Sử dụng có hiệu quả tài nguyên góp phần giảm ô nhiễm môi trường
Chương trình có 30 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ giữa cơ sở phân phối bán lẻ với nhà cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường… Chương trình gồm nhiều hoạt động chính như trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường của các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn thành phố Hà Nội; Liên kết hợp tác sản xuất, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái cho biết, chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
“Đặc biệt chương trình sẽ là cầu nối kết nối giao thương, hợp tác giữa cơ sở phân phối bán lẻ với nhà cung ứng về sản phẩm, giúp cải thiện sức mua, thể hiện cam kết của thành phố Hà Nội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững”, ông Đào Hồng Thái nhấn mạnh.
Ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp TP Hà Nội phát biểu khai mạc sự kiện |
Các doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình đã trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường của các nhà cung ứng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, đồng thời, kết nối kinh doanh, liên kết hợp tác sản xuất, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại và tiêu dùng.
Đại diện Công ty TNHH Bao bì TQT (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi đem đến chương trình sản phẩm thùng carton các loại, túi giấy, vật liệu đóng gói… thân thiện với môi trường. Hiện nay, với sự phát triển của thương mại điện tử, lượng vỏ hộp, bao bì đóng gói sử dụng nhiều, dẫn đến lượng rác thải lớn. Do đó, rất cần các vật liệu thân thiện môi trường, dễ phân hủy hoặc có thể tái chế. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn có thể gặp gỡ các doanh nghiệp khác để kết nối, cung ứng các sản phẩm của mình”.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP quốc tế ALPHARCO Phan Thị Ngọc chia sẻ: Thông qua việc tham gia sự kiện, công ty có thêm cơ hội giới thiệu quảng bá các sản phẩm dược phẩm thiên nhiên như bột nghệ đỏ, tinh nghệ vàng, trà túi lọc chè dây tới người tiêu dùng.
Được biết, đồng hành cùng sự kiện này thời gian tới Sở Công thương Hà Nội sẽ tổ chức chuỗi sự kiện: “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm làng nghề chứng nhận OCOP năm 2023” tại huyện Phú Xuyên; “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may - thời trang - điện tử, đồ gia dụng” tại quận Hà Đông và Long Biên…
Sản xuất và tiêu dùng bền vững đang từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; Tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; Duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội tìm hiểu các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường |
Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài thành phố Hà Nội năm 2019 tại Làng nghề Hạ Thái, Thường Tín; Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2020 cho nhóm ngành Mây tre đan, Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại huyện Chương Mỹ; Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành chế biến nông sản thành phố Hà Nội năm 2020 tại huyện Quốc Oai; Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành gốm sứ thành phố Hà Nội năm 2020 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho nhóm ngành Đồ gỗ mỹ nghệ - Nội thất năm 2022 tại quận Nam Từ Liêm; Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2022 tại huyện Thanh Trì,...
Thông qua những chương trình, hoạt động này đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Một số tổ chức, cá nhân đã có những hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: Từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững.