Tình nguyện để trưởng thành...
Nguyễn Huyền Thương, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Bài liên quan
Tuổi trẻ Chương Mỹ nỗ lực, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng
Tuyên truyền văn hóa giao thông mở màn Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè
Thanh niên huyện Ứng Hòa sôi nổi tình nguyện hè
Sôi nổi ngày hội tình nguyện Bách khoa
Sẵn sàng với mọi nhiệm vụ
Hiện Thương đang là sinh viên khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vốn yêu thích các hoạt động tình nguyện nên ngay khi bước chân vào trường đại học cô gái trẻ đã đăng kí tham gia.
Thương đã có mặt trong Chiến dịch Mùa hè xanh tại Hiền Lương (Đà Bắc, Hoà Bình), Nam Sơn (Ba Chẽ, Quảng Ninh); Đội hình Đông ấm 2020 ở Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang)… và gần đây nhất là Đội Sinh viên tình nguyện mùa Covid-19 với nhiệm vụ trao quà hỗ trợ đến tận tay các bạn trong trường.
Thương kể: “Do nhà ở xa nên sau kỳ nghỉ Tết, mình đã trở lại Hà Nội sớm để chuẩn bị cho việc học. Tuy nhiên, mình lại nhận được thông báo tiếp tục nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19. Nghe theo lời khuyên của bố mẹ tự ý thức cá nhân “Hãy ở yên khi Tổ quốc cần” nên mình quyết định ở lại để bảo vệ sức khỏe cho bản thân lẫn cộng đồng”.
Nguyễn Huyền Thương tham gia Đội tình nguyện hỗ trợ các bạn sinh viên mùa Covid-19 |
Trong thời gian này, Thương có cơ hội được tham gia Đội Sinh viên tình nguyện của trường với nhiệm vụ chuyển đến các bạn sinh viên đang mắc kẹt lại Hà Nội hơn 1000 phần quà hỗ trợ. Khi đó, Thương ở kí túc xá và cũng phải nghỉ công việc làm thêm nên rất thấu hiểu các bạn sinh viên đồng cảnh ngộ.
Vì thế, trong suốt những ngày hoạt động của chiến dịch, dù vất vả Thương cùng các thành viên trong Đội luôn khích lệ tinh thần lẫn nhau để có thể hoàn thành công việc hiệu quả nhất nhằm sớm trao các phần quà đến mọi người. Cô gái sinh năm 1999 này rất ấn tượng khi quá trình vận chuyển quà không chỉ có tình nguyện viên mà cả các thầy cô tham gia.
“Hình ảnh mình nhớ mãi là khi thấy các thầy khuân 1 tấn gạo và vác 100 thùng mì tôm từ trên xe của mạnh thường quân vào sảnh khi Đội tình nguyện chưa kịp có mặt. Điều đó khiến mình cảm thấy không còn bất cứ khoảng cách nào giữa thầy và trò. Đặc biệt hơn là tình cảm yêu thương, bao bọc giữa con người với con người lúc gian khó”, Thương tâm sự.
Một kỷ niệm khác khiến Thương không bao giờ quên là Chiến dịch Mùa hè xanh 2019 tại Nam Sơn (Ba Chẽ, Quảng Ninh). Đó không phải lần đầu tiên cô gái trẻ tham gia chiến dịch nhưng nó để lại nhiều cảm xúc nhất. Khi ấy, Thương tham gia ban lãnh đạo của đội.
Tinh thần nhiệt huyết, đam mê tình nguyện giúp Huyền Thương luôn sẵn sàng với mọi nhiệm vụ |
Nhờ sự phối hợp ăn ý cùng với hai anh trong ban lãnh đạo và hỗ trợ rất đắc lực từ tất cả các thành viên Thương đã có “lần đầu tiên làm lãnh đạo” rất thành công. Đó là tiền đề để cô gái sẵn sàng nhận trọng trách này ở các chiến dịch tiếp theo.
Nỗ lực nhiều hơn
Một điều nữa khiến Thương không thể quên đó là tình cảm của các thành viên trong đội dành cho nhau. Không chỉ là quá trình chuẩn bị trước chuyến đi, 15 ngày sinh hoạt cùng nhau mà đến bây giờ khi hành trình Mùa hè xanh 2019 đã khép lại nhưng mối quan hệ trong đội vẫn rất tốt. Mọi người vẫn giữ liên lạc, thường xuyên có những buổi gặp gỡ, trò chuyện rất vui vẻ, và sẵn sàng giúp đỡ nhau trong công việc, học tập. Họ cũng đồng hành cùng nhau trong những hành trình tình nguyện tiếp theo và đặc biệt là khi một Mùa hè xanh nữa đang tới gần...
Bên cạnh đó, mỗi hoạt động tình nguyện lại giúp Thương làm quen với những người bạn mới. Cô gái trẻ còn tích luỹ được rất nhiều kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống.
“Mình nghĩ sẽ không có môi trường nào rèn luyện bản thân tốt bằng tham gia tình nguyện. Có thể ở nhà bạn chưa từng nấu cơm, tự giặt quần áo hay chưa phải đi bộ 4km để đến điểm trường dạy học thì tham gia tình nguyện sẽ có cơ hội trải nghiệm những điều đó. Sự trải nghiệm giúp chúng ta lớn lên, cải thiện bản thân ở nhiều kỹ năng xử lý công việc, làm việc nhóm và thích ứng với cảnh khác nhau”, Thương cho biết.
Được đi và cống hiến là hạnh phúc với cô gái này |
Hiểu được giá trị của hoạt động tình nguyện, Thương càng muốn lan tỏa đến nhiều người. Trong đó, với vai trò Phó Bí thư Liên chi Đoàn – Liên chi Hội trưởng khoa Ngôn ngữ cô gái luôn cố gắng đẩy mạnh các hoạt động của đơn vị. Thời gian đầu đảm nhận vai trò này, Thương gặp không ít khó khăn nhưng cô đã cùng các thành viên khác tạo sự kết nối với nhiều đơn vị khác để mang đến cho các bạn sinh viên những hoạt động bổ ích.
Thương cùng các thành viên trong Ban chấp hành cũng đẩy mạnh việc truyền thông và đặc biệt luôn gương mẫu trong mọi hoạt động để lan tỏa hành động đẹp đến các bạn sinh viên.
Ngoài tích cực tham gia hoạt động tình nguyện, Thương luôn cố gắng học tập tốt. Trong đó, cô gái trẻ từng nhận học bổng Danko - dành cho những bạn sinh viên có thành tích học tập tốt, tích cực tham gia hoạt động Đoàn - Hội và có những hoạt động tình nguyện tiêu biểu. Đây cũng là động lực để em tiếp tục cố gắng phấn đấu trong học tập, trong công tác Đoàn - hội và đặc biệt là trong hoạt động tình nguyện.
Sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk nhưng Thương quyết định ra Hà Nội học vì muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ. “Chọn ra Hà Nội là một trong những quyết định rất lớn của mình khi chỉ một mình xách vali ra nhập học. Tuy nhiên, sau 3 năm ở đây, mình cảm thấy đó là quyết định đúng đắn. Học ở Hà Nội giúp mình có nhiều cơ hội được đến các tỉnh khó khăn ở khu vực phía Bắc để giúp đỡ người dân”, Thương chia sẻ.
Với những trải nghiệm có được từ hoạt động tình nguyện, Thương đã xác định được con đường trong tương lai. Cô gái tin tưởng những kiến thức, kỹ năng có được sẽ giúp cô trở thành công dân tốt, có nhiều đóng góp cho cộng đồng.