phong |
Rời Thủ đô không hẹn ngày về
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, những lễ tiễn thanh niên lên đường được tổ chức trang nghiêm nhưng đầy cảm xúc. Thanh niên, sinh viên Hà Nội thời kỳ ấy được thôi thúc bởi những tấm gương cống hiến và hy sinh của nhân vật Paven Korchagin trong tiểu thuyết nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy”. Trong lễ tiễn, nhiều người đọc lại những câu thơ mà họ đã thuộc lòng, những câu thơ như thể hiện lý tưởng và hoài bão của nhiều thế hệ. Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy/ Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường.
Ảnh minh họa |
Khi lên đường, mọi người luôn mang theo lá cờ Đoàn và đeo huy hiệu Đoàn lên ngực trái. Những đoàn xe lăn bánh rời Thủ đô, trên đó là những thanh niên không hẹn ngày về. Những thanh niên tình nguyện tỏa đi khắp nơi, từ chiến trường ác liệt đến những cung đường mới mở đầy bom đạn, hoặc những nông lâm trường nơi vùng cao Tây Bắc.
Năm 1965, theo yêu cầu của Khu Trị Thiên - Huế, T.Ư Đoàn đã thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) lấy tên K53, tuyển chọn thanh niên ở 3 tỉnh gồm Hà Tây (nay là Hà Nội), Nam Định, Ninh Bình. Mỗi tỉnh biên chế một đại đội với tổng 343 chiến sĩ độ tuổi mười tám đôi mươi và bốn cán bộ Đoàn người Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Sau một tháng tập trung huấn luyện tại Hà Nội, ngày 16/8/1965, K53 lên đường vào Nam với nhiệm vụ ban đầu làm công tác thanh vận ở vùng giải phóng Trị Thiên. Cuối năm 1965, đơn vị quay ra Vĩnh Linh xuôi về Nam và mở một con đường mới gọi là đường dây thống nhất song song với đường dây 559.
K53 phối hợp với Đoàn Vận tải Bắc Sơn phần lớn đội viên là người Tà Ôi - Vân Kiều và Tiểu đoàn 8 Vận tải - Quân khu 4 hình thành đường dây vận chuyển vũ khí, lương thực đưa cán bộ, bộ đội vào Nam, cáng tải thương binh ra Bắc điều trị với địa bàn hoạt động từ nam sông Bến Hải đến bắc đèo Hải Vân. Tuyến đường mới được mở, K53 đã thành lập đội trinh sát bảo vệ hàng lang vận tải với tên gọi "Đạo lộ".
Đội TNXP N43 - những người con của Thủ đô
Tháng 7/1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, gần 1.500 nam nữ thanh niên “Ba sẵn sàng” của Thủ đô (được tuyển chọn trong số hơn 4.000 đơn tình nguyện) được tổ chức thành 7 đại đội TNXP chi viện tiền phương, làm nhiệm vụ xây dựng và đảm bảo giao thông tại các tuyến đường chiến lược ở khu 4 cũ, nơi địch đang ngày đêm đánh phá rất ác liệt.
Ảnh minh họa |
Khi mới thành lập, 7 đại đội của Hà Nội sáp nhập cùng 10 đại đội của Hải Phòng lập thành đội N41. Tới đầu năm 1967, Trung ương quyết định tách riêng các đội ở Hà Nội để thành lập Đội TNXP N43, trực thuộc Cục Công binh I, Bộ Giao thông vận tải.
Hầu hết chiến sỹ trong đội còn rất trẻ, gồm đủ các tầng lớp thanh niên của thành phố: Công nhân, nông dân, học sinh… trong đó 50% là nữ, 30% là học sinh phổ thông vừa rời ghế nhà trường. Các đội viên lần đầu xa nhà, xa Thủ đô và chưa quen gian khổ, chưa hề tiếp xúc với bom đạn chiến tranh.
