Tin tức trong ngày 1/1: 120.000 hộ dân Hà Nội được sử dụng nước sạch trong năm 2021
Thêm 120.000 hộ dân nông thôn của Hà Nội sẽ được sử dụng nước sạch trong năm 2021
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2021, Sở Xây dựng phấn đấu đưa thêm khoảng 50 xã, 120.000 hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch, nâng tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch đạt 85%.
Về giải pháp, Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư khẩn trương triển khai các dự án cấp nước đã được thành phố giao, nhất là tại khu vực các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Đan Phượng, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn...
Đồng thời, Sở xem xét các dự án mới do các nhà đầu tư đề xuất, báo cáo UBND thành phố phê duyệt. Đối với các khu vực không thể kết nối với hệ thống cấp nước tập trung của thành phố, Sở đã đề xuất và đôn đốc triển khai các dự án cấp nước theo mô hình cụm hộ.
Trong năm 2021, Sở Xây dựng phấn đấu đưa thêm khoảng 50 xã, 120.000 hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch |
Triển khai 7 công trình đường vành đai trên địa bàn Thủ đô
Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã báo cáo đề xuất Thành ủy Hà Nội về nhóm 7 công trình đường vành đai nằm trong danh mục các nhóm công trình giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể: Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục với chiều dài 2,27km, tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội đang triển khai thực hiện bằng nguồn ngân sách thành phố.
Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng kết hợp mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đang thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ký kết giữa UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Vingroup.
Vành đai 2,5 bao gồm 3 đoạn để khép kín bao gồm: Đoạn từ Khu đô thị mới Dịch Vọng - đường Dương Đình Nghệ (dài 720m), đoạn Trung Kính - Trần Duy Hưng (dài 580m) và đoạn Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng (dài 1.890m), tổng mức đầu tư khoảng 7.353 tỷ đồng.
Vành đai 3 bao gồm 2 đoạn: Đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8km) và đoạn từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh (dài 5km), tổng mức đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.
Vành đai 3,5 bao gồm 2 đoạn: Đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 (dài 3,8km) và đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (dài 10,8km), tổng mức đầu tư khoảng 5.670 tỷ đồng.
Cùng với đó, trên địa bàn thành phố còn có các tuyến Vành đai 4 và Vành đai 5 do Bộ Giao thông - Vận tải triển khai thực hiện.
Đưa gần 280 công dân Việt Nam từ châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ về nước
Các cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ, các cơ quan chức năng trong nước, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan của các nước sở tại đã tổ chức chuyến bay đưa gần 280 công dân Việt Nam từ hơn 30 quốc gia về nước.
Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền, sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về chỗ ở, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động và một số trường hợp đặc biệt khó khăn khác.
Để tổ chức thành công chuyến bay, các cơ quan đại diện Việt Nam đã hướng dẫn công dân các thủ tục cần thiết, phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình di chuyển đến sân bay ở Paris (Pháp). Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng cử cán bộ tới sân bay để hỗ trợ trực tiếp công dân hoàn tất các thủ tục trước khi lên máy bay về nước.
Trong suốt chuyến bay, hành khách và toàn bộ tổ bay đã chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh dịch tễ. Tất cả hành khách cũng đã được cách ly và kiểm tra y tế theo quy định khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn.
Thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp theo nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước.