Rác thải nhựa bủa vây khắp ngõ chợ
Các tiểu thương ở chợ vẫn chủ yếu dùng túi ni lông đựng đồ cho khách
Bài liên quan
“Khách sạn” côn trùng ở trang trại bò sữa
Chất lượng nước tại nhà máy nước Hạ Đình vẫn đạt tiêu chuẩn
Quận Đống Đa (Hà Nội) triển khai ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa
Kết quả quan trắc môi trường mới nhất tại khu vực cháy Công ty Rạng Đông
Khẩn trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư
TMV tiếp tục triển khai Chương trình “Toyota chung tay xanh hóa học đường”
Những con số đáng báo động
Các sản phẩm nhựa ra đời đã mang lại không ít tiện ích cho con người. Tuy nhiên, việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy. . Chất thải nhựa và ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan - những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Vì vậy, giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và ni lông khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Túi ni lông vương vãi khắp nơi |
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ 27% trong số này được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới.
Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tại Việt Nam, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, rác thải nhựa được sử dụng một cách tràn lan. Tại Hà Nội, mỗi ngày thành phố thải ra 4.000-5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm 7-8%. Tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông/ngày. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng". Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá.
Ăn uống trong nhựa và sống với... rác thải nhựa
Hầu hết các chợ, siêu thị, cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh… đều đang sử dụng hộp nhựa, túi ni lông tràn lan. Những sản phẩm này có giá rất rẻ, cốc nhựa chỉ khoảng 10.000 – 20.000 đồng/túi 50 chiếc, ống hút 5.000 -10.000 đồng/túi 100 chiếc.
Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa, túi ni lông có mặt ở khắp mọi nơi. Nhu cầu sử dụng nhiều trong khi ý thức của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải từ nguồn chưa cao dẫn đến lượng rác thải từ nhựa và túi nilon thải ra môi trường ngày càng gia tăng.
Chị Trần Phương Loan (32 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Buổi trưa chúng tôi thường gọi cơm về văn phòng ăn. Hầu hết họ đựng thức ăn vào hộp nhựa và túi ni lông, chứ bảo chúng tôi mang hộp đựng thức ăn đi cũng ngại. Dùng hộp nhựa một lần, ăn xong thì vứt đi, không phải rửa lích kích. Tôi thấy, đồ nhựa vẫn tiện lợi, chỉ là chúng ta biết cách phân loại rác và tiêu huỷ đúng cách thôi”.
Từ chỗ tiện lợi, dùng xong rồi vứt, lượng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần ngày một gia tăng, vương vãi khắp nơi từ ngõ ngách đến những con đường quốc lộ.
Khảo sát tại một số khu chợ trong nội thành Hà Nội, nhiều người sẽ lý giải được phần nào câu hỏi: “Rác thải nhựa từ đâu mà ra?”. Quan sát 30 phút trước cổng chợ Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội), cứ một người đi ra khỏi chợ là mang theo tối thiểu từ 3 – 5 chiếc túi ni lông đựng đồ, thậm chí có người còn xách hàng chục chiếc túi ni lông và hộp nhựa đựng thức ăn nhanh. Ngay tại các xe bán hàng rong ngoài đường, các sản phẩm từ nhựa dùng một lần như túi ni lông, ly nhựa, ống hút nhựa, chai nhựa, hộp xốp cũng chủ yếu dùng để gói đồ ăn cho khách. Rác thải nhựa xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Rác thải nhựa sẽ đi về đâu? Câu trả lời không chỉ ở bãi rác mà có thể trong lòng cống, vượt dòng sông ra đại dương hoặc một nơi mà ta không thể nhìn thấy. Tất cả những loại rác thải trên không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, không phân loại theo từng loại rác thải. Riêng vùng nông thôn, người dân thường có thói quen đốt rác, đào hố chôn hoặc đổ rác ra môi trường bên ngoài. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Chị Nguyễn Thị Thoan (một tiểu thương ở chợ X22, Vũ Xuân Thiều, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ cứ phát động phong trào là không dùng túi ni lông nhưng khách hàng phải mang túi đựng đi thì chúng tôi mới thực hiện được. Vì chúng tôi bán hàng mà không có túi đựng cho khách khi họ yêu cầu thì cũng không được. Tôi thấy dạo gần đây có nhiều người đã hưởng ứng tích cực hơn với phong trào không dùng túi lông. Một vài người đã mang hộp đi mua đậu, mang bát đi mua cháo. Một số chị còn kể rằng, giờ mang túi ni lông đi chợ là chồng mắng.
Tiếc là số lượng người mang đồ đựng đi chợ như thế chỉ chiếm số ít. Nhiều người vẫn thích cho túi ni lông, bỏ đồ vào tủ lạnh cho tiện. Mỗi ngày bán hàng, tôi dùng hết 2 kg túi ni lông, tức là khoảng mấy trăm cái túi, hết 80 nghìn đồng. Nếu mọi người không dùng túi ni lông nữa thì sẽ đỡ lãng phí rất nhiều”.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019