Quảng Nam: Chính quyền xã cho doanh nghiệp "xẻ thịt" đất đồi trái phép tại Bồ Bồ
Đồi thông hàng chục năm tuổi bị doanh nghiệp cho máy móc vào khai thác đất trái phép cạnh Di tích lịch sử văn hóa Đá Chùm (Ảnh: V.Q) |
Sáng 24/3, UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho biết, đơn vị đang yêu cầu các phòng liên quan vào cuộc kiểm tra, xử lý tình trạng chính quyền xã Điện Tiến ngang nhiên cho doanh nghiệp "xẻ thịt" đất đồi trái phép cạnh di tích lịch sử văn hóa Đá Chùm.
Đồi thông bị "xẻ thịt" không thương tiếc
Nhiều tháng nay, người dân sinh sống quanh khu vực trường bắn Bồ Bồ, thôn Châu Sơn 1, xã Điện Tiến tỏ ra bất ngờ và không hiểu vì sao khu đồi thông có diện tích gần 1ha (đối diện di tích lịch sử văn hóa Đá Chùm) bị doanh nghiệp cho xe múc, xe tải, xe ben ra vào khai thác, vận chuyển đất đồi giữa ban ngày, nhưng không bị xử lý.
Hàng chục năm trở lại nay, đây là khu vực có trường bắn, bia di tích cách mạng nên người dân địa phương có truyền thống giữ gìn diện tích rừng thông, tránh bị chặt phá, gây xâm hại môi trường. "Doanh nghiệp thản nhiên cho xe múc vào phá hàng chục cây thông rồi múc đất đồi lên xe tải suốt cả ngày. Cứ thế, hàng ngàn mét khối đất bị vận chuyển đi nơi khác một cách công khai, gây sạt lở. Việc vận chuyển đất cũng khiến mặt đường bê tông qua thôn trở nên nham nhở và nhếch nhác vì ô nhiễm, chưa kể gây nguy cơ tai nạn.
Có thông tin, doanh nghiệp vận chuyển đất qua bên kia đồi để làm đường giao thông, nhưng bà con lại thấy họ cho xe tải vận chuyển đất đi chỗ khác để san lấp nền và không có ai giám sát", bà N.H sinh sống tại đây kể.
Đồi thông bị khai thác không thương tiếc (Ảnh: V.Q) |
Sáng 24/3, phóng viên có mặt tại hiện trường khai thác đất đồi do một đơn vị hợp đồng với UBND xã Điện Tiến thực hiện. Từ phía trên di tích lịch sử văn hóa Đá Chùm qua trường bắn, khu đồi thông rộng gần 1ha đã bị "xẻ thịt" nham nhở. Nhiều khu vực rừng thông bị đào trơ gốc, bên dưới là hố sâu hàng chục mét do đã bị múc đất, vận chuyển đi nơi khác.
Điều đáng nói, khu vực khai thác đất trái phép lại nằm cạnh trường Bắc Bồ Bồ của Ban Chỉ huy quân sự thị xã càng khiến người dân thêm bức xúc về việc quản lý của địa phương, khiến nguồn tài nguyên bị "xẻ thịt", gây mất an ninh, trật tự.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều khu vực, đất đồi cao hơn 20m đã bị doanh nghiệp san phẳng ra đến phần mặt đường bê tông để tận dụng việc lấy mặt bằng cho xe tải vận chuyển đất.
Chủ tịch UBND xã thừa nhận sai, UBND thị xã chỉ đạo kiểm tra
Sáng cùng ngày, làm việc với phóng viên tại trụ sở UBND xã, ông Lê Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Điện Tiến thừa nhận việc doanh nghiệp cho phương tiện vào khai thác đất trước Di tích lịch sử văn hóa Đá Chùm là sai.
"Địa phương đứng ra hợp đồng với một chủ doanh nghiệp để khai thác đất, phục vụ thi công đường liên thôn (dài 500m) nối Tỉnh lộ 605 qua HTX Nông nghiệp 2 kể từ cuối năm 2020 đến nay. Chúng tôi dự kiến khai thác hơn 5.000m3 đất đồi khi chưa được thị xã, UBND tỉnh cho phép là không đúng.
Tuy nhiên, chúng tôi làm vì cái chung và người dân đa phần đồng tình, chỉ có một số trường hợp là phản đối. Nếu dừng khai thác giữa chừng, chúng tôi có thể sẽ bị người dân chửi", ông Sỹ phân trần.
Lãnh đạo địa phương đến hiện trường khai thác đất (Ảnh: V.Q) |
Ông Sỹ cho rằng, trong năm 2021, địa phương sẽ triển khai thực hiện 4 khu dân cư (kiểu mẫu) nên rất cần một lượng lớn đất để làm đường (khoảng 500.000m3).
"Việc khai thác có lực lượng cựu chiến binh của xã giám sát nhằm tránh việc doanh nghiệp vận chuyển đất đi nơi khác san lấp nền. Hiện công trình tại đường Rideep đang trong quá trình thi công và chưa được nghiệm thu nên địa phương chưa xác định được khối lượng đất đã khai thác.
Chúng tôi khai thác đất đồi này nhằm tạo mặt bằng để làm khu dân cư. Đây là khu vực đất đồi hoang chứ không phải đất rừng như người dân phản ánh", ông Sỹ nói.
Thông bị bật gốc và nằm trơ trọi (Ảnh: V.Q) |
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Tiến, cho rằng: "Trước đây, địa phương có làm tờ trình gửi lên UBND thị xã để xin ý kiến về việc khai thác đất đồi nhưng chưa được chấp thuận.
Đây là khu vực đồi, việc khai thác đất chỉ được thực hiện khi đã có giấy phép của tỉnh nên địa phương phải đợi rất lâu. Do vậy, địa phương vừa khai thác vừa làm thủ tục xin giấy phép".
Theo ông Thanh, hiện quá trình khai thác đất đã được tạm dừng, các xe tải, xe ben không còn vận chuyển đất ra khỏi công trường.
Khu vực khai thác đất nằm ngay Di tích lịch sử văn hóa Đá Chùm (Ảnh: V.Q) |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Vỹ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Điện Bàn, thông tin: "Việc khai thác đất đồi tại xã Điện Tiến như trên chắc chắn chưa có giấy phép. Đơn vị đang chờ chỉ đạo từ UBND thị xã để làm cơ sở vào cuộc phối hợp với đơn vị liên quan lên hiện trường".
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, đã tiếp nhận thông tin của người dân địa phương và đang giao cho các phòng liên quan vào cuộc kiểm tra.
Theo người dân, trong thời gian qua, doanh nghiệp khai thác đất còn ngang nhiên vận chuyển đất đi san lấp nền cho nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó có nhiều người dân là người thân của cán bộ xã. Nhiều khu vực san lấp nền có đất được cho là của cán bộ đang làm tại thị xã.
Ông Phan Hà, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, xác nhận: "Việc UBND xã Điện Tiến thực hiện khai thác đất đồi khi chưa có giấy phép như thông tin phóng viên phản ánh là sai với quy định về Luật Khoáng sản. Trước khi được đưa vào khai thác, khu vực khai thác khoáng sản phải nằm trong quy hoạch. Cá nhân, tổ chức muốn khai thác thì phải hoàn thành các thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản và được HĐND, UBND tỉnh thông qua, cấp giấy phép theo quy định. Việc cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép thường đổ lỗi cho việc làm giấy phép mất thời gian là vấn đề không thể chấp nhận được". |