Tin tức trong ngày 25/6: Thí điểm hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến Phú Quốc
"Hộ chiếu vắc xin" có thu hút được khách nước ngoài? Vietnam Airlines sẵn sàng thử nghiệm “hộ chiếu vắc xin” |
Thí điểm hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến Phú Quốc
Thực hiện Kết luận số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang;
Nghiên cứu, xem xét việc tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 cho trẻ em; Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miến dịch cộng đồng với thời gian cụ thể.
Khẩn trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến Phú Quốc. Ảnh minh họa |
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2021.
Tại phiên họp ngày 11/6, Bộ Chính trị đã chỉ đạo nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Đảo Phú Quốc, Kiên Giang.
Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, trước mắt là nhắm tới thị trường khách du lịch Nga.
Khách du lịch quốc tế muốn tới đảo phải có giấy chứng nhận tiêm vắc xin (hay hộ chiếu vắc xin) và kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Khi thí điểm, tạm thời áp dụng biện pháp cách ly mềm giữa Phú Quốc và đất liền.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ đề xuất Chính phủ tiêm vắc xin toàn bộ cư dân Phú Quốc để mở cửa đón khách quốc tế.
SEA Games 31 có thể lùi thời gian tổ chức sang tháng 5/2022
Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao, Phó Trưởng ban tổ chức SEA Games 31 Trần Đức Phấn cho biết, Ban tổ chức SEA Games 31 đã tham mưu, lựa chọn phương án tối ưu và phù hợp nhất để bảo đảm an toàn cho các đối tượng tham dự Đại hội. Khi có quyết định chính thức, Ban tổ chức sẽ thông tin sớm nhất cho các quốc gia.
Theo các thành viên SEAGF, nếu lùi SEA Games 31 sang năm 2022, các quốc gia cũng đề nghị thời gian tổ chức vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5. Tuy nhiên, các quốc gia cũng mong muốn có được thông tin sớm nhất để có thời gian chuẩn bị.
SEA Games 31 có thể diễn ra vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2022 |
Theo tính toán về thời điểm diễn ra các sự kiện thể thao quốc tế năm 2022, như Thế vận hội Olympic mùa đông tại Bắc Kinh Trung Quốc (tháng 2/2022); Đại hội Thể thao võ thuật và trong nhà châu Á tại Bangkok Thái Lan (tháng 3/2022); Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung tại Anh (tháng 7/2022); Đại hội Thể thao châu Á tại Hàng Châu, Trung Quốc (tháng 9/2022) thì thời gian phù hợp nhất để tổ chức SEA Games 31 sẽ vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2022.
Mặt khác, thời điểm này cũng sẽ thích hợp cho Campuchia có đủ thời gian chuẩn bị tổ chức SEA Games 32 sẽ diễn ra tại Phnom Penh từ ngày 5 đến 17/5/2023.
Nghiên cứu tổ chức ''Siêu thị 0 đồng'', ''Tổ ứng cứu khẩn cấp'' hỗ trợ lao động Thủ đô
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 thứ tư, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của hàng chục nghìn người lao động, ngày 24/6, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã thống nhất kế hoạch ổn định quan hệ lao động và chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Liên đoàn Lao động TP yêu cầu các cấp công đoàn nghiên cứu tổ chức mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ ứng cứu khẩn cấp” để hỗ trợ người lao động |
Theo đó, Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các cấp công đoàn ưu tiên nguồn lực tài chính công đoàn để thực hiện nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động; Trước tiên là các đối tượng đoàn viên công đoàn, người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp có công đoàn cơ sở và doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở nhưng đã thực hiện đóng kinh phí công đoàn;
Nghiên cứu tổ chức mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ ứng cứu khẩn cấp” để hỗ trợ, cung cấp kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị cách ly, phong tỏa, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án sản xuất, phương án sử dụng lao động phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp, trong bối cảnh những tác động của dịch bệnh Covid-19, hạn chế tới mức thấp nhất việc cắt giảm lao động.
Khi có vướng mắc, phức tạp phát sinh, công đoàn cơ sở cần khẩn trương tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, nhằm kịp thời giải quyết, tránh tranh chấp lao động, đình công xảy ra; Lập các nhóm Zalo, xây dựng lực lượng “Công nhân nòng cốt” ở doanh nghiệp có đông công nhân, các khu công nghiệp và chế xuất để nắm bắt thường xuyên tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động, quan hệ lao động và giải quyết kịp thời.