Phó Chủ tịch xã đồng hành cùng nhân dân thoát nghèo
Chị Nông Thị Uyến, Phó Chủ tịch xã Yến Dương (bên trái) cùng người dân kiểm tra cây bí thơm
Bài liên quan
Nhân Dân điện tử ra mắt giao diện mới hội tụ 3 giá trị "Chuẩn mực - hiện đại - thân thiện"
Tăng cường công tác phòng, chống dịch, bệnh bạch hầu
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Thành công của các doanh nghiệp chính là thành công của thành phố
Khó khăn, thách thức là tiền đề tạo sức bật mới cho tăng trưởng
Ngay khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chị Uyến khăn gói trở về quê hương. Với mong muốn góp phần xây dựng quê hương, chị quyết định tham gia Dự án "600 Phó chủ tịch xã".
Khi phỏng vấn vào dự án cũng là lúc chị Uyến đang mang thai tháng thứ 7. Chị trúng tuyển và được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước 3 tháng trước khi về cơ sở. Quá trình học tập và bảo vệ đề án cũng là lúc chị sinh em bé.
“Mình sinh mổ tại bệnh viện được một tuần thì phải đi bảo vệ đề án. Do thời tiết rất lạnh và đường xa (bồi dưỡng tại tỉnh Cao Bằng) nên mình để con lại cho gia đình chăm sóc 4 ngày liền. Đó là kỷ niệm mình không bao giờ quên và càng quyết tâm làm tốt công việc để bù đắp lại sự hy sinh đó”, chị Uyến tâm sự.
Là Phó Chủ tịch xã không phải cơ sở tín nhiệm đưa lên mà do thực hiện thi tuyển theo đề án nên chị Uyến gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó cấp ủy, chính quyền và bà con chưa tin tưởng, thậm chí nghi ngờ về năng lực của chị. Hơn nữa, khi tham mưu triển khai một số mô hình phát triển kinh tế, chị rất khó tiếp cận, vận động người dân tham gia. Vận động được bà con tham gia chị lại gặp điều kiện thời tiết bất lợi nên càng khó khăn trong thực hiện.
Với sự tâm huyết, trách nhiệm, chị Nông Thị Uyến đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo |
Tuy nhiên, sự tâm huyết, trách nhiệm đã giúp chị Uyến có cách tháo gỡ khó khăn. Thay vì ngồi ở phòng làm việc, chị thường về các thôn bản tiếp xúc người dân và tìm hiểu thực tế cuộc sống bà con dân tộc, từ đó xây dựng các dự án, mô hình phát triển kinh tế.
Xã Yến Dương nơi chị Uyến công tác chủ yếu là bà con dân tộc Tày và Dao, trình độ nhận thức còn thấp. Vì thế, khi triển khai một mô hình kinh tế chị phải 5 lần 7 lượt, gặp từng người dân tuyên truyền, vận động.
Trong đó, mô hình trồng khoai tây vụ đông, chị phải xuống thôn, bản vận động 5 lần bà con mới chịu làm theo. Mô hình trồng cây lê ứng dụng công nghệ cao, chị Uyến phải theo đuổi 3 năm trời mới đạt được kết quả. Cây lê trồng ở độ cao từ 600m trở lên mới thích hợp phát triển. Vì thế, chị đã chọn thôn Nạp Tài để trồng với 8 hộ dân làm thí điểm, trong đó 6 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo.
“Thời gian đầu vận động người dân rất khó, vì họ vẫn quen với kiểu làm ăn manh mún, trồng cây ngắn ngày để thu hoạch được nhanh. Trồng lê nhưng người dân vẫn trồng xen các cây đỗ, dong, chuối… khiến lê không phát triển được”, chị Uyến kể.
Chị Uyến phải mất 2 năm tuyên truyền, người dân mới tuân thủ kỹ thuật trồng trọt. Để tạo sự tin tưởng chị còn tự tay cầm dụng cụ tỉa cành lê giúp bà con. Với những nỗ lực đó, đến nay 3ha lê ứng dụng công nghệ cao đã cho quả.
Làm việc tâm huyết, trách nhiệm, nữ Phó Chủ tịch xã trẻ đã được người dân tin yêu, lãnh đạo cấp trên tin tưởng giao thực hiện nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế địa phương. Ngoài những mô hình trên, chị còn phát triển mô hình kinh tế: Nuôi cá chép ruộng, trồng bí xanh thơm, cam Xã Đoài; Chăn nuôi lợn đen, bò sinh sản…
Đặc biệt, chị Uyến đã tham mưu thành lập hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển các cây trồng, vật nuôi để tạo các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Sự ra đời của hợp tác xã đã góp phần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân, thay vào đó là sự đầu tư bài bản, sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, tạo thương hiệu bán ra thị trường.
Bên cạnh đó, chị tham mưu thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp gắn với văn hóa của đồng bào dân tộc Dao quế lâm nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Kết quả, xã đã thành lập được đội văn nghệ Dao quế lâm và nhóm hộ thực hiện gắn hoạt động kinh doanh với hợp tác xã.
Không dừng lại ở đó, chị còn huy động các nguồn lực hỗ trợ đã giúp trường trung học cơ sở có hệ thống hàng rào bảo vệ, trường tiểu học có 600m2 sân được rải bê tông; Tham mưu tổ chức được 8 lớp đào tạo các nghề áp dụng trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã cho 240 lao động nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo cả xã lên 35%.
Những nỗ lực của chị Uyến đã đền đáp bằng sự tin tưởng của người dân. Trong đó, tại Đại hội Đảng bộ xã Yến Dương vừa được tổ chức, chị tiếp tục được tín nhiệm bầu vào cấp ủy. Chị cũng là một trong 3 gương mặt ưu tú của tỉnh Bắc Kạn được tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2020.
“Sự kỳ vọng đó đối với mình là trách nhiệm cao cả đối với địa phương. Mình sẽ tiếp tục cố gắng học tập, tích lũy kinh nghiệm để góp phần đưa quê hương phát triển hơn, cải thiện đời sống của bà con nhân dân”, chị Uyến tâm sự.