TP Hồ Chí Minh: Tất cả sẵn sàng cho lễ tưởng niệm nạn nhân mất vì Covid-19
Hội trường Thống Nhất (Quận 1) - điểm chính diễn ra lễ tưởng niệm |
Ngày 19/11, mọi công tác chuẩn bị cho lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất ở các điểm cầu truyền hình trực tiếp.
Tại Hội trường Thống Nhất (Quận 1) - điểm chính diễn ra lễ tưởng niệm, mọi công tác chuẩn bị cho buổi lễ vào tối nay đã hoàn tất. Dự kiến tại đây sẽ có khoảng 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có đại diện Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng trọng điểm phía Nam.
Buổi lễ cũng có sự tham dự của một số thân nhân, gia đình có người mất do Covid-19. Tại đây, tất cả những người tham gia lễ tưởng niệm đều được yêu cầu ăn mặc lịch sự, trang trọng và có "thẻ xanh Covid-19", đứng giãn cách, tuân thủ 5K... để đảm bảo yêu cầu phòng dịch.
Mọi công tác chuẩn bị đã dần hoàn tất |
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, lễ tưởng niệm nhằm sẻ chia trước những mất mát, đau thương của hàng vạn gia đình đã mất người thân, đồng thời khích lệ tinh thần các lực lượng đã và đang tham gia cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
Buổi lễ sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 19/11 tại Hội trường Thống Nhất và các địa điểm nằm ở tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Sau khi trình chiếu các phóng sự, hình ảnh về cuộc chiến sinh tử với đại dịch và phát biểu của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, phần nghi thức chính thức bắt đầu vào thời điểm 20 giờ 30 phút.
Ngoài ra, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh đã vận động các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) trên địa bàn tùy theo tình hình thực tế tổ chức hình thức tưởng niệm phù hợp và cùng đánh chuông tưởng niệm vào lúc 20 giờ 30 phút. Cũng vào thời gian trên, các tàu, thuyền, sà lan... đang lưu đậu tại các cụm cảng sẽ kéo còi; Ban Quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc chịu trách nhiệm chuẩn bị trống và cử người đánh trống khi thực hiện Lễ tưởng niệm.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, người dân cùng tắt đèn, thắp nến để tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Các địa phương chủ động mời đại diện thân nhân, gia đình người mất trong đại dịch Covid-19 tham dự lễ tưởng niệm. Địa điểm tổ chức cần được lựa chọn phù hợp với tình hình từng nơi. Mỗi địa điểm dự kiến có khoảng 100 người để đảm bảo yêu cầu phòng dịch.
Các cơ sở tôn giáo sẽ cùng đánh chuông lúc 20 giờ |
Ngoài các địa điểm tổ chức Lễ tưởng niệm, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND các quận: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình chọn địa điểm tổ chức Lễ tưởng niệm để thực hiện thả đèn hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; các Quận: 4, 5 và 8 thả đèn hoa đăng tại tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vào lúc 20 giờ 30 phút.
Những ngày qua, các cơ sở tôn giáo tại TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức các buổi lễ cầu siêu cho người mất vì đại dịch Covid-19 trên địa bàn như: Chùa Việt Nam Quốc tự, chùa Pháp Hoa...
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương chịu nhiều tổn thất nhất về người và kinh tế xã hội trong đợt dịch vừa qua.Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận khoảng 17.000 trường hợp tử vong do dịch Covid-19, chiếm 74% số người tử vong của cả nước vì Covid-19. Đa số các trường hợp tử vong tập trung vào thời điểm đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra căng thẳng nhất từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9 vừa qua.