Tên lửa SAM-2 đã cải tiến như thế nào để “vít cổ” được B-52?
Theo thống kê, từ năm 1965 đến 1972, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 95 tổ hợp tên lửa phòng không SA-75 Dvina (SAM-2) và 7.658 đạn tên lửa. Năm 1972, khi Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II bằng máy bay ném bom chiến lược B-52, Liên Xô đã viện trợ gấp sang Việt Nam một số tên lửa S-125 (SAM-3) song bị trục trặc trên đường về nước nên các tên lửa này đã không kịp tham gia chiến đấu. Do đó, để đối phó với các loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ thời bấy giờ, nhất là máy bay ném bom chiến lược B-52, quân và dân ta chỉ có hệ thống súng, pháo, tên lửa phòng không, chủ yếu là tên lửa SAM-2.
Để chiến đấu và chiến thắng các loại máy bay hiện đại của không quân Mỹ, kể cả B-52, từ năm 1967 đến 1972, tên lửa SAM-2 đã được cải tiến 5 lần.
Tuy hình dáng bên ngoài của tên lửa không thay đổi nhưng chất lượng bên trong khí tài đã được cải tiến, đặc biệt là khả năng chống nhiễu điện tử. Trong điều kiện vừa phải giữ bí mật tuyệt đối để gây bất ngờ cho không quân Mỹ, vừa phải duy trì lực lượng chiến đấu thường xuyên nên việc cải tiến phải làm theo kiểu “cuốn chiếu”, chia làm nhiều đợt.
Các đợt cải tiến được tổ chức rất chính quy. Công trường cải tiến do ta tổ chức và được chọn ở nơi an toàn tránh máy bay địch phát hiện. Chuyên gia Liên Xô chủ trì về mặt kỹ thuật có sự tham gia trực tiếp của kỹ sư và kỹ thuật viên tên lửa Việt Nam.
Ngoài cải tiến chống nhiễu ra, còn có các nội dung như: Cải tiến chế độ bắn thấp để đối phó với thủ đoạn máy bay địch bay rất thấp, tránh ra-đa tên lửa phát hiện. Cải tiến này khắc phục khi góc bắn rất thấp nhưng đạn tên lửa không rơi xuống đất và nếu không trúng mục tiêu thì tự động nâng lên nổ trên cao không gây thiệt hại cho mặt đất. Cự ly diệt mục tiêu tối thiểu được rút ngắn, tức là bắn được gần hơn.
Cải tiến thiết bị xác định phần tử phóng để kíp chiến đấu xác định chính xác máy bay địch và quyết định phóng tên lửa với thời gian ngắn nhất. Như vậy, máy bay địch không kịp đối phó cơ động hoặc phóng trả bằng tên lửa không đối đất.
Cải tiến đầu nổ đạn tên lửa để đối phó với máy bay cơ động, tốc độ cao tránh tên lửa. Trong đó, đặc biệt là cải tiến tăng số mảnh văng khi đầu đạn tên lửa SAM-2 nổ để tăng hiệu quả sát thương máy bay địch.
Ở đây cần phải nói rõ thêm: Đạn tên lửa trong tổ hợp SAM-2 là tổng thành của nhiều yếu tố như cơ khí chính xác, khí động học, điều khiển điện tử... Toàn bộ thành phần của đạn đều được tính toán và thử nghiệm bảo đảm khả năng hoạt động tối ưu và chính xác.
Cải tiến đầu đạn tên lửa được tiến hành đồng thời với việc cải tiến bệ phóng, thiết bị điện tử điều khiển và kỹ thuật phóng. Các kỹ sư Việt Nam cùng chuyên gia Liên Xô đã nghiên cứu, thay đổi tần số điều khiển rãnh đạn làm cho tên lửa không bị gây nhiễu bởi các thiết bị đối kháng điện tử chủ động và thụ động của đối phương.
Đặc biệt về cách đánh, khi dùng B-52 đánh phá, không quân Mỹ thường dùng đội hình máy bay F-4 bay trước thả nhiễu tiêu cực chống ra-đa và tên lửa bắn lên. Nếu đạn tên lửa bật ngòi nổ ngay khi phóng thì gặp đám nhiễu tiêu cực sẽ phát nổ trước khi tới B-52. Để đối phó với thủ đoạn này, ta đã cải tiến đánh bằng ngòi nổ 11 giây chậm, tức là khi cách mục tiêu 2-3km thì mới bật ngòi nổ để đạn tên lửa tiếp cận được mục tiêu B-52 mới phát nổ.
Chỉ tính riêng từ tháng 11/1971 đến tháng 4/1972, trước yêu cầu cấp thiết nhằm đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đối với miền Bắc nước ta, các kỹ sư quân sự Việt Nam phối hợp với chuyên gia Liên Xô cải tiến được 53 bộ khí tài tên lửa, gần 300 bệ phóng và hàng trăm quả tên lửa, khôi phục hơn 2.700 khối máy các loại…
Mọi chi tiết cải tiến đều được đăng ký cẩn mật, có chữ ký chịu trách nhiệm của người thực hiện. Tài liệu cải tiến được lưu giữ theo từng bộ khí tài và bảo mật ở cơ quan kỹ thuật đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ có khí tài cải tiến phải được huấn luyện, nắm chắc nội dung cải tiến mới được sử dụng chiến đấu.
Cùng việc cải tiến tên lửa SAM-2, cơ quan kỹ thuật của Quân chủng Phòng không - Không quân đã tiến hành nghiên cứu cải tiến ra-đa K8-60 để truyền phần tử mục tiêu cho tên lửa SAM-2. Ra-đa K8-60 vốn được dùng cho pháo phòng không 57mm, làm việc ở dải sóng 3cm, không bị máy bay B-52 gây nhiễu và không bị các tên lửa không đối đất Shrike tiến công.
Mặt khác, các tiểu đoàn tên lửa còn được lắp tổ hợp kính ngắm quang học PA-00 lên trên nóc ăng-ten phương vị của khí tài tên lửa SAM-2 có trắc thủ trực quan sát để bổ trợ cho đài điều khiển phát hiện máy bay địch trên nền nhiễu tích cực cường độ lớn.
Như vậy, tên lửa phòng không SAM-2 ở Việt Nam trong chiến tranh chỉ có cải tiến những nội dung trên chứ tuyệt nhiên không có chuyện cải tiến nâng cao tầm bắn và cũng không có chuyện phi kỹ thuật buồn cười là ta đã “cải tiến ghép 2 quả tên lửa lại với nhau để nâng cao tầm bắn” như có người đã viết! Bởi theo các thông số kỹ thuật chính thức, tổ hợp tên lửa SAM-2 có tầm vươn cao tới 27km và tầm bắn xa tới 35km.
Với thông số này, SAM-2 thừa sức bắn được B-52 bởi máy bay này hoạt động trên chiến trường Việt Nam - kể cả khi tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng - cũng chỉ bay ở độ cao 9-12km. Thực tế, ngày 1/5/1960, bằng chính loại tên lửa này, Liên Xô đã bắn hạ một máy bay trinh sát chiến lược U-2 của không quân Mỹ ở tỉnh Sverdlovsk khi nó đang bay ở độ cao 20km.
Tuy vậy, dù vũ khí, trang bị có hiện đại và được cải tiến đến đâu thì yếu tố hàng đầu để quyết định chiến thắng vẫn là con người. Đánh B-52 khó nhất là địch gây nhiễu cực mạnh, chưa từng thấy. Các kíp chiến đấu ra-đa và tên lửa của ta dày dạn kinh nghiệm được huấn luyện hiệp đồng thuần thục, nên dù nhiễu nặng vẫn có thể phát hiện dải nhiễu B-52 mờ mờ di chuyển theo quy luật vận động của máy bay, ẩn hiện lẩn trong hàng loạt các loại nhiễu quét ngang dọc đến lóa mắt.
Qua cảm nhận tinh tế, nhạy bén của đôi tay, các sĩ quan điều khiển và trắc thủ kíp chiến đấu tên lửa đã so sánh trong nhiều dải nhiễu ở các màn hiện sóng để bám sát vào đúng những dải nhiễu của một chiếc B-52 gây ra bay trong cả tốp và tiêu diệt khi chúng đang ẩn trong dải nhiễu điều chỉnh thu gọn.
Trong một số trận, kíp chiến đấu đã biết khoét sâu chỗ yếu của B-52. Đó là nó to xác, cồng kềnh (nặng 200 tấn, dài hơn 49m, sải cánh hơn 56m, cao hơn 12m), bề mặt phản xạ hiệu dụng sóng vô tuyến lớn, khi vào ném bom buộc phải bay thăng bằng ổn định. B-52 càng bay vào gần đài điều khiển, cường độ nhiễu càng tăng trên màn hiện sóng, đồng thời cường độ tín hiệu phản xạ của nó cũng tăng và tăng nhanh hơn cường độ nhiễu.
Vì vậy, khi B-52 vào cự ly thích hợp, các trắc thủ tay quay đã điều chỉnh màn hiện sóng nét nhất rồi cùng với đôi mắt tinh tường của sĩ quan điều khiển và cả kíp trắc thủ, họ phát hiện được tín hiệu B-52 trên nền nhiễu. Các trắc thủ nhẹ nhàng vê tay quay đưa đường tim vào đó, xác suất tiêu diệt sẽ cao, B-52 phải rơi tại chỗ.
Chính vì thế, tỷ lệ tiêu diệt B-52 trong trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp năm 1972 rất cao: 17% (34/193 B52 tham chiến). Số B-52 rơi tại chỗ do tên lửa phòng không bắn rơi đạt tỷ lệ trên 55% (16/29 chiếc do tên lửa bắn rơi). Hiệu suất này chưa từng có trong lịch sử chiến tranh phòng không thế giới từ trước tới nay.
Sau này, khi biết những cách mà bộ đội tên lửa Việt Nam đã “vít cổ” được B-52 trong màn nhiễu dày đặc, những sĩ quan sừng sỏ của không quân Mỹ đã phải “chắp tay bái phục”!
Còn trong buổi tiệc chiêu đãi mừng chiến thắng đầu năm 1973 tại Hà Nội, Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô - Tướng Anatoly Ivanovich Khiupenen - trong lời chào mừng đã nói: “Tên lửa phòng không Liên Xô viện trợ cho Quân đội Nhân dân Việt Nam là đã trao đúng những bàn tay vàng của những con người thông minh, sáng tạo”.
Nguyễn Hữu Mão
Cựu chiến binh Trung đoàn 263 tên lửa phòng không