Thầy thuốc trẻ Thủ đô tình nguyện mùa đông
Các y bác sĩ tham gia chương trình "Tình nguyện mùa đông" của tuổi trẻ Thủ đô tại Cao Bằng
Bài liên quan
Sôi nổi hoạt động “Tình nguyện mùa đông” tại Cao Bằng
Tuổi trẻ Thủ đô thăm, tặng quà công nhân Gang thép Cao Bằng
Cụm đoàn Nam Đuống tình nguyện mùa đông tại Lào Cai
Tuổi trẻ Hoàn Kiếm tình nguyện ở Hương Nê
Ngày 15/12, trong khuôn khổ chương trình “Tình nguyện mùa đông” năm 2018 do Thành đoàn – Hội LHTN Thành phố Hà Nội tổ chức tại tỉnh Cao Bằng, họ đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo nơi đây.
Đông đảo bà con đến khám bệnh trong chương trình "Tình nguyện mùa đông" năm 2018 do Thành đoàn Hà Nội tổ chức tại Cao Bằng |
Anh Nguyễn Duy Hoàn, hiện công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp, anh vào làm việc tại bệnh viện. Bác sĩ Hoàn tâm sự, anh theo nghề y vì muốn có thể khám, chữa bệnh cho gia đình, người thân và những người xung quanh. Với anh, hạnh phúc trọn vẹn hơn khi được khoác lên mình bộ quân phục công an nhân dân và chiếc áo blouse trắng. Điều ấy cũng là động lực thôi thúc anh cố gắng nỗ lực trong công tác chuyên môn cũng như cuộc sống.
Bên cạnh đó, hoạt động trong tổ chức Đoàn, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Thành phố Hà Nội, bác sĩ Hoàn có điều kiện tham gia vào công tác Đoàn, Hội, phong trào thanh niên, trong đó có hoạt động khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào các tỉnh như: Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Nội…
Bác sĩ thăm khám cho đồng bào |
Anh Nguyễn Duy Hoàn chia sẻ: “Lần này, được lên Cao Bằng khám và phát thuốc cho hơn 500 đồng bào, tôi rất vui. Đây là một hoạt động nhân đạo có ý nghĩa thiết thực, chia sẻ những khó khăn với đồng bào vùng cao, khó khăn, bên cạnh đó, giúp bà con có ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện một số bệnh tật, có hướng điều trị sớm, hiệu quả.
Với dược sỹ Huỳnh Huy Hoàng, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, những chuyến tình nguyện đã quá quen thuộc với anh. Anh Hoàng kể, trước khi học về dược, anh đã từng học mỹ thuật nhưng lại bỏ giữa chừng, bởi theo lời khuyên của gia đình. Ban đầu, chàng trai trẻ không thích theo chuyên ngành này, chỉ là chiều lòng bố mẹ nhưng khi tốt nghiệp ra trường, nhận công tác được 1 - 2 năm, anh Hoàng “ngấm” và yêu nghề. Ngoài công tác chuyên môn tại bệnh viện, chàng dược sĩ còn tham gia các hoạt động khác của Hội Thầy thuốc trẻ, Đoàn Thanh niên, bởi vậy, anh càng yêu nghề hơn.
“Từ năm 2008, tham gia những chuyến tình nguyện do Trung ương Đoàn và Thành đoàn tổ chức, tôi thấy hoạt động này rất ý nghĩa và bổ ích. Những ngày đầu tham gia còn nhiều bỡ ngỡ, khi thấy điều kiện ăn ở của bà con người dân tộc, vùng sâu, vùng xa quá khó khăn. Kinh nghiệm cấp, phát thuốc chưa nhiều, còn chậm và chưa giải thích rõ được cho bà con do bất đồng ngôn ngữ. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, tay nghề cũng nâng cao dần. Bây giờ, hễ được kêu gọi đi tình nguyện là tôi sẵn sàng xách hành lý lên đường, chia sẻ với nhân dân”, dược sĩ Hoàng bày tỏ.
Đến nay, bác sĩ Trần Hoài Nam, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an đã tham gia khám bệnh tình nguyện… “n lần”. Anh nói: “Việc làm đó giúp anh thực hiện mơ ước từ ngày bước mới chân vào nghề y là giúp đỡ người không may mắn. Nếu khám ở bệnh viện, thì người có bệnh đến với bác sĩ, còn đi khám bệnh tình nguyện nghĩa là bác sĩ đến với bệnh nhân, người dân vừa không may mắn, vừa khó khăn. Tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ cần học tập, cống hiến. Mỗi lần đi tình nguyện là một lần tôi thêm trưởng thành, được chứng kiến cuộc sống ở những nơi khó khăn, mà nếu chỉ ở thành phố sẽ không bao giờ cảm nhận được”.
Các dược sĩ chuẩn bị phát thuốc cho bà con |
Anh Nam chia sẻ, theo kinh nghiệm khám bệnh tình nguyện ở nhiều nơi, anh thấy, người dân vùng cao, đặc biệt là bà con dân tộc rất khó khăn để được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Nhiều nơi vẫn còn phổ biến những hủ tục, mê tín dị đoan và nhận thức không đúng về bệnh tật. Bởi vậy, bà con thường mắc bệnh mạn tính, ở giai đoạn muộn, khó khăn cho điều trị.
Chương trình khám bệnh sàng lọc cho thấy một tỷ lệ lớn bà con vùng cao mắc bệnh về cơ xương khớp và tiêu hoá. Việc khám bệnh phát thuốc miễn phí vô cùng cần thiết nhưng về lâu dài cần có thêm sự đầu tư của các cơ quan chức năng, giáo dục về vệ sinh ăn uống, sinh hoạt, cũng như nâng cấp đường sá để bà con đi lại dễ dàng hơn.
Bác sĩ Trần Hoài Nam cho rằng: “Với các y, bác sĩ trẻ, những chương trình khám bệnh tình nguyện tạo cơ hội để chúng tôi được cống hiến sức trẻ, giao lưu, học hỏi cả về kiến thức cũng như kỹ năng sống, điều vô cùng cần thiết khi thực hành y khoa”.