Tọa đàm trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt
Các gương mặt điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt giao lưu tại buổi tọa đàm
Bài liên quan
Trường HHT: Tọa đàm trực tuyến mừng Đoàn 89 năm thành lập
Tọa đàm “Bác Hồ với thanh thiếu nhi Thủ đô”
Giúp bạn trẻ có văn hóa khi tham gia giao thông
Đây là hoạt động thiết thực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhân Kỷ niệm 72 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2020) và tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.
Đồng thời, tọa đàm cũng thể thiện sự chủ động của tạp chí Thi đua Khen thưởng trong việc đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trong xã hội, nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của độc giả; Tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác phát hiện và nhân lên các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên địa bàn Thủ đô.
Tham gia buổi giao lưu có 7 khách mời là những cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng nhiệt huyết, những tấm gương sáng trong các phong trào người tốt, việc tốt; Xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phòng chống dịch Covid-19… gắn với học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Trần Quang Huy chia sẻ cùng độc giả |
Tiêu biểu trong số đó là ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ông là người có uy tín, đóng góp quan trọng trong sự phát triển của địa phương. Năm 2011, ông Huy đã vận động được nhân dân hiến 3.960m2 đất làm sân vận động của thôn. Ngày khai trương sân vận động, người dân còn ủng hộ thêm 114 triệu đồng để sử dụng vào các hoạt động cộng đồng.
Năm 2012, ông cùng Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận thôn thực hiện xã hội hóa 225 triệu đồng, quy hoạch nghĩa trang, đạt tiêu chí Nông thôn mới; Đường làng, ngõ xóm cũng được cải tạo, bê tông hóa. Cùng năm đó, công tác dồn điền đổi thửa dưới sự chỉ đạo của ông Huy đã diễn ra rất thuận lợi, 100% hộ dân vui vẻ hưởng ứng.
Ông Huy đã vận động một số Mạnh Thường Quân ủng hộ xây dựng thư viện thôn. Đến nay, thư viện khang trang với hệ thống cơ sở vật chất trị giá 270 triệu đồng với hơn 2.000 đầu sách.
Năm 2014, ông cùng lãnh đạo thôn đã tổ chức quy tập nghĩa trang thôn gồm 360 ngôi mộ với hơn 900 triệu đồng huy động được.
Từ năm 2015 đến nay, ông Huy đã cho 3 hộ trong thôn vay vốn với số tiền 55 triệu đồng làm kinh tế (không lấy lãi); Cho 1 hộ nghèo vay 10 triệu đồng; Ủng hộ từ thiện gần 50 triệu đồng. Gần đây nhất, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ông đã đến tuyên truyền từng hộ dân, động viên người dân hạn chế đi lại và tụ tập; Tự in 50 pano, áp phích tuyên truyền tại nơi công cộng trên địa bàn xã Hoàng Diệu trị giá 3 triệu đồng; Tặng 100 chai dung dịch rửa tay khô cho 100 hộ dân trong thôn An Hiền, trị giá 5 triệu đồng.
Ngoài ra, ông còn là một trong những cá nhân có nhiều bài viết chất lượng về người tốt, việc tốt đạt giải cao trong các cuộc thi viết các cấp, góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của địa phương và thành phố Hà Nội.
Một tấm gương khác là nhà báo Trần Thị Thảo, Ban Văn xã, báo Kinh tế và Đô thị. Chị là một trong những cây bút trẻ đã tích cực phát hiện và có nhiều bài viết chất lượng, tuyên truyền về phong trào thi đua, gương điển hình tiên tiến của TP Hà Nội.
Từ năm 2015 đến nay, nhà báo Trần Thị Thảo liên tục đoạt giải trong cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt cấp thành phố. Năm 2018, chị được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội vì có thành tích trong tổ chức thực hiện tốt cuộc thi viết; Giải B cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh năm 2018”; Năm 2019 đoạt giải C cuộc thi "Phụ nữ với trật tự an toàn giao thông & văn minh đô thị”. Mới đây, chị được nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội vì có thành tích tuyền truyền tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đó là bà Nguyễn Thị Nhôm (tên thường gọi là Nhung), chủ hộ kinh doanh tại chợ Châu Long, quận Ba Đình. Tuy chỉ là chủ một cơ sở kinh doanh nhỏ nhưng nhiều năm qua, bà Nhung luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như: Giúp đỡ em Trịnh Đình Tứ (16 tuổi) bị trầm cảm, khó giao tiếp, nhận thức. Hiện nay sức khỏe và tinh thần của em Tứ đã tốt hơn, dần hòa nhập với cộng đồng; Ủng hộ gia đình em Tạ Long Nhân ở xã Phương Viên, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ có hoàn cảnh khó khăn tiền để sửa chữa ngôi nhà tranh thành nhà cấp 4 lợp ngói; Giúp đỡ cho gia đình anh Nguyễn Đình Tư ở miễn phí tại nhà của bà ở ngõ Văn Chương II, quận Đống Đa…
Ngoài ra, bà Nhung tham gia nhóm tình nguyện mùa thu và được tín nhiệm bầu phụ trách nhóm. Để hội nhóm tình nguyện có địa chỉ cho hoạt động thiện nguyện, bà đã bỏ tiền tích góp trong 20 năm kinh doanh của mình mua căn nhà 4 tầng tại số 137, phường Thanh Nhàn, quận Đống Đa làm trụ sở.
