Phát huy nguồn lực nội sinh, năng lực sáng tạo trong mỗi người Hà Nội
Định vị thương hiệu từ giá trị văn hóa
Sau 20 năm Thủ đô được vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội tiếp tục trở thành “Thành phố sáng tạo” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) như một sự xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Hà Nội nổi bật với nhiều di tích lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể tạo nên nét riêng của đất kinh kỳ |
Kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, sáng tạo, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố luôn xác định phát triển bền vững Thủ đô đòi hỏi phải thống nhất nhận thