Phát triển kinh tế biển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài nên có nhiều lợi thế về giao thông đường biển, khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới. Do đó, đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics, nhất là khi có tới 114 cửa sông, 52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung (vũng, vịnh, đầm phá chiếm 60% chiều dài đường bờ biển), hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn.
Mặt khác, nhờ có vị trí thuận tiện cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, cùng với không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển nên rất thuận lợi làm cảng biển và phát triển các khu kinh tế ven biển.
Theo thống kê, vùng biển Việt Nam có khoảng 35 loại khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng.
Một số mỏ cát vật liệu xây dựng dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng trên 100 tỷ tấn và một dãy cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn). Bên cạnh đó, tiềm năng tài nguyên nước biển cũng rất lớn, với các dạng năng lượng biển, như: băng cháy, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, năng lượng hạt nhân nước nặng từ nước biển.
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài nên có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển |
Cùng với tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi hải sản vùng biển nước ta có độ phong phú cao. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế, như: Tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển…
Chỉ tính riêng cá biển, vùng biển nước ta đã có hơn 2.000 loài khác nhau được phát hiện, trong đó khoảng 100 loài có giá trị kinh tế; Có 15 bãi cá lớn, phân bố chủ yếu ở vùng ven bờ. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, lượng cá có thể đánh bắt hằng năm khoảng 2,3 triệu tấn...
Ngoài ra, một trong những lợi thế phát triển kinh tế biển của Việt Nam chính là du lịch biển. Bởi đường bờ biển của nước ta dài trên 3.260km và hàng nghìn hòn đảo ven bờ. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển du lịch biển.
Theo thống kê, dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển đẹp, trong đó, một số bãi biển và vịnh được đánh giá là những bãi biển và vịnh đẹp hàng đầu thế giới. Cùng với đó, vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều khu vực ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách từ nhiều quốc gia, đặc biệt từ các quốc gia có mùa đông lạnh tới nghỉ dưỡng, tắm biển.
Nhờ những ưu đãi lý tưởng của tự nhiên nên những năm gần đây, ngành du lịch biển, hải đảo Việt Nam đang trên đà phát triển, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu
Mặc dù là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch biển, song chủ trương xuyên suốt của Việt Nam chính là phát triển kinh tế biển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai.
Theo đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Nuôi trồng thủy sản trên vịnh Lan Hạ (thành phố Hải Phòng) |
Có thể thấy, các ngành kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên được giảm mức độ ưu tiên và được thay thế bằng các ngành sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hơn, như du lịch, hàng hải...
Ngoài ra, chiến lược nhắc đến ngành năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, như công nghiệp điện gió, điện mặt trời trên biển, điện sóng biển, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển (dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển)...
Đây là những ngành sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hoặc sử dụng tài nguyên tái tạo. Các ngành kinh tế biển mới có giá trị hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao hướng tới tăng trưởng bền vững. Đây là điểm đột phá của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế biển xanh.
Như vậy, phát triển kinh tế biển xanh là một lựa chọn đúng để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, phát triển kinh tế biển xanh đòi hỏi các hoạt động phát triển cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển xanh; Đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển, giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền; Đồng thời từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai.