Đồng bộ giải pháp xanh hóa "ô nhiễm trắng" trong thương mại điện tử
Giải mã bối cảnh thương mại điện tử ở Trung Quốc và Nhật Bản Phát triển thương mại điện tử: Cơ hội, động lực và thách thức Cần thêm các giải pháp mạnh mẽ để “xanh hóa” thương mại điện tử |
Trách nhiệm của các bên liên quan
Luật Bảo vệ môi trường đã xác định cộng đồng doanh nghiệp (DN) là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Để vừa phát triển kinh tế, vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm do chất thải bao bì nói riêng, trong những năm gần đây, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn; hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững; tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường... Tất cả nhằm mang lại các giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường.
Các tổ chức chung tay giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa |
Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các DN trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, từ 1/1/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cmx50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường; giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; tiến tới sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. |
Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhiều sàn thương mại điện tử và người kinh doanh chưa chú trọng nhiều đến những quy định này.
Doanh nghiệp vừa phải “chiều lòng” người mua, từ hình thức đến chất lượng sản phẩm, vừa phải ưu tiên giảm chi phí bao bì tối đa. Vì vậy, để sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường chắc chắn vừa tốn công, vừa tăng chi phí. Đồng thời, cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ cao rất khốc liệt. Từ đó, các đơn vị này có xu hướng trì hoãn việc bảo vệ môi trường và giảm sử dụng bao bì, vật liệu nhựa.
Theo ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, mục đích cao nhất trong kinh doanh đó là lợi nhuận. Các doanh nghiệp lớn như Lazada, VNPost… đã quan tâm đến giảm thiểu rác thải nhựa, còn các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa có nhiều hành động giảm nhựa trong đóng gói hàng hóa.
Để vận chuyển hàng hóa, các đơn vị kinh doanh phải sử dụng nhiều bao bì nhựa, băng keo, thùng carton… vốn gây ô nhiễm môi trường nặng nề |
Chia sẻ về việc sử dụng sản phẩm nhựa trong đóng gói sản phẩm, chị Nguyễn Thị Thu, chủ một shop bán hàng trên Shopee cho biết: “Thời gian đầu kinh doanh, chúng tôi bị khách hoàn hàng rất nhiều vì hàng đến tay khách có hư hại. Nguyên nhân là do quá trình vận chuyển các shipper không làm cẩn thận dễ gây ra trầy xước, móp méo, thậm chí vỡ, hỏng hàng.
Vì thế, chúng tôi thường rất cẩn thận trong việc đóng gói và đều bọc thêm xốp bóng khí. Hầu hết các shop bán hàng trực tuyến đều phải làm thế thì hàng mới được đảm bảo”.
Khi được hỏi về phương án giảm thiểu rác thải nhựa trong quá trình đóng gói sản phẩm, chị Thu thẳng thắn thừa nhận là rất muốn nhưng hiện tại không có phương án thay thế khả thi.
“Nếu có vật liệu khác có thể thay thế túi bóng khí và có tác dụng tương đương, giá thành rẻ, lại bảo vệ môi trường thì đương nhiên chúng tôi sẽ ưu tiên sử dụng”, chị Thu nói.
“Người trong cuộc” chung tay hành động
Các chuyên gia cho rằng, khi doanh nghiệp gắn với hình ảnh bảo vệ môi trường sẽ được cộng đồng chú ý và “sát sao” với hành động của họ. Hình ảnh công ty sẽ được phủ rộng, đó cũng là "lãi" của doanh nghiệp.
Hiểu được điều đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam đang triển khai một số hoạt động giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đơn cử, Co.op mart đã tiên phong thay túi ni lông khó phân hủy thông thường bằng túi nilong thân thiện với môi trường; ngưng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa.
Nhãn hàng Milo thuộc Công ty Nestlé Việt Nam cũng chủ động trong việc nói không với ống hút nhựa. Ước tính việc sản xuất ống hút giấy giúp giảm được gần 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
Các doanh nghiệp chung tay giảm thiểu rác thải nhựa từ các sản phẩm thay thế |
Tương tự, J&T Express cũng có những biện pháp để bảo vệ môi trường. Theo ông Phan Bình, Giám đốc thương hiệu J&T Express, với mục tiêu phát triển bền vững, xanh hóa trong vận hành, J&T Express đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau.
Công ty đang có những sáng kiến kêu gọi người tiêu dùng, chủ shop và các shipper chung tay thực hành bảo vệ môi trường sống, hạn chế tối đa những tác động không mong muốn đến môi trường.
Trong chuỗi giải pháp đưa ra, J&T Express chọn ưu tiên sáng kiến “Xanh trong khâu vận hành”. Từ đầu tháng 10/2023, J&T Express đã đưa 3 triệu túi sinh thái vào sử dụng tại các trung tâm trung chuyển trên toàn quốc thay cho túi nhựa thông thường.
Quyết định này đã giúp hạn chế lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường bởi túi sinh thái có thể tái sử dụng nhiều lần, có khả năng tự phân hủy và đặc biệt giúp giảm được 169g khí thải carbon so với việc sử dụng túi dệt thông thường.
Hằng năm, J&T Express đều có các chương trình đào tạo, giới thiệu các giải pháp tiết kiệm năng lượng, lái xe an toàn dành cho shipper. Thông qua chương trình, các tài xế được trang bị kỹ năng để giảm tiêu hao nhiên liệu trong quá trình lái xe thêm tới 10%, một con số ấn tượng đồng nghĩa với việc giảm tác động đến môi trường. Hãng cũng đã tích cực áp dụng công nghệ vào các khâu vận hành để rút ngắn lộ trình giao hàng giúp giảm thiểu lượng phát thải CO2 ra môi trường.
Ngoài ra, J&T Express kêu gọi shipper cùng nhân viên tập thói quen giảm thiểu rác thải nhựa một lần trong sinh hoạt và quá trình giao nhận. Năm 2023, J&T Express đã thực hiện chiến dịch “Kiến tạo tương lai xanh” thu gom được 1,5 tấn rác thải nhựa và tái chế thành những bộ bàn ghế đầy màu sắc để trao tặng đến các trường học.
Trong kế hoạch dài hạn, J&T Express hướng đến việc thực thi các giải pháp toàn diện hơn như nâng cao tiêu chuẩn đóng gói xanh thân thiện với môi trường, áp dụng quy trình thu hồi tái chế, logistics ngược…
Bên cạnh các hành động của doanh nghiệp thương mại và vận chuyển, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi, đóng gói bao bì bằng các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường cũng là vấn đề cần được các sàn thương mại điện tử và người kinh doanh trực tuyến quan tâm, có kế hoạch, lộ trình thực hiện.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) đề xuất, cần tuyên truyền trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gắn việc bảo vệ môi trường với hình ảnh, uy tín kinh doanh và thu hút người tiêu dùng thông minh. Doanh nghiệp cần đánh giá các rủi ro khách hàng quay lưng khi họ thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Theo ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cần đưa quy cách đóng gói thành tiêu chuẩn để các doanh nghiệp áp dụng. Ví dụ, sách vở hay những sản phẩm đã đóng hộp thì không cần phải nhiều lớp bọc.
Cùng với đó, người tiêu dùng cần ủng hộ những doanh nghiệp có hành động giảm thiểu rác thải nhựa và đây chính là động lực để doanh nghiệp chuyển đổi vì môi trường.