Tin tức trong ngày (26/3): 12 nhóm chức vụ, chức danh được kéo dài tuổi nghỉ hưu
Quy định mới về tuổi nghỉ hưu Trao quyết định nghỉ hưu cho nguyên Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng Bình Dương trao các quyết định bổ nhiệm, nghỉ hưu cho cán bộ |
12 nhóm chức vụ, chức danh được kéo dài tuổi nghỉ hưu
Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản số 02/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.
Theo văn bản hợp nhất này, từ năm 2021, sẽ có 12 nhóm chức danh, chức vụ có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 187 của Bộ luật Lao động.
Cụ thể bao gồm: Phó Trưởng ban các Ban Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.
Ảnh minh họa |
Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các ban Đảng của Thành ủy Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy là người dân tộc thiểu số; Những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Cán bộ, công chức thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định tại Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ; Không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền.
Hơn 1 triệu người dân Thủ đô hoàn thành hồ sơ cấp căn cước công dân
Công an thành phố Hà Nội cho biết, lực lượng công an toàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành thủ tục cấp 1.012.526 hồ sơ căn cước công dân cho người dân
Theo đó, từ ngày 1/3 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện cấp được 739.005/892.800 căn cước công dân, đạt khoảng 83% so với chỉ tiêu tháng mà Bộ Công an giao. Con số này bằng khoảng 1/6 khối lượng công việc Bộ Công an giao cho Công an thành phố Hà Nội.
Hiện tại, có 3 đơn vị trên địa bàn thành phố làm thủ tục hồ sơ cấp được nhiều căn cước công dân nhất: Công an quận Hà Đông (74.925 hồ sơ), Công an quận Long Biên (61.095 hồ sơ), Công an huyện Mỹ Đức (43.524 hồ sơ)…
Trước đó, chỉ đạo tại buổi họp giao ban trực tuyến với công an 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Bộ Công an đã yêu cầu các địa phương này tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả hai dự án, nhất là hoàn thành việc cấp thẻ căn cước công dân theo đúng tiến độ. Riêng Công an thành phố Hà Nội, đến ngày 5/6/2021 phải hoàn thành mục tiêu cấp hơn 6 triệu căn cước công dân gắn chíp cho người dân.
Công an quận Ba Đình hỗ trợ người dân làm Căn cước công dân (Ảnh TTXVN) |
Quảng Nam lập tổng đài để người dân phản ánh hành vi sách nhiễu, phiền hà
Ngày 25/3, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký quyết định Ban hành Đề án thí điểm thành lập Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Tổng đài 1022 Quảng Nam).
Theo kế hoạch, trong tháng 4/2021, Tổng đài 1022 Quảng Nam chính thức đi vào hoạt động. Sau một năm sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Tổng đài 1022 Quảng Nam có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý, trả lời thông tin của người dân, doanh nghiệp (DN) có liên quan đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh (cách thức nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết, thành phần hồ sơ, cơ quan xử lý, thời hạn giải quyết, mức phí, lệ phí, các lưu ý liên quan); Hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia; Tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ; các phản ánh, kiến nghị, góp ý về thủ tục hành chính; Đăng ký thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà qua đường bưu chính công ích;
Tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh sự vướng mắc, không phù hợp, đồng bộ, thống nhất của quy định hành chính, thủ tục hành chính so với thực tế; Các hành vi chậm trễ, sách nhiễu, gây phiền hà, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức;
Góp ý, đề xuất giải pháp, sáng kiến về các quy định hành chính, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, DN; Các vấn đề về kinh tế - xã hội, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích; Khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật; Các chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, về các khu công nghiệp; Thông tin về du lịch; các sự kiện đặc biệt của tỉnh…