Truyền thống tôn sư, trọng đạo tỏa sáng cùng tục lệ đẹp của người Hà Nội
Không gian văn hóa sáng tạo độc đáo cho người Hà Nội đón xuân thêm rộn ràng |
Sư đạo tôn nghiêm
Đây chính là chủ đề của Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 tại đây, với ý nghĩa: Đạo của người thầy được tôn nghiêm thì đạo học, tri thức mới được quý trọng, sự học được tốt đẹp. Chủ đề này sẽ hiện diện xuyên suốt các hoạt động điểm nhấn tại hội chữ như: Triển lãm thư pháp, không gian giáo dục thi cử truyền thống, không gian văn hóa đọc, không gian viết chữ Hán - Nôm và quốc ngữ.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 |
Với chủ đề này, ban tổ chức mong muốn tri ân đến nhiều thế hệ những người thầy mẫu mực của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử cho đến nay; đồng thời cũng là thông điệp gửi tới các bạn trẻ biết quý trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo.
Tại hồ Văn, tòa Phương Đình trên đảo Kim Châu mới được hoàn thành tháng 12/2022 sẽ là nơi trưng bày các tác phẩm thư pháp Hán Nôm và chữ Quốc ngữ. Đồng thời, đây cũng là không gian biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống phục vụ khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến xin chữ đầu Xuân năm mới, các gian lều viết chữ của 50 “ông đồ” vẫn được bố trí tại khu vực sân phía trước.
Người dân xin chữ ông đồ |
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - cho biết, Hội chữ Xuân Quý Mão thu hút sự tham gia viết chữ và cho chữ của 50 ông đồ đến từ các Câu lạc bộ thư pháp trên cả 3 miền.
Các ông đồ đã được khảo tuyển kỹ lưỡng từ năm 2021 nhưng do tình hình dịch bệnh, Hội chữ Xuân năm đó không tổ chức được, nên được bảo lưu kết quả đến Hội chữ Xuân năm 2023.
“Để đảm bảo cho du khách tới di tích đón xuân trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết ùn tắc giao thông, đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ…”, ông Kiêu cho biết thêm.
Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 gồm nhiều hoạt động phong phú như: Lễ dâng hương tại sân Bái đường; lễ khai mạc; Trưng bày các tác phẩm thư pháp đạt giải; Hoạt động viết chữ Hán Nôm và chữ Quốc ngữ; Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống (không gian sĩ tử đi thi, trình diễn nghệ thuật giấy dó), làng sĩ tử với bối cảnh không gian làng trong phố; Không gian văn hóa đọc tại hồ Văn. Lễ hội cũng diễn ra các hoạt động giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống làng nghề, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, giới thiệu văn hóa ẩm thực ngày Xuân, các trò chơi dân gian.
Hoạt động ý nghĩa, không khí ấn tượng
Chị Mai Quỳnh Phương ( 24 tuổi, Hà Nội ) chia sẻ: “Sau hai năm ngừng hoạt động vì dịch bệnh, năm nay phố Ông Đồ đã có sự trở lại đầy ấn tượng. Sáng nay mình tới thăm thú thì có rất nhiều hoạt động mới lạ được diễn ra, không khí vui tươi, có nhiều người trẻ đến trải nghiệm.
Có nhiều ông đồ ngồi tại các vị trí khác nhau, mỗi người có một nét đặc trưng thú vị riêng, mình thấy rất hấp dẫn, ý nghĩa. Đối với mình đây là một trải nghiệm mang lại nhiều cảm xúc, mình nghĩ các bạn trẻ nên đến đây tham quan và trải nghiệm một lần”.
Các hoạt động viết thư pháp khiến công chúng vô cùng thích thú |
“Sáng nay em đã mặc một tà áo dài vô cùng rực rỡ và sắc màu để tới tham quan Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Với nhiều màu sắc rực rỡ, quang cảnh được trang trí bắt mắt ấn tượng, không khí cũng rất tươi vui, phố ông đồ của năm 2023, thực sự là một địa điểm để các bạn trẻ như em nên đến và trải nghiệm thử.
Không chỉ được thăm thú quang cảnh, không gian ấn tượng, được xem và xin chữ từ các ông đồ, mà còn có thể chụp rất nhiều bộ ảnh tết đẹp, ấn tượng mang về. Các hoạt động đa dạng được diễn ra, thu hút mọi lứa tuổi, gợi nhớ cho mọi người về một miền ký ức, một không khí tết ấm cúng và rộng ràng”, bạn Linh Châu (22 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) bộc lộ.
Có thể thấy, các hoạt động được diễn ra tại Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thu hút rất nhiều sự chú ý, quan tâm từ đông đảo người dân Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong Lễ khai mạc, Ban Tổ chức chương trình hy vọng các hoạt động trong khuôn khổ của Hội chữ Xuân như triển lãm Thư pháp, hoạt động viết chữ cùng chương trình văn hóa, văn nghệ truyền thống sẽ góp phần tạo không khí vui tươi cho khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán, nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản, với văn hóa dân tộc của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Cô Nguyễn Xuân (53 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ: “Sau hai năm không được tổ chức, năm nay phố ông đồ lại được diễn ra chương trình vô cùng ý nghĩa, ấn tượng. Những năm trước, tôi cùng con gái cũng có tham gia, cũng được trải nghiệm các hoạt động nên thấy vô cùng thú vị, năm nay trở lại không khí và chương trình đã có những thay đổi, tuy nhiên vẫn rất hay.
Thông qua những dịp như thế này, cô cũng muốn các con của mình hiểu hơn về các truyền thống văn hóa dân tộc, duy trì được tục lệ đẹp của người Hà Nội và trải nghiệm thêm được nhiều hoạt động nhân văn, như xin chữ ông đồ, hay tham gia các trò chơi dân gian tại đây”.
Sau 2 năm dừng tổ chức Hội chữ Xuân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm nay, Trung tâm đã cố gắng chuẩn bị để Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 được tổ chức thành công và trở thành một sự kiện văn hóa có ý nghĩa thu hút đông đảo khách tham quan, du khách đến từ mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế. Ban Tổ chức rất mong du khách có một trải nghiệm tham quan ấn tượng, nuôi dưỡng tình yêu với những nền văn hóa của dân tộc ta.
Theo kế hoạch, Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 sẽ diễn ra từ ngày 15/1 đến ngày 29/1, mở cửa hàng ngày từ 8h00 đến 20h00. Riêng ngày 30 Tết, Hội chữ Xuân mở cửa đón Giao thừa đến 2h00 sáng hôm sau. Các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết, Hội chữ Xuân mở cửa đến 22h00. Nếu có thời gian, bạn hãy đến và trải nghiệm tham qua những hoạt động đầy ý nghĩa, ấn tượng và thú vị tại phố chữ của Thủ đô nhé. |