Trách nhiệm và nhiệt huyết, bà đã cùng với các thành viên hội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ cộng đồng như: Hằng tuần tổ chức phục vụ 3 lần, mồi lần 3.000 suất cháo cho các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố; Thông qua Hội Chữ thập đỏ xã Đại An, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 6 học sinh và bà Phạm Thị Chạt (78 tuổi) số tiền 5 trăm nghìn đồng/tháng trong 3 năm nay với tổng số tiền là 126 triệu đồng …
Đào Thị Phương Anh giao lưu và chia sẻ tại tọa đàm |
Đó là tấm gương trẻ Đào Thị Phương Anh, hướng dẫn viên du lịch, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch quốc tế BesTour. Nhờ những kinh nghiệm dày dặn trong giao tiếp với người nước ngoài nên khi nhìn thấy thông báo của Sở Ngoại vụ Hà Nội rằng, tại một số khu cách ly và bệnh viện của thành phố đang rất cần những phiên dịch viên cho người nước ngoài, Phương Anh đã không ngần ngại đăng ký tham gia. Vượt qua những lo lắng về nguy cơ dương tính với Covid-19 và ở suốt trong khu cách ly 14 ngày, Phương Anh đã tình nguyện vào các khu cách ly của thành phố để làm phiên dịch viên, tuyên truyền cho người nước ngoài tại các khu cách ly về chính sách của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch; Giải thích rõ ràng cho người nước ngoài về tình huống mà họ đang gặp phải trong khu cách ly; Những hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của cán bộ y tế; Các quy định của khu cách ly mà họ cần phải chấp hành… cũng như giúp đỡ họ bày tỏ những yêu cầu, nguyện vọng tại khu vực cách ly. Nhờ đó, các đối tượng nước ngoài thực hiện cách ly tại đây đều đánh giá cao cách Việt Nam phòng dịch và vui vẻ hợp tác.
Bạn Lê Xuân Tú |
Tại tọa đàm, độc giả cũng được giao lưu với bạn Lê Xuân Tú, trưởng nhóm điện - Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Tú được mệnh danh là cây sáng kiến trẻ của công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Đến nay, Tú có gần 20 sáng kiến trong lao động, sản xuất, làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng như: Cải tiến dây chuyền bao gói đèn bulb; Cải tiến dây chuyền liên hoàn bộ máng đèn M21; Máy lắp ráp đèn led Bulb trụ T80-T100; Máy lắp ráp đèn downlight tự động; Máy in dấu kiểm tra thông số đèn Tube led tự động; Máy đóng nắp hộp nguồn No1.No2… đạt hiệu quả cao trong sản xuất, nâng năng suất lao động và giúp giảm các chi phí lãng phí do thực hiện thủ công trước kia.
Đặc biệt, năm 2020, đợt dịch bệnh Covid-19, Tú và các thành viên trong nhóm cơ điện ngành công nghệ phụ trợ - xưởng Điện tử, Led & Thiết bị chiếu sáng đã chế tạo thành công công trình phòng phun khử khuẩn chống Covid-19. Sáng chế phòng phun khử khuẩn của Tú và các đoàn viên thanh niên đã được công ty sử dụng, đặt tại cổng xuất nhập hàng của công ty, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả khách hàng và nhân viên công ty trong mùa dịch Covid-19.
Tọa đàm cũng sẽ lắng nghe chia sẻ của những người đứng đầu cấp quận, huyện, những cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng về cách làm hay, hiệu quả và sáng tạo; Góp phần đưa công tác thi đua, khen thưởng thành phố Hà Nội đạt hiệu quả, thiết thực, trở thành phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tọa đàm là diễn đàn để những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực và những người làm thi đua, khen thưởng, các cơ quan truyền thông có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối với nhau; Qua đó lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.