Thi đánh giá năng lực: Ở nhà hay đến “lò”?
Cảnh báo chiêu trò lừa tiền qua kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội công bố lịch thi Đánh giá năng lực kỳ thứ nhất Lần đầu tiên Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực |
Băn khoăn: Ôn luyện như thế nào là hiệu quả?
Trong đợt xét tuyển vào đại học năm 2022, nhiều trường đại học đã sử dụng kết quả của kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển bên cạnh những tiêu chí khác như: Điểm thi tốt nghiệp, điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế… Để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, nhiều thí sinh đã lựa chọn tham gia kỳ thi này.
Nắm bắt được tâm lý người học, các lò luyện thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy cũng đang nở rộ. Chỉ cần gõ từ khoá ôn thi đánh giá năng lực, lập tức google hiện lên hơn 10.000 kết quả tìm kiếm. Với những lời quảng cáo có cánh: ôn trúng mọi dạng bài thi đánh giá năng lực, bám sát cấu trúc thi của trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ôn là đỗ… các trung tâm luyện thi này đang khiến nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn, không biết nên lựa chọn học nơi nào để đáp ứng cho một hình thức thi mới mẻ và tổng hợp kiến thức như vậy.
Chỉ cần gõ từ khoá ôn thi đánh giá năng lực, lập tức google hiện lên hơn 10.000 kết quả tìm kiếm |
Bạn Nguyễn Văn Trọng, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho biết, cậu đang đi ôn thi ở Cầu Giấy, 1 tuần 2 buổi. “Vì đây là dạng đề thi mới về tư duy nên mình đang luyện về phương pháp, kỹ năng làm bài đạt kết quả cao trong thời gian ngắn.
Các thầy ở trung tâm ôn thi cũng cho mình ôn luyện 25 đề bám sát đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Mình cũng được các thầy cô dạy về cách giải quyết những câu hỏi khó, câu hỏi có tính thực tế, liên môn, trải nghiệm thi thử như thi thật… Tuy nhiên, do chưa học hết chương trình lớp 12 nên cũng có nhiều câu mình chưa làm được.
Bạn Phạm Tuấn Minh, lớp 12A1, trường THPT Lý Thường Kiệt chia sẻ, bạn đang tìm hiểu và tìm lớp ôn luyện thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, tuy nhiên theo Minh, cần nắm chắc kiến thức cơ bản trước, vì thế sang học kỳ 2, Minh mới đi ôn luyện các kỹ năng để tham gia thi.
Chị Trần Thị Giang ở quận Ba Đình năm nay có con học lớp 11 chia sẻ: “Dù con năm sau mới thi nhưng tôi vẫn muốn con ôn luyện kỳ thi đánh giá năng lực sớm. Vì nếu trượt con được rút kinh nghiệm và thi tiếp những lần sau. Tuy nhiên khi nhìn vào dãy kết quả mà tôi tra trên google thì tôi nản hẳn. Quảng cáo thì ai cũng nói hay nhưng ôn luyện như thế nào là tốt cho con và ôn luyện ở đâu thì hiệu quả là vấn đề tôi đang lo lắng”.
Ôn luyện ở các trung tâm không có tác dụng nhiều
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc theo học ở các trung tâm không có tác dụng gì nhiều đối với thí sinh. Lý do là vì bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) của ĐH Quốc gia Hà Nội được thiết kế để đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình THPT, ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa là rất lớn và lượng câu hỏi được bổ sung theo từng năm.
Đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được thiết kế để đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình THPT |
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo đưa ra lời khuyên, khi tham dự các kỳ thi riêng này, thí sinh hãy vào website chính thức của đơn vị tổ chức, cụ thể là các trường ĐH để tìm hiểu về kỳ thi, bài thi, hướng dẫn làm bài thi, đề tham khảo, kết quả thi năm 2022 (phổ điểm, bảng thứ hạng điểm thi) để thấy được bức tranh chân thực của kỳ thi. Khi đó, thí sinh sẽ thấy được việc ôn thi tại trung tâm luyện thi hay học tập ở nhà là không khác biệt.
Ông Thảo cũng lưu ý: “Thí sinh hãy ôn tập tốt và liên lạc với các bộ phận tư vấn tuyển sinh, tư vấn thi của đơn vị tổ chức thi để nhận được lời khuyên chân thực nhất hơn là tiếp nhận ý kiến của các nhóm luyện thi”.
Tự học là quan trọng nhất
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên) cho rằng: “Với cương vị của một giáo viên, tôi nghĩ học là một quá trình chứ không thể ôn thi trong một thời gian ngắn mà có thể làm được đề thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy. Khi học sinh có kiến thức nền, đi ôn thi, giáo viên ở trung tâm đó sẽ dạy các em vận dụng kiến thức có sẵn hay hướng dẫn học sinh những mẹo vặt để làm bài thi đạt điểm cao. Nếu không có kến thức sẵn thì không thể làm được bài, dù là được dạy về mẹo hay cách làm bài tốt.
Với kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy, tôi cho rằng, học sinh ở ban nào cũng đều phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa của năm lớp 11 và năm lớp 12. Ngoài ra, kiến thức thực tế bên ngoài, câu hỏi xã hội đòi hỏi học sinh phải tìm hiểu, đọc báo chí và quan sát thời sự hàng ngày thì các con mới trả lời được. Câu hỏi trong bộ đề hai kỳ thi này trải rộng, không có câu hỏi uyên thâm nhưng yêu cầu học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản.
Khi có kiến thức cơ bản rồi mới có thể mở rộng nâng cao mới đạt được điểm đối đa. Vì thế, để trả lời được câu hỏi chốt cuối, kiểu gì các em học sinh cũng phải học”.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội |
Được biết, ở trường THPT Nguyễn Gia Thiều, thầy cô giáo ở các tổ bộ môn đều bám sát kiến thức đề thi của Bộ GD&ĐT để ôn tập cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên cũng bám sát đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa năm trước để có thể giúp học sinh tổng hợp kiến thức của mình. Các em được làm quen các dạng đề này trong những bài kiểm tra 1 tiết, giữa kỳ, cuối kỳ để khi đi thi, học sinh không bị bỡ ngỡ.
Theo thầy Vũ Văn Hiển, giáo viên môn Toán lớp 12A1 trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên), đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hay đề thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội đều là đề tổng hợp, giải nhanh có tư duy sáng tạo và logic phân tích sự kiện. Vì thế học sinh cần phải nắm kiến thức tổng quát, ứng dụng thực tế.
“Văn ôn võ luyện, vì thế học sinh có thể đi ôn nhưng phải tìm hiểu nơi nào đáng tin cậy để ôn. Ngoài ra các em cần chăm chỉ tự học, tự tìm hiểu kiến thức mở rộng, tham khảo và làm nhiều đề thi trên mạng”, thầy Hiển nói.
Ở góc độ là người đi trước, bạn Đinh Anh Tuấn hiện đang học trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Năm 2022 mình đăng ký thi đánh giá tư duy và đỗ ngay, mình thấy những kỳ thi mà kiến thức tổng hợp như thế này thì việc tự học là quan trọng nhất. Bởi kiến thức của kỳ thi đánh giá tư duy ở các môn đều đa dạng, mở rộng, bản thân người học phải tự đọc thêm tài liệu trên mạng để ôn luyện và mở rộng kiến thức”.