Tag

Thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: Sai sót thường tập trung ở phần kỹ năng

Giáo dục 08/07/2020 11:39
aa
TTTĐ - Những sai sót học sinh hay mắc phải khi làm bài thi môn Ngữ văn tập trung nhiều vào phần kỹ năng: Đó là kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu. Các em thường lúng túng khi xác định phương thức biểu đạt hoặc phong cách ngôn ngữ của văn bản...

Thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: Sai sót thường tập trung ở phần kỹ năng

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Đề thi minh họa THPT quốc gia 2020: Phù hợp với tinh thần “giảm tải”

Thầy giáo Ngữ văn vượt khó, tâm huyết với học trò vùng dân tộc

Đó là một trong những lưu ý của cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Chỉ còn 1 tháng nữa, thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong giai đoạn nước rút này, cô Trịnh Thu Tuyết chia sẻ một số thông tin giúp học sinh hệ thống lại kiến thức, để các em đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi này.

Cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI
Cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI

Lưu ý học sinh không học tủ

Cô Tuyết cho biết, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nội dung kiến thức và kĩ năng trong đề thi THPT quốc gia mấy năm nay cũng như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tập trung chủ yếu ở lớp 12. Từ nay tới ngày thi tốt nghiệp THPT còn 1 tháng, các em lưu ý không học tủ, bởi thực tế sau khi tinh giản phần kiến thức học kì II lớp 12, chương trình Ngữ văn của chúng ta không còn nhiều.

Các em nên ôn tập theo các đơn vị kiến thức cơ bản trong mô hình đề thi mấy năm nay với ba phần: Kiểu bài đọc hiểu, viết đoạn văn nghị luận xã hội, viết bài văn nghị luận văn học. Để làm tốt kiểu bài đọc hiểu, các em cần ôn lại hệ thống kiến thức Tiếng Việt đã được học từ THCS tới THPT, luyện kỹ năng trả lời câu hỏi theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Để làm tốt kiểu viết đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần nắm chắc kỹ năng viết đoạn; Phân biệt chắc chắn đoạn văn với bài văn thu nhỏ, có ý thức cập nhật, tích lũy các kiến thức xã hội. Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài thi THPT quốc gia, cũng là bài các em cần huy động nhiều nhất thời gian, công sức cho ôn luyện. Cụ thể, các em có thể tập trung vào 9 tác phẩm văn học (4 tác phẩm thơ: Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước, Sóng; Hai đoạn trích văn xuôi trữ tình: Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông; Ba đoạn trích văn xuôi tự sự: Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa), ngoài ra ôn tập thêm tác phẩm chính luận Tuyên ngôn độc lập, các bài tác giả (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân).

Cấu trúc đề thi không thay đổi

Cô Trịnh Thu Tuyết cũng cho rằng, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn những năm gần đây, cũng như theo mô hình đề tham khảo lần 2 năm 2020 cho kỳ thi tốt nghiệp THPT về cơ bản không thay đổi. Vẫn gồm có hai phần, ba câu, phần đọc hiểu 3 điểm, phần làm văn 7 điểm với hai câu: Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm.

Phần đọc hiểu luôn gồm một ngữ liệu đọc hiểu, có thể là thơ hoặc văn xuôi, có thể là bất kỳ phong cách ngôn ngữ nào các em đã được học: Chính luận, khoa học, nghệ thuật, sinh hoạt, báo chí đến hành chính - công vụ; Sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu được sắp xếp theo các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng tới vận dụng cao.

Các em cần nhận ra những tín hiệu của từng kiểu loại câu hỏi để có phương pháp trả lời phù hợp, tránh trả lời thừa hoặc thiếu. Ví dụ: Câu hỏi nhận biết thường tập trung vào hai yêu cầu: Xác định một đặc điểm của hình thức văn bản như thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt… (thường có cụm từ “Xác định…; Chỉ ra… phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính, cơ bản…); Yêu cầu tìm những chi tiết thuộc về nội dung văn bản phù hợp với nội dung định hướng trong câu lệnh (thường có cụm từ “Theo tác giả; Theo đoạn trích; Trong đoạn trích; Dựa vào đoạn trích…”.

Khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ ngữ liệu, xác định đúng đặc điểm hình thức văn bản hoặc chi tiết nội dung văn bản, không phân tích diễn giải. Câu hỏi thông hiểu thường yêu cầu giải thích cách hiểu nội dung một khái niệm, nhận định, câu văn, câu thơ… trong văn bản. (Anh, chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào "Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng / Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm?" - Đề năm 2019; Anh, chị hiểu như thế nào về câu: Anh hùng không phải mẫu người hoàn hảo vì chẳng có ai hoàn hảo? - Đề minh họa lần 1 năm 2020). Học sinh cần giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ, biểu tượng (nếu có) của khái niệm, nhận định…

Câu hỏi vận dụng (thấp) thường yêu cầu xác định và phân tích giá trị của biện pháp tu từ, tác dụng của việc sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt, sử dụng từ ngữ... trong văn bản trong câu, đoạn văn bản. (Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ… - Đề năm 2015). Học sinh cần vận dụng kiến thức tiếng Việt, tu từ học, văn học, cuộc sống… để xác định đúng và phân tích giá trị biểu đạt (diễn đạt nội dung gì?) và biểu cảm (đưa tới cảm xúc gì?).

