Sách “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì” của Alexander Dyukov ra mắt tại Việt Nam
Giao lưu ra mắt sách "Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ" chào mừng Ngày sách Việt Nam |
"Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì" của tác giả - nhà sử học Alexander Dyukov (Viện hàn lâm khoa học Nga) thuật lại một cách chi tiết tội ác quy mô lớn được hoạch định trước - đó là cuộc “chiến tranh hủy diệt” của Đức Quốc xã chống lại Liên Xô và các dân tộc sống trên lãnh thổ này trong lịch sử.
“Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì” của Alexander Dyukov |
Cuốn sách nói về nạn diệt chủng do Đức Quốc xã và đồng bọn của chúng thực hiện trên những vùng lãnh thổ Liên Xô bị chiếm đóng. Về những kế hoạch của Đức Quốc xã và việc thực hiện chúng, về việc sát hại những tù binh Xô viết và người Do Thái, về việc bài Slav, chống Cộng và chủ nghĩa bành trướng thuộc địa, về nạn đói được hoạch định sẵn và những chiến dịch tiễu phạt, về bạo lực hằng ngày đối với thường dân.
Quyển sách có chín chương, mỗi chương đều diễn tả một cách chân thực nhất sự hủy diệt của quân đội Đức đối với nhân dân, quân lính Liên Xô. Bản Việt ngữ do hai dịch giả Phan Xuân Loan và Phạm Ngọc Thạch chuyển ngữ, mang giá trị tham khảo, tham chiếu cho các nhà sử học và độc giả nhiều thế hệ muốn tìm hiểu sâu sắc giai đoạn Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở Liên Xô (trước đây) trong Thế chiến II.
Trong thư gửi đến độc giả Việt Nam, tác giả Alexander Dyukov viết: “Cuốn sách "Người Xô viết đã chiến đấu vì điều gì" của tôi ra mắt lần đầu năm 2007, kể từ đó đã qua 5 lần tái bản tại Nga (ấn phẩm & ebook), được hàng trăm ngàn người đọc và đến nay vẫn còn được thảo luận sôi nổi. Cuốn sách nhận được mối quan tâm như thế của độc giả là vì nó thuật lại chi tiết lịch sử một tội ác quy mô lớn được hoạch định trước - đó là cuộc “chiến tranh hủy diệt” của Đức Quốc xã chống lại Liên Xô và các dân tộc sống trên lãnh thổ này.
Dịch giả Phan Xuân Loan |
Theo đuổi các mục tiêu của mình, cuộc chiến tranh của Đức Quốc xã chống Liên Xô đã vượt ra ngoài khuôn khổ những xung đột vũ trang cổ điển. Các yếu tố then chốt của ý thức hệ Quốc xã như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, bài Slav, chống Cộng và chủ nghĩa bành trướng thuộc địa đều hướng đến các mục tiêu cụ thể, đó là: Thủ tiêu nhà nước Liên Xô; Xâm chiếm các vùng lãnh thổ mới, tiếp đó thực dân hóa và cai trị theo quan điểm mở rộng “không gian sống” của nước Đức.
Để thực hiện những mục tiêu này, ở giai đoạn chuẩn bị tấn công Liên Xô, giới lãnh đạo chính trị, kinh tế và quân sự Đức Quốc xã đã soạn thảo và truyền đạt tới những lực lượng thực thi các văn bản chỉ thị đặc biệt, cho phép: thủ tiêu về thực thể các nhóm “thù địch”, được coi là những kẻ bảo vệ chế độ Xô viết (trước hết bao gồm các quan chức chính phủ, các nhà hoạt động đảng phái và người Do Thái phục vụ trong các cơ quan nhà nước); Quân đội Đức không bị trừng phạt cho dù sử dụng bạo lực quá mức cho phép đối với các tù binh chiến tranh và thường dân Liên Xô (người Slav và trên hết là người Do Thái); Gây ra nạn chết đói hàng loạt cho các tù binh chiến tranh và thường dân vô tội (cả người Do Thái lẫn người Slav).
Dịch giả Phạm Ngọc Thạch |
Các văn bản ấy đã xác định trước bản chất của tội ác của Đức Quốc xã trên lãnh thổ Liên Xô bị chiếm đóng; Cùng với nhiều đồng nghiệp của mình, tôi tin rằng hành động Đức Quốc xã là một cuộc diệt chủng đã được lên kế hoạch.
Ký ức về nạn diệt chủng này vô cùng quan trọng đối với người Nga; Nhờ đó mà chúng tôi hiểu được vì sao cuộc chiến này đối với cha ông chúng tôi là cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”.
Sách do NXB Trẻ ấn hành.