Tin tức trong ngày 6/7: Đề nghị không tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ đối với 2 bệnh viện Việt Đức và Chợ Rẫy
Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM lần thứ 2 dừng nhận bệnh nhân vì ca nhiễm Covid-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM hoạt động trở lại từ ngày 21/6 Bệnh viện Đa khoa Đức Giang được phép mở cửa trở lại |
Đề nghị không tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ đối với 2 bệnh viện Việt Đức và Chợ Rẫy
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 7203 đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định không tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Sở dĩ Bộ Tài Chính đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định không tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện đối với Bệnh viện Việt Đức và Chợ Rẫy là do ngày 21/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc một số lĩnh vực.
Tại Nghị định này đã phân loại về mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công gồm: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và quy định cụ thể về cơ chế tự chủ tài chính đối với từng loại hình sự nghiệp công.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định không tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) |
Tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 60 quy định: “Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 5 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; Dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (bộ, cơ quan Trung ương với đơn vị thuộc Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh, cấp huyện với đơn vị thuộc địa phương quản lý). Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 4 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này”.
Qua đó, Bộ Tài Chính đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định định không tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện đối với Bệnh viện Việt Đức và Chợ Rẫy; Việc xây dựng và thực hiện phương án tự chủ tài chính của 2 bệnh viện này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ Tài Chính cũng đề nghị Bộ Y tế đánh giá tình hình thực hiện thí điểm tự chủ tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại công văn số 3897/VPCP-KGVX ngày 11/6/2021 của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua làm cơ sở cho việc đề xuất thực hiện thí điểm tự chủ đối với Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trước đó, ngày 19/5/2019, Nghị quyết 33 của Chính phủ cho phép 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy được thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện.
Người bán hàng rong, xe ôm ở TP HCM được nhận 50.000 đồng/ngày từ gói hỗ trợ
Gói hỗ trợ lần 2 trị giá 886 tỷ đồng của TP.HCM cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được giải quyết và thông báo đến người lao động và sử dụng lao động trong vòng 7 ngày làm việc
Có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ đợt 2 này, gồm: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; Thương nhân tại các chợ truyền thống.
Hai trường hợp là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần với mức hỗ trợ là 1.800.000 đồng/người. Phụ nữ mang thai và người lao động đang nuôi con nhỏ chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người.
Người bán hàng rong sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày |
Đối tượng lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bao gồm: Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên dưởng phố, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ, xe ôm, bán lẻ vé số lưu động,… sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày.
Thời gian được hỗ trơ từ khi TP HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 31/5 đến ngày 14/6 và Chỉ thị 10 của TP HCM từ ngày 15/6 đến 29/6.
Với các thương nhân, hộ kinh doanh có quầy sạp ở chợ truyền thống được hỗ trợ ở mức từ 150.000 - 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng. Thương nhân có điểm kinh doanh là quầy, kiot được bố trí trong phạm vi các chợ được phân hạng theo quy định: Chợ hạng 1 là 300.000/tháng, chợ hạng 2 là 200.000/tháng và chợ hạng 3 là 150.000/tháng. Thời gian hỗ trợ cho đối tượng này trong phạm vi 6 tháng, bắt đầu từ tháng 7/2021 đến hết 12/2021.
Bên cạnh đó, với các hộ kinh doanh cá thể và các hộ kinh doanh thành lập theo luật doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 cũng như các khu vực áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP HCM hỗ trợ một lần với số tiền 2.000.000 đồng/hộ kinh doanh.
Đợt này, TP HCM cũng hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng cách ly y tế mức 80.000 đồng/người/ngày; Người tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 ở mức 120.000 đồng/người/ngày. Thời gian nộp danh sách để thẩm định các nhóm hỗ trợ trên trước ngày 15/7.