Để được gia nhập Đội TNXP, vợ chồng anh Tín, chị Ty (Mã Mây, Hoàn Kiếm) đã khai thêm tuổi, thêm cân. Ni cô Đàm Thị Dần (huyện Thanh Trì) thì nhiều lần làm đơn. Chị Hoàng Kim Vinh (Hàng Chiếu) gửi con nhỏ mới sinh cho mẹ để lên đường cùng đồng đội TNXP. Có người đã cất giấy gọi đi học ở nước ngoài để tình nguyện đi TNXP. Có những ông bố, bà mẹ tuổi đã cao chỉ có một người con để nhờ cậy tuổi già nhưng vẫn làm đơn cho con mình gia nhập TNXP…
Những lái xe, chiến sỹ vào Nam tiếp viện, chiến đấu khi đi qua Hà Tĩnh hẳn cảm động và biết ơn những TNXP N43 rất nhiều. Đến thị xã Kỳ Anh, đoàn xe sẽ tách khỏi quốc lộ 1A, rẽ phải theo đường 10 rồi đến quốc lộ 22 để tiến vào Trường Sơn.
Tất cả thành viên của Đội TNXP N43 hẳn không thể quên Hoàng Lộc, người đội trưởng đội cảm tử của đại đội xung kích Thăng Long. Khi máy bay Mỹ thả hàng loạt bom nổ chậm mới xuống hiện trường, Hoàng Lộc đã xin đơn vị cho đi nghiên cứu để phá loại bom mới này và đã phá được hàng trăm quả. Đến những quả bom cuối cùng nổ, anh đã anh dũng hy sinh. Trong ba lô của anh còn có giấy gọi đi học ở nước ngoài. Tấm gương dũng cảm, tự nguyện nhận sự hy sinh vì nhiệm vụ của Hoàng Lộc đã trở thành bản anh hùng ca TNXP Hà Nội.
Sự hy sinh của nữ đội viên Vũ Thị Sinh cũng vô cùng xúc động. Trước khi đi TNXP, Sinh để lại lời hứa hôn với một chiến sỹ lái xe. Họ hẹn nhau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về Thủ đô sẽ tổ chức đám cưới. Trong chiến đấu, Vũ Thị Sinh đã dũng cảm đối mặt với 12 máy bay thần sấm, con ma của Mỹ đến bắn phá. Trước bom rơi, đạn rốc két nổ khói bốc mù mịt, Vũ Thị Sinh vẫn ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào máy bay địch, theo dõi từng vòng lượn của máy bay để đánh kẻng báo động cho đồng đội sơ tán khỏi hiện trường an toàn. Chị đã anh dũng hy sinh trong tư thế đang đánh kẻng. Đồng đội vĩnh biệt chị khi trong tay chị vẫn đang cầm chiếc dùi đánh kẻng phòng không”.
Trong suốt 5 năm 1965 - 1970, đội TNXP chống Mỹ cứu nước Thủ đô đã tham gia xây dựng 4 tuyến đường chiến lược 15, 22, 22B và đường 10 Đông Trường Sơn dài 55 cây số, đảm bảo giao thông các tuyến đường liên tục thông suốt, chốt giữ 15 trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt; Rà phá hàng nghìn quả bom, mìn các loại. 48 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hàng trăm đội viên trẻ khỏe được bổ sung cho quân đội. 260 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng, gần 1.000 thanh niên được kết nạp vào Đoàn, hơn 1.000 đội viên được nâng cao trình độ văn hóa từ 2 - 4 lớp, cung cấp cho các ngành, đoàn thể hàng trăm cán bộ đã được tôi luyện trong chiến tranh, nhiều tập thể và cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.
Phát huy truyền thống TNXP Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, phần đông anh chị em lại không ngừng phấn đấu học tập, lao động công tác trên các lĩnh vực. Nhiều đồng chí trở thành những cán bộ xuất sắc, công dân ưu tú của Đảng, Nhà nước. Nhiều người đã có học vị Tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhà giáo… có đồng chí là cán bộ lãnh đạo các cơ quan đơn vị kinh tế trọng điểm của Nhà nước.
Trước sự hy sinh tuổi xuân, mồ hôi, xương máu của các cựu TNXP, thế hệ trẻ chúng ta càng trân trọng cuộc sống hiện tại hôm nay và thêm tri ân quá khứ hôm qua.