Sớm hoàn thiện mô hình, nâng cao hiệu quả hoạt động
Hiệu quả sau 5 năm thí điểm
Ngày 26/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền về mô hình tổ chức quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các bộ ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tháng 7/2022, Lực lượng chức năng quận Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 121 đường Nguyễn Khang |
Trước đó, theo Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đội quản lý trật tự xây dựng đô thị là tổ chức hành chính trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội, có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị.
Đội được trang bị phương tiện làm việc theo quy định của pháp luật, chịu sự chỉ đạo, quản lý của UBND cấp huyện và sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Xây dựng.
Nhiệm vụ của đội quản lý trật tự xây dựng đô thị là xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng(TTXD) đô thị trên địa bàn, phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật và theo quy định của UBND TP Hà Nội.
Đội này có quyền đề xuất Chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.
Theo báo cáo tổng kết 5 năm thí điểm mô hình, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được đánh giá là một mô hình hiệu quả. Bởi sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.
Các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận dần được hạn chế. Các công trình vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô vi phạm.
Cụ thể, so với cùng kỳ 4 năm trước khi thực hiện, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn thành phố tăng 2,9% (từ 96,59% lên 99,49%). Tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82% xuống 3,69%). Bên cạnh đó, số lượng công trình vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 trường hợp còn 2.811 trường hợp). Tỷ lệ công trình vi phạm đã giải quyết dứt điểm giảm 8,92% (từ 91,73% còn 82,81%).
Ưu điểm của mô hình thí điểm là tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; Nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Chức năng, nhiệm vụ của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, trách nhiệm, cơ chế tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã được quy định cụ thể, bảo đảm nguyên tắc 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”. Tình trạng chồng chéo chức năng hoặc né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng dần được hạn chế...
Rõ trách nhiệm, giảm chồng chéo
Mặc dù công tác quản lý Nhà nước về TTXD đô thị đã đạt nhiều kết quả tích cực kể từ khi thí điểm mô hình Đội Quản lý TTXD đô thị thuộc quản lý của UBND quận, huyện, thị xã nhưng hình thức vi phạm lại diễn biến phức tạp.
Mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã ngày càng phát huy hiệu quả |
Theo ông Hoàng Cao Thắng, mô hình thí điểm còn bất cập trong quá trình thực hiện: Khó khăn trong việc sắp xếp bộ máy và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Tổ chức bộ máy không ổn định; Các đội không được hưởng phụ cấp ngành, không có trang phục ngành...
Nhận thức rõ về giá trị bài học trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, trong vài năm trở lại đây quận Ba Đình đặc biệt quan tâm đến công việc này.
Theo ông Vũ Hữu Anh, Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng quận Ba Đình, Đội chỉ có 41 biên chế, quản lý trật tự xây dựng 14 phường nên mỗi cán bộ, công chức thuộc Đội quản lý trật tự xây dựng quận Ba Đình phải làm việc khá vất vả.
Địa bàn quận Ba Đình ngoài các khu phố cũ, khu tập thể còn có cả đất nông nghiệp, đất bờ bãi sông Hồng nên nguy cơ phát sinh vi phạm trật tự xây dựng là rất lớn. Để ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng, Đội đã phân công rõ từng người phụ trách địa bàn; Làm rõ trách nhiệm đối với công chức bao che cho sai phạm... Theo đó, từ 10/8/2018 đến 10/8/2022 tổng số công trình phát sinh xây dựng trên địa bàn quận Ba Đình là 2.157 công trình. Trong số đó, số công trình có vi phạm là 20 công trình.
Đội đã tham mưu với Ủy ban Nhân dân quận ra 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 432 triệu đồng. Đến nay đã giải quyết được 16 công trình, đang tiếp tục giải quyết 4 công trình theo quy định.
Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thực sự trở thành lực lượng nòng cốt giúp Ủy ban Nhân dân quận trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị từ khâu kiểm tra, thiết lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý đến việc tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Cũng theo ông Vũ Hữu Anh nhận định nên giữ nguyên được mô hình như hiện nay, vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định. Vì địa phương quản lý Đội, sẽ phân định rõ được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý trật tự xây dựng, hạn chế được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm như mô hình trước khi thí điểm.
Ghi nhận những kết quả tích cực của mô hình, ông Chu Hồng Uy - Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đánh giá, đây là mô hình đang phát huy hiệu quả tốt, cơ bản phù hợp thực tế. Thời gian thí điểm đã kéo dài một lần, vì vậy, thời gian tới, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ cần tham mưu thành phố sớm đề xuất bổ sung một tổ chức hành chính như Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị vào Luật Thủ đô đang đề xuất sửa đổi hiện nay, để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện phù hợp.