Câu hỏi vận dụng cao thường yêu cầu thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, thái độ và nhất là quan điểm cá nhân trước một nhận định, thông điệp, vấn đề đặt ra trong văn bản đọc hiểu. Ví dụ: Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh, chị suy nghĩ gì? (Đề năm 2019); Anh, chị có đồng tình với quan niệm: Chúng ta đều mắc sai lầm nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong cuộc đời? Vì sao? (Đề minh họa lần 1 năm 2020); Lời khuyên “Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh, chị? (Đề minh họa lần 2 năm 2020). Với dạng câu hỏi này, học sinh cần trả lời ngắn gọn, chân thành, trung thực những suy nghĩ, xúc cảm cá nhân, tránh khuôn mẫu, sáo rỗng, hô khẩu hiệu… Hoặc với dạng câu hỏi “Anh, chị có đồng tình…? Vì sao?”, học sinh cần xác định đúng suy nghĩ, nhận thức của mình để luận bàn cho thấu đáo, chặt chẽ. Với dạng này, hoàn toàn có thể xuất hiện nhiều phương án: đồng tình, không đồng tình, đồng tình nhưng có giới hạn, điều kiện, ngoại lệ…. Phần quan trọng nhất là trả lời câu hỏi “Vì sao?” với lập luận chặt chẽ và trung thực, thuyết phục.

Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn có nội dung nghị luận quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu. Học sinh cần đặc biệt chú ý đảm bảo hai yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn: Về nội dung, chỉ nghị luận một khía cạnh, một bình diện của vấn đề (nguyên nhân, ý nghĩa, hậu quả, giải pháp, bài học…). Về hình thức, học sinh cần viết đúng cấu trúc đoạn, viết đúng dung lượng theo yêu cầu trong câu lệnh của đề bài.

Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, đòi hỏi các em dành nhiều nhất thời gian và tâm sức. Học sinh cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, đặc biệt trong câu lệnh, phác sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài. Những kiến thức khái quát về tác giả, tác phẩm, những giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung của tác phẩm là những mảng kiến thức các em cần đặc biệt lưu ý khi ôn luyện, đó sẽ là định hướng cho bài làm sau này của các em khi đứng trước yêu cầu của đề bài. Bởi dù để bài đưa ra kiểu dạng như thế nào: Cảm nhận về một đoạn văn, đoạn thơ…; Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật…; Phân tích một yếu tố nghệ thuật hoặc nội dung nào đó của tác phẩm (nghệ thuật xây dựng tình huống, giá trị nhân đạo…) đều không thể không dựa vào những vấn đề ôn luyện đã nói ở trên.

Những sai sót học sinh hay mắc phải

Có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi THPT quốc gia cũng như thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn, cô Tuyết lưu ý những sai sót học sinh hay mắc phải khi làm bài thi môn Ngữ văn tập trung nhiều vào phần kỹ năng.

Đó là kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu. Các em thường lúng túng khi xác định phương thức biểu đạt hoặc phong cách ngôn ngữ của văn bản, nhiều khi chưa phân biệt các cấp độ yêu cầu của bốn câu hỏi đọc hiểu, khiến sa đà phân tích ở câu nhận biết nhưng lại sơ sài trong câu thông hiểu hoặc chưa tự tin thể hiện suy nghĩ, cách kiến giải độc lập của mình trong câu hỏi vận dụng…

Bên cạnh đó là kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội. Học sinh hay nhầm lẫn và viết thành dạng bài văn thu nhỏ, nhiều khi viết khuôn sáo, chung chung, hời hợt, chưa thể hiện cái tôi độc lập trong tư duy…

Cuối cùng là kiến thức và kỹ năng viết bài nghị luận văn học. Học trò nhiều khi không nắm vững kiến thức tác phẩm, không nhớ chính xác các chi tiết văn xuôi hoặc các câu thơ quan trọng. Phần nghị luận nhiều khi hời hợt, thậm chí viết theo văn mẫu, sai lạc với yêu cầu của đề bài. Những sai sót đó cũng là những kiến thức, kỹ năng các em cần học hỏi theo định hướng, điều chỉnh của thầy cô, ôn luyện cho thành thục - quan trọng nhất trong tất cả các kiểu dạng bài là rèn kỹ năng xác định đúng yêu cầu của đề, kỹ năng diễn đạt chuẩn xác, sáng tạo và độc lập.

