Tiệm trà nhỏ nuôi hy vọng cho trẻ tự kỷ ở Hà Nội
Hàng loạt công trình khắp ba miền thắp đèn xanh vì người tự kỷ Trợ giúp xã hội cho người tâm thần, trẻ tự kỷ |
Đối với chúng ta, chỉ cần vài lát hoa quả sấy, một chút mật ong sẽ có ngay một tách trà. Công thức thì đơn giản nhưng để có được một tách trà tưởng như đơn giản ấy lại không hề dễ dàng khi chúng được pha chế bởi các bạn trẻ mắc hội chứng tự kỷ.
Tiệm trà nhỏ VK mang lại động lực cho các bạn tự kỷ |
Gần 9 tháng nay, tiệm trà VK là nơi học tập và làm việc hiếm hoi của các thanh niên mắc hội chứng tự kỷ. Công việc dẫu nhẹ nhàng nhưng cũng phải mất rất nhiều thời gian để các bạn có được những kỹ năng cơ bản.
Việc dạy học, dạy nghề cho người tự kỷ đã khó, giúp họ có một công việc ổn định còn khó khăn hơn gấp bội. Trước tình hình đó, Trung tâm Nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập Vkagbe đã mở ra tiệm trà nhỏ "Cafe - Trà hoa quả VK" để tạo cơ hội cho các thanh thiếu niên tự kỷ có cơ hội được hướng nghiệp, làm việc dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các giáo viên.
Dạy nghề và đào tạo việc làm là cách giúp các bạn tự kỷ hòa nhập với xã hội |
Tiệm trà thuộc Trung tâm hòa nhập Vkagbe trở thành sự lựa chọn của không ít người vì đồ uống thơm ngon, đảm bảo và được phục vụ bởi những nhân viên đặc biệt - người mắc hội chứng tự kỷ. Người chỉ pha chế, người tiếp khách thế nhưng chỉ cần có cơ hội được làm việc đã là những tia hy vọng cho các bạn trẻ tự kỷ và cho cả phụ huynh của các bạn mắc hội chứng này.
Giám đốc Trung tâm Vkagbe, chị Nguyễn Thị Thúy, chia sẻ: "Dạy nghề cho người tự kỷ đã khó, xin việc cho người tự kỷ ở cơ quan khác còn khó gấp bội. Các em không thể làm những công việc có quy trình phức tạp mà chỉ có thể hoàn thành những công đoạn nhất định. Đồng thời, các em cũng gặp khó khăn trong quản lý hành vi, cảm xúc, cách thích nghi, thích ứng. Mong muốn của chúng tôi là mô hình này giúp các em có môi trường học việc tốt, xa hơn sẽ giúp các em có công việc phù hợp".
Chị Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm Vkagbe chia sẻ mong muốn giúp đỡ các bạn trẻ mắc chứng tự kỷ |
Từ khi mở cửa đến nay, cửa tiệm nhỏ nằm trên ngõ 7 đường Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều thực khách. Nơi đây không chỉ bán đồ uống như cafe, trà hoa quả... mà còn kinh doanh một số mặt hàng khác do chính các bạn trẻ tự kỷ sản xuất như hoa quả sấy, bánh ngọt... Các bạn sẽ tự tay rửa, thái các loại hoa quả như táo, lê... rồi xếp cẩn thận vào máy sấy, đóng gói và bày bán.
Tiệm trà là nơi đào tạo, làm việc của các bạn tự kỷ |
Theo chia sẻ của chị Thúy, hiện hầu hết các em đều chỉ đang học việc, có 2 em làm quen đã có thu nhập. Một trong những nhân viên ở quán là bạn Trung Hiếu (SN 1999) đã làm việc tại trung tâm khoảng 2 năm. Hiện tại, các công việc như chào khách, pha chế, phục vụ khách hàng bạn đều có thể làm được, bên cạnh đó tâm lý và nhận thức đã có nhiều đổi thay. Một bạn khác là Hạnh Chi (SN 1996) cũng rất vui khi có cơ hội được làm việc tại tiệm trà, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi mỗi ngày được tiếp xúc với nhiều người, lại có thêm một chút thu nhập.
Được biết, trung tâm hiện có hơn 30 thanh thiếu niên tự kỷ theo học, trong độ tuổi từ 3 - 25. Trung tâm cũng đang triển khai trồng rau sạch, cung cấp cho người tiêu dùng từ một mảnh vườn nhỏ do chị Thúy sở hữu ở huyện Thanh Oai.
Các sản phẩm ở đây đều do tự tay các bạn mắc chứng tự kỷ làm ra |
"Nguồn nhân lực chính sẽ là các em tự kỷ, bởi làm vườn là công việc khá phù hợp với các em. Khi ấy, các em được vận động trong môi trường thoải mái, gần gũi với thiên nhiên. Ngoài những công việc này, trung tâm còn nhiệt tình hỗ trợ, xin việc cho trẻ tự kỷ ở các cửa hàng làm tóc tùy theo sở thích và khả năng của từng bạn”, chị Thúy tâm sự.
Cứ như vậy, cửa tiệm "Cafe - Trà hoa quả VK" hoạt động từ tháng 8/2020 đến nay với những nhân viên vô cùng đặc biệt. Đây là nơi tạo việc làm cho trẻ tự kỷ vươn lên, giúp các bạn có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hơn và dần thích nghi, hòa nhập với cuộc sống.