Tạo điều kiện để người tài phát triển, cống hiến
Cơ chế mới tạo đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài Hà Nội phải có chính sách chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài |
Tránh người tài ngồi dưới trướng người kém tài
Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ năm, góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề cập đến vấn đề thu hút, trọng dụng người có tài năng (chương II, điều 16).
Đại biểu cho rằng, đây là nội dung mang tính quy phạm chính trị nhiều, cần định chế thành quy định mạch lạc hơn.
Theo đại biểu, khái niệm trọng dụng người có tài năng nên sửa lại là trọng dụng nhân tài, cao hơn có thể sửa là trọng dụng hiền tài.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) |
Về “trọng dụng”, đại biểu phân tích, một là bố trí đúng sở trường, năng lực nào thì bố trí công việc đấy, không phải thu hút về xong để đấy, một người tài bố trí làm hành chính thì lãng phí.
Khía cạnh trọng dụng thứ hai là người tài có cơ hội thăng tiến. Thứ ba, phát minh sáng kiến của người tài được tôn trọng và thực thi. Bên cạnh đó cần có ưu đãi về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở.
Hướng tới giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Vấn đề của Thủ đô Hà Nội hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho người dân Thủ đô và người dân cả nước đến học tập công tác. Vậy sửa luật lần này có giải quyết được vấn đề này hay không?
Theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị thì tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 16-26%, cho cây xanh 10m2/người vào năm 2030. Vậy tỷ lệ này hiện nay của Hà Nội là bao nhiêu, khi sửa luật này thì hướng các chỉ tiêu thế nào?
Ông Minh đề nghị bổ sung cơ chế giải quyết các vấn đề này vào Điều 28 về bảo vệ môi tường, Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nhất là các cơ chế cho quận nội thành.
Đại biểu cũng nêu vấn đề làm thế nào để Hà Nội là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước; là nơi tập trung của nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu, nhiều cơ quan đầu não của Trung ương cùng với đó nhiều GS.TS đầu ngành.
Cũng theo đại biểu, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trên địa bàn Thủ đô thiếu cơ chế linh hoạt để hoạt động đổi mới sáng tạo, như chế độ sử dụng tài sản công khi được các tổ chức cho tặng, cơ chế thử nghiệm giải pháp công nghệ mới, cơ chế mua sắm thiết bị đặc thù...
Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế chính sách để Hà Nội bứt phá nghiên cứu và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là mô hình chuẩn có thể nhân rộng trong tương lai.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm
Cũng tại phiên thảo luận, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định khung pháp lý cần thiết để TP Hà Nội có thể thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền…
Ủng hộ quy định này nhưng đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng để bảo đảm kiểm soát tốt. Ông cho rằng luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND TP quyết định.
Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, dự thảo luật quy định về thử nghiệm có kiểm soát không rõ giới hạn; quy định có chỗ còn mập mờ, dễ xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể.
Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) đề nghị làm rõ hơn quy định liên quan đến việc tạm dừng và đình chỉ thử nghiệm, bởi quyết định này dẫn đến hậu quả pháp lý là đơn vị đề xuất thí điểm phải dừng thực hiện.
“Khi đó tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện khiếu nại đến UBND TP và khởi kiện tại toà án hay không? Toà án xét xử có lấy quy chế do Hà Nội ban hành làm căn cứ hay không, vì nếu cứ căn cứ pháp lý hiện hành thì không hợp lý?”, đại biểu nêu câu hỏi và cho rằng cần thể hiện rõ để đảm bảo minh bạch.