Chuẩn bị tâm lý cũng vô cùng quan trọng

Ngoài chuẩn bị kiến thức, cô Trịnh Thu Tuyết cho rằng, thời gian sắp tới tuy không ngắn nhưng lại rơi vào khoảng thời gian khắc nghiệt nhất của mùa hè nên sẽ gây nhiều mệt mỏi, áp lực cho các em khi ôn luyện.

“Vì vậy, các em rất cần một sự phân bố thời gian hợp lý. Ví dụ các em có thể dành cho 9 tác phẩm cần tập trung ôn tập thời gian 1 tháng (2 tới 3 bài trong 1 tuần); sau đó dành thời gian còn lại để luyện đề. Các em có thể kết hợp giữa việc ôn luyện đề theo sự hướng dẫn của thầy cô trên lớp với việc tận dụng thêm các kênh học online phù hợp. Tuy nhiên, thế giới mạng trùng điệp các kênh dạy học trực tuyến - các em nên có lựa chọn tỉnh táo để tìm đúng thầy, đúng kênh uy tín, nghiêm túc, luyện đề theo những cơ sở giáo dục có chất lượng được kiểm chứng qua thời gian”, cô Tuyết lưu ý

Giáo viên dạy Ngữ văn cũng khuyên học sinh cần dành thời gian cập nhật những thông tin thời sự mới nhất, có thêm sự hiểu biết về cuộc sống xã hội sẽ là nguồn kiến thức phong phú, sinh động giúp các em hoàn thành tốt câu nghị luận xã hội.

Đọc thêm

Học sinh gom sách vở, dành tiền ăn sáng ủng hộ bạn vùng lũ Muôn mặt cuộc sống

Học sinh gom sách vở, dành tiền ăn sáng ủng hộ bạn vùng lũ

TTTĐ - Trong ngày thứ hai đầu tuần (ngày 16/9), hàng loạt cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Quốc học Huế gia nhập thành viên mạng lưới LabelFrancÉducation Giáo dục

Quốc học Huế gia nhập thành viên mạng lưới LabelFrancÉducation

TTTĐ - Trường THPT chuyên Quốc học Huế đáp ứng các điều kiện và chính thức gia nhập mạng lưới LabelFrancÉducation (Pháp) gồm 600 trường trên toàn thế giới, trong đó có nhiều trường ở Việt Nam đã được công nhận.
Nghiêm cấm lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản ngoài quy định Muôn mặt cuộc sống

Nghiêm cấm lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản ngoài quy định

TTTĐ - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hải Phòng chỉ đạo nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường để thu các khoản thu ngoài quy định, tăng cường công tác quản lý các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024-2025 sau bão số 3.
“Trung thu lan tỏa yêu thương” sẻ chia với đồng bào vùng lũ Giáo dục

“Trung thu lan tỏa yêu thương” sẻ chia với đồng bào vùng lũ

TTTĐ - Giờ học Hoạt động trải nghiệm của học sinh trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông, Hà Nội sáng 16/9 đặc biệt hơn mọi ngày.
Nhịp sống trở lại bình thường ở nhiều trường học vùng ngập lụt Giáo dục

Nhịp sống trở lại bình thường ở nhiều trường học vùng ngập lụt

TTTĐ - Sau nhiều ngày phải tạm dừng đến trường vì ngập lụt sau bão số 3, hôm nay (16/9), học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã trở lại trường học.
Công ty CP Giáo dục quốc tế HTC khánh thành trường Mầm non Hugo Giáo dục

Công ty CP Giáo dục quốc tế HTC khánh thành trường Mầm non Hugo

TTTĐ - Tối 14/9, Công ty CP Giáo dục quốc tế HTC đã long trọng tổ chức khánh thành trường Mầm non Ngôi nhà Hugo tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, Hải Phòng. Hơn 600 khách mời và phụ huynh, học sinh nhà trường đến dự buổi lễ.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng khai giảng năm học mới Giáo dục

Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng khai giảng năm học mới

TTTĐ - Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng vừa long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 tại cơ sở 2, Khu đô thị đại học Đà Nẵng
Vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh trước khi đón học sinh trở lại Giáo dục

Vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh trước khi đón học sinh trở lại

TTTĐ - Sau lũ, những khu vực bị ngập, nhiều rác thải gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là lúc nhiều dịch bệnh bùng phát.
Trường THPT Hoàng Diệu đình chỉ học sinh đánh bạn Giáo dục

Trường THPT Hoàng Diệu đình chỉ học sinh đánh bạn

TTTĐ - Học sinh trường THPT Hoàng Diệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh bạn đã bị đình chỉ học.
Hơn 5.000 tân sinh viên nhập học Giáo dục

Hơn 5.000 tân sinh viên nhập học

TTTĐ - Từ ngày 12 - 14/9, hơn 5.000 tân sinh viên Học viện Hành chính quốc gia làm thủ tục nhập học.
Xem thêm