Quảng Nam: Xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 13 địa phương
Bệnh Viêm da nổi cục trên bò (Ảnh: Minh họa) |
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam, tính đến ngày 10/5/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 473 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, số bò mắc bệnh chết, tiêu hủy theo quy định là 31 con (trọng lượng tiêu hủy là 4.735kg).
Hiện, dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan rộng, nhất là tại các địa phương: Điện Bàn (124 con mắc bệnh/105 hộ/9 xã có dịch), Đại Lộc (121 con mắc bệnh/94 hộ/12 xã có dịch), Núi Thành (62 con mắc bệnh/37 hộ/13 xã).
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam, nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, nhân viên thú y hành nghề không được chính quyền địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về Thú y; Không thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước và sau khi đến hộ có dịch. Người chăn nuôi chưa chủ động trong việc áp dụng các biện pháp để ngăn chặn côn trùng.
Việc cách ly gia súc non mắc bệnh gặp nhiều khó khăn do đang còn giai đoạn bú sữa mẹ. Nhiều địa phương thực hiện công bố dịch chậm, chờ gộp nhiều xã có dịch công bố một lần, thiếu kiểm tra việc thực hiện các biện pháp sau khi công bố dịch.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, không đến nơi đến chốn. Các địa phương đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, người chăn nuôi chăn thả tự do gia súc ra đồng ruộng. Số trâu, bò lành bệnh lâm sàng chưa được quản lý chặt chẽ, chăn thả chung.
Nhiều địa phương cấp xã không có nhân viên thú y xã; Vướng mắc về quy định sử dụng kinh phí theo phân cấp ngân sách, địa phương không có cơ sở để bố trí kinh phí mua vắc xin phòng, chống dịch, chưa tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch…
Ảnh minh họa |
Theo đó, để chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết và phòng chống bệnh viêm da nổi cục, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng dịch bằng vôi bột, hóa chất nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; Thực hiện các biện pháp tiêu diệt côn trùng, dùng lưới để ngăn chặn côn trùng hút máu truyền bệnh từ gia súc mắc bệnh sang gia súc khỏe mạnh; Nuôi nhốt trâu, bò tại khu vực có gia súc mắc bệnh, không chăn thả gia súc ra đồng ruộng, những bãi chăn chung…
Các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi (không kê khai hoạt động chăn nuôi, vi phạm quy định về điều kiện sản xuất, mua bán trâu, bò để nuôi sinh sản, nhân giống…).
Hộ chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò chủ động mua vắc xin tiêm phòng cho đàn trâu, bò; tỷ lệ tiêm phòng phải đảm bảo đạt tối thiểu 80% số lượng gia súc.