Tổng đài 111 tiếp nhận hơn 35.400 cuộc gọi về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
Nhân viên tổng đài 111 giải đáp các vướng mắc liên quan đến gói hỗ trợ
Bài liên quan
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ ra mắt tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em - 111
Triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cấp bách, đúng đối tượng
Niềm vui nhân đôi trong ngày hội thống nhất non sông
Hà Nội: Khoảng 414.000 người dân sẽ được hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ trước 30/4
Từ ngày 1/5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chính thức đưa Tổng đài 111 vào hoạt động nhằm tiếp nhận và giải đáp mọi thông tin về thực hiện gói chính sách trị giá 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, từ 1h ngày 1/5/2020 đến 24h ngày 3/5, đã có 35.415 cuộc gọi đến Tổng đài 111. Số cuộc gọi được nhân viên tư vấn tổng đài tiếp nhận là 9.238 cuộc. Có 4.520 cuộc gọi được nhân viên tư vấn chuyển đến các bộ phận chức năng.
Sau khi trao đổi, nếu người dân chưa liên hệ với cán bộ xã, phường thì nhân viên tư vấn yêu cầu liên hệ làm việc trước. Nếu có vướng mắc chưa được trả lời thỏa đáng, người dân sẽ gọi lại Tổng đài 111; đã có 3.098 cuộc gọi được các bộ phận chức năng tiếp nhận.
Đối tượng gọi đến Tổng đài 111 hầu hết ở độ tuổi 25 đến dưới 60 tuổi. Nam giới gọi đến tổng đài nhiều hơn nữ giới. Đối tượng gọi đến ở cả ba miền.
Người dân gọi đến Tổng đài 111, ngoài việc hỏi về vấn đề của bản thân, nhiều người còn hỏi cho người khác. Cán bộ cấp xã, phường cũng gọi hỏi về kinh phí hay đề nghị hướng dẫn một số nội dung.
Theo thống kê, lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm là nhóm có số cuộc gọi cao nhất. Nhóm lao động này khá đa dạng, từ làm xe ôm, bán vé số, bán hàng rong, lái xe, bán hàng tạp hóa, bốc vác, phụ hồ, giúp việc, trông xe, gội đầu cắt tóc...
Tiếp theo là nhóm lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động được nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Nhóm này bao gồm người lao động nhiều ngành nghề, tuy nhiên chủ yếu là công nhân, giáo viên, người làm việc ở các công ty du lịch, trung tâm dạy tiếng Anh...
Nhóm hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công có số cuộc gọi thấp hơn 2 nhóm trên. Nhóm lao động làm nông nghiệp, có đất nông nghiệp cũng gọi đến Tổng đài 111 hỏi có được hỗ trợ không, làm thế nào để được hưởng, hướng dẫn việc đăng ký kê khai...
Một vấn đề nổi lên thông qua các cuộc gọi là doanh nghiệp nơi người lao động làm việc từ chối trách nhiệm lập danh sách những người bị tạm hoãn hợp đồng lao động để gửi các cơ quan chức năng.
Người dân chủ yếu hỏi lúc nào được nhận tiền, trường hợp thuộc 2, 3 nhóm đối tượng được hưởng thì ra sao, cũng có nhiều phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
Trong 3 ngày đầu hoạt động, Tổng đài 111 nhận được không nhiều cuộc gọi của người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tổng đài 111 hầu như không nhận được cuộc gọi của người sử dụng lao động hỏi về vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động và các cuộc gọi về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.