Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào cuộc sống
Thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên
Theo báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, thành phố Hà Nội đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương với số tiền hơn 3.331,5 tỷ đồng; đồng thời, tiết kiệm hơn 5.643,4 tỷ đồng trong công tác sử dụng và thanh quyết toán ngân sách nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đây là kết quả vượt bậc so với năm 2022 khi thành phố đã tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính 1.173 tỷ đồng; qua đó, giúp Hà Nội trở thành một trong 3 địa phương tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước cao nhất cả nước.
Bước đột phá trong thực hiện phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính đã giúp tiết kiệm cho các tổ chức, cá nhân. Trong ảnh: Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” UBND xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) |
Để có kết quả trên, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung cụ thể hóa yêu cầu về Luật THTK CLP, triển khai các giải pháp thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả. Theo đó, ngay từ đầu năm 2023, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về THTK, CLP; chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về THTK, CLP.
Cùng với đó, thành phố đã từng bước thực hiện cơ cấu lại các khoản chi ngân sách, với các giải pháp sử dụng có hiệu quả ngay từ khâu phân bổ và trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách. Từ đó, năm 2023 Hà Nội đã giải ngân đạt 108% kế hoạch được giao, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, thành phố đã cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng ô tô công, tổ chức hội nghị…
Điểm sáng trong công tác chống lãng phí thời gian qua, thành phố đã thực hiện Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.427 cơ sở nhà, đất; tiến hành thu hồi phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố quản lý; thu hồi diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định...
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội tập trung xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai. Trong đó, 680 dự án đã được thành phố lên phương án giải quyết vướng mắc, 32 dự án còn lại sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động
Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng thực tế việc thực hiện THTK, CLP theo chương trình tổng thể của Chính phủ và của UBND TP Hà Nội tại một số nơi còn hình thức, chưa được đẩy mạnh một cách toàn diện và đi vào thực chất.
Hà Nội đi đầu thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng |
Để thực hiện các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, Hà Nội sẽ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài chính, tài sản công chuyên dùng theo thẩm quyền để làm cơ sở lập kế hoạch, dự toán, quản lý, bố trí sử dụng ngân sách, xử lý tài sản công theo đúng quy định...
Cùng với đó, thành phố tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán (bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư) gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị liên quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền, UBND thành phố sẽ đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước gắn với tăng cường trách nhiệm của các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính công. Cùng với đó, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về ngân sách nhà nước.
Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội TP, nhất là người đứng đầu nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 27, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy định. Nội dung thực hiện bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế để kịp thời thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó, các đơn vị phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp TP trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. |