Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
Kế hoạch nhằm tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; Cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí kiên cường, sáng tạo, tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần tăng cường, bồi đắp niềm tin của Nhân dân với Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Tăng cường các hoạt động đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, lợi dụng sự kiện để chống phá Đảng, Nhà nước.
Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận Điện Biên Phủ trên không. Ảnh tư liệu |
Nội dung tuyên truyền tập trung vào tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; Khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; Những chiến công của quân và dân ta; Đường lối chiến tranh Nhân dân, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của Quân chủng Phòng không - Không quân là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng; Sự mưu trí, sáng tạo, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng B-52; Tinh thần chiến đấu anh dũng của Nhân dân cả nước, nhất là sự kiên cường, bám trụ chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa; Những tập thể và cá nhân anh hùng; Sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Thành tựu của đất nước, của Thủ đô Hà Nội 50 năm qua (kể từ sau chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972); Sự trưởng thành, lớn mạnh và những chiến công, thành tích của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam.
Các hoạt động kỷ niệm bao gồm: Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp bộ (ngành) 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022); Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia. Tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Gặp mặt nhân chứng lịch sử”; Xây dựng phim tài liệu kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…
Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm; Phối hợp biên soạn, phát hành đề cương tuyên truyền kỷ niệm; Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo Điện ảnh Quân đội xây dựng phim tài liệu kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; Kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; báo cáo Ban Bí thư theo quy định.
Công chúng tham quan triển lãm ảnh về chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không |
Đối với thành phố Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức Lễ kỷ niệm (cấp tỉnh, thành phố) bảo đảm trang trọng, đúng tầm mức; Trong đó cần chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản điều hành, các bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm và các hoạt động nghệ thuật chào mừng. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm khác trên địa bàn thành phố.
Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền về sự kiện theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; Chú trọng khai thác thông tin tư liệu chính thống, những vấn đề có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp Nhân dân.
Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm bảo đảm thiết thực, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; Chú trọng kiểm tra, chỉ đạo công tác tuyên truyền truyền trên báo chí, các phương tiện cổ động trực quan, qua các hội nghị, sinh hoạt thường xuyên, các ấn phẩm tuyên truyền.