Phú Thọ: Sông Đà cạn nước, người dân nuôi cá lồng lâm cảnh nợ nần
Nước sông Đà cạn do điều kiện khí hậu thay đổi, chuyển dịch dòng chảy
Bài liên quan
Tìm giải pháp quản lý tài nguyên nước toàn diện
Cá lồng mắc cạn
Tại huyện Thanh Thủy có hàng trăm lồng cá của các hộ dân được nuôi dọc trên sông Đà, trong đó Xuân Lộc là địa phương nuôi nhiều nhất với gần 150 lồng cá. Tuy nhiên, thời gian gần đây các hộ dân nuôi cá lồng nơi đây đang lao đao bởi nước sông Đà liên tục rút mạnh khiến những lồng cá rơi vào cảnh mắc cạn, thiếu nước trầm trọng.
Anh Dương Tiến Dũng ở khu 5, xã Xuân Lộc, chủ của 17 lồng cá ngậm ngùi: “Từ tháng 7/2019 đến nay, nước sông Đà liên tục xuống thấp khiến hàng chục lồng cá của người dân bị mắc cạn, gây khó khăn cho người nuôi, thậm chí có hộ đã phải bỏ nghề mặc dù còn nợ vốn rất nhiều”.
Lãnh đạo xã Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ đi thị sát tại các lồng nuôi cá |
Ông Đặng Văn Luyện, khu 5, xã Xuân Lộc chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi có 22 lồng cá nhưng trong vài năm gần đây, do mực nước sông Đà xuống quá thấp nên gia đình chúng tôi phải gỡ bỏ hoàn toàn để di chuyển xuống hạ nguồn và chấp nhận bỏ 12 lồng cá vì chưa đủ kinh phí đầu tư lại. Việc di chuyển xuống vị trí mới đã giúp gia đình tôi cứu nguy được cho 9 lồng cá, cũng coi như vớt vát được phần nào thiệt hại cho mức thu gia đình. Tuy nhiên, việc di chuyển này bước đầu cũng gặp khó khăn do kinh phí còn hạn hẹp nên việc đầu tư chưa được cao, khu vực nuôi cá lại cách xa nhà khiến việc nuôi và chăm sóc cá gặp nhiều khó khăn...”
Tìm giải pháp cứu nguy
Trước tình trạng nghề nuôi cá lồng gặp nhiều khó khăn và người dân đối diện với cảnh nợ nần, thiếu vốn đầu tư, chính quyền địa phương cũng đang tìm phương án để cứu nguy cho nghề nuôi cá lồng và giải pháp giúp cho các hộ nuôi cá thoát khỏi khó khăn.
Ông Phương Văn Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc |
Trao đổi với PV, ông Phương Văn Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết: “Xã Xuân Lộc có 8 hộ gia đình chăn nuôi cá lồng trên sông Đà với tổng số 150 lồng cá, bắt đầu từ năm 2013 đến nay. 3 năm gần đây, do điều kiện khí hậu thay đổi, chuyển dịch dòng chảy nên việc chăn nuôi cá lồng gặp nhiều khó khăn và gây ra thiệt hại tương đối lớn cho bà con. Đặc biệt, năm nay hạn đến sớm nên bà con càng thiệt hại lớn hơn vì chưa đến thời điểm thu hoạch thì các lồng cá gần như mắc cạn”.
Ông Dự nói tiếp: “Ước tính thiệt hại của việc nuôi cá lồng từ năm 2017 đến nay lên đến hàng tỷ đồng cho các hộ dân của địa phương. Trước tình hình này, chúng tôi cũng đề ra các giải pháp để khắc phục thiệt hại cho bà con địa phương bằng cách khuyến khích, động viên bà con chuyển đổi ngành nghề khác. Còn đối với những hộ gia đình vẫn muốn theo nghề nuôi cá lồng thì cần có biện pháp dịch chuyển lồng cá xuống vị trí có nước hoặc chuyển đổi sang hình thức nuôi lồng cá ở ao. Giải pháp của chính quyền xã là trước mắt cho kê khai thiệt hại của từng hộ gia đình rồi có ý kiến lên ngân hàng chính sách để ra hạn nợ, khoanh nợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại. Như vậy để cho người dân có giải pháp xoay vòng vốn để phát triển việc nuôi cá và chi trả nợ nần”.
Đoạn sông nuôi cá, mực nước chỉ ở mức thấp, khoảng 20cm |
Theo tổng hợp của Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ, dọc trên tuyến sông Đà có 382 lồng cá được nuôi dọc trên sông Đà tại 2 huyện Thanh Thủy và Thanh Sơn, trong đó xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy là Cụm nuôi cá lồng nhiều nhất với tổng số 150 lồng cá. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu thay đổi, chuyển dịch dòng chảy của 3 năm trở lại đây nên tại Cụm nuôi tại xã Xuân Lộc huyện Thanh Thủy bị mắc cạn với tổng số là 27 lồng cá của 3 hộ gia đình.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ cho biết: “Để khắc phục được tình hình các lồng cá trên sông Đà bị mắc cạn thì Chi cục Thủy sản Phú Thọ đang phối hợp cùng UBND huyện Thanh Thủy, UBND xã Xuân Lộc tìm giải pháp để khắc phục các lồng đã rơi vào tình trạng mắc cạn, còn số lồng cá còn lại cũng vẫn có nguy cơ vì cát ngày càng bồi sang bên tả ngạn thuộc địa phận huyện Thanh Thủy. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo bà con chuyển dịch mô hình chăn nuôi cá lồng về vị trí hạ nguồn, nơi có đủ lượng nước để chăn nuôi cá lồng. Tiếp đó, các hộ gia đình nuôi cá lồng cân đối số cá lớn thì xuất bán kịp thời, cá bé thì chuyển về ao tiếp tục nuôi cho kịp thời gian xuất bán”.
Để tiếp tục duy trì việc chăn nuôi cá lồng trên sông Đà, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ cùng các cấp chính quyền cần đưa ra những giải pháp hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân để tiếp tục khắc phục được những khó khăn trước mắt và phát triển nghề nuôi cá lồng về lâu dài.
Tình trạng nước sông Đà tiếp tục bị hạn như thế này đã khiến cho chi phí chăn nuôi tăng, sản lượng cá giảm, nhiều hộ có nguy cơ “cụt vốn” và không tái đàn, cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị liên quan về kinh phí, vốn vay và kỹ thuật ứng phó với tình trạng này kéo dài… Tình cảnh này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi cá lồng của người dân nơi đây. Vì vậy, rất cần cơ quan chức năng tìm ra giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên…