Tăng cường liên kết, khơi thông nguồn lực phát triển cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045 ra đời đã mở đường cho những chính sách mới thu hút nguồn lực để cho phát triển vùng trong giai đoạn tới.
Chất lượng tăng trưởng chưa cao
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh trực thuộc Trung ương và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây được coi là vùng có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; Nhiều di sản văn hóa đặc sắc, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, nhà ở, ẩm thực, phong tục tập quán…
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020”, phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn còn là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang dấu ấn vùng.
Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, đứng thứ 5 trong số các vùng kinh tế; Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao; Phát triển của các địa phương trong vùng có xu hướng phân hoá mạnh. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao.
Bên cạnh đó, có một số dự án công nghiệp chậm tiến độ, hiệu quả kém, thậm chí thua lỗ. Tỷ lệ lấp đầy ở nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp còn thấp. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất còn chậm, hiệu quả thấp.
|
Là khu vực có nhiều thắng cảnh nổi tiếng và văn hóa đặc sắc của 32 dân tộc, thời gian qua, du lịch tại khu vực này đã có những bước phát triển nhanh cùng với cả nước, góp phần tạo công ăn việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, cần phải có các giải pháp tạo bước đột phát mạnh mẽ.
Trong khi đó, phát triển văn hoá - xã hội còn nhiều bất cập; Chất lượng giáo dục, đào tạo ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; Thu nhập bình quân đầu người thấp. Ở một số địa phương, tỷ lệ số hộ dân được được sử dụng điện còn thấp hơn mức trung bình cả nước...
Đáng lưu ý, thể chế liên kết vùng còn hạn chế, năng lực kết nối, phát triển các hành lang kinh tế giữa các địa phương khu vực này vẫn còn yếu. Kết quả hợp tác, liên kết nội vùng, với các địa phương ngoài vùng và với các tỉnh của Lào và Trung Quốc còn khá khiêm tốn.
Việc chưa có mạng lưới liên kết trong phát triển sẽ là một thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong dài hạn.
Đổi mới tư duy, thu hút nguồn lực phát triển
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ lại là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước, việc cần có những chủ trương, chính sách và tầm nhìn xa hơn để phát triển nhanh và bền vững vùng; từng bước thu hẹp khoảng cách với các vùng khác trong cả nước là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Trong đó, việc xây dựng thể chế liên kết, điều phối phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã trở thành vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
|
Nhằm khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, mở đường cho những cơ chế chính sách mới để phát triển vùng, Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045.
Nghị quyết số 11 đặt ra yêu cầu tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là đổi mới tư duy về liên kết vùng, mở đường cho chính sách mới và những cơ chế chính sách này giúp thu hút nguồn lực để cho phát triển của vùng trong giai đoạn tới.
Thực hiện tốt các định hướng tăng cường liên kết sẽ tạo điều kiện để các địa phương trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, nắm bắt các cơ hội phát triển và tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới cao hơn nữa trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng thời gian tới.
Liên kết vùng sẽ giúp tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bên trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Tạo ra sự bổ khuyết, hỗ trợ lẫn nhau và tạo ra sự cộng hưởng và động lực lớn hơn trong quá trình phát triển của các bên; Đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về các lĩnh vực của mỗi bên phát sinh trong quá trình các bên thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Với chủ trương đó, Nghị quyết 11 mang tầm chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; Bổ sung nguồn lực, tạo điều kiện để các tỉnh trong vùng khai thác lợi thế, phát huy sức sức mạnh, bứt phá vươn lên.
Dự kiến, ngày mai (15/4), hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị kết nối trực tuyến đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở.
|