TP HCM: Đề xuất thí điểm 43 trạm xe đạp công cộng
Xe đạp công cộng thuộc dự án xe đạp thông minh E-bike, thử nghiệm ở khu Đại học Quốc gia TP HCM, năm 2018 (Ảnh: Trang tin Thành ủy TP HCM) |
Đề xuất vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) gửi UBND TP HCM, sau khi cùng nhà đầu tư khảo sát các vị trí và thống nhất với các đơn vị liên quan. Thời gian thí điểm một năm, sau đó TP sẽ đánh giá để xây dựng phương án đầu tư cụ thể nếu muốn nhân rộng.
43 điểm đậu xe sẽ làm trên vỉa hè, trạm buýt ở Quận 1 và dọc hai tuyến Điện Biện Phủ, Võ Thị Sáu (Quận 3) - nơi thành phố đang nghiên cứu tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt. Mỗi điểm đậu xe diện tích 20-30m2 cho 10-20 xe đậu.
Xe đạp sử dụng là loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên di động. Người dùng cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét xung quanh, tìm trạm có xe đạp gần nhất.
Để sử dụng dịch vụ này, người dân sẽ tải về miễn phí và cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại thông minh, từ đó có thể quét tìm xung quanh để đến được điểm trạm còn xe gần nhất. Sau đó dùng chính ứng dụng này để quét mã code mở khóa xe sử dụng. Sau khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng nơi quy định để khóa xe. Giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian: 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút...
Diện tích trung bình của 1 vị trí đậu xe từ 10 - 15m2. Mỗi vị trí sẽ có khoảng 10 - 20 xe và số lượng xe mỗi vị trí có thể thay đổi cho phù hợp với không gian và mật độ sử dụng. Hệ thống xe đạp công cộng này sẽ được bố trí trên vỉa hè của một số tuyến đường trung tâm tại Quận 1, gần với các điểm dừng xe buýt (trạm dừng, nhà chờ) lưu lượng lớn nhằm đảm bảo người dân có thể đi bộ và tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi.
Theo Sở GTVT, việc phát triển các loại hình xe đạp, xe máy điện công cộng phù hợp khi giúp hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng khác.
Việc này cũng tạo thêm lựa chọn cho người dân, du khách tham quan thành phố, góp phần đa dạng hoá lĩnh vực vận tải hành khách công cộng. Sở cũng cho biết, đây là dự án xã hội hóa, phù hợp thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư để phát triển giao thông công cộng thành phố. Việc mở dịch vụ cho thuê xe đạp, xe máy điện công cộng ở khu trung tâm TP HCM từng có nhiều đơn vị muốn tham gia.
Năm 2017, Sở GTVT cũng tính nghiên cứu thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại Quận 1 để thu hút người dân sử dụng xe buýt.
Mọi người không phải đi bộ mà lấy xe đạp di chuyển từ các trạm xe đạp đến đón xe buýt hoặc dùng xe đạp để đi tham quan, du lịch... nhưng chưa triển khai.
Năm 2018, một doanh nghiệp thử nghiệm dự án xe đạp thông minh E-bike tại Đại học Quốc gia TP HCM (quận Thủ Đức), nhưng hiện cũng chưa nhân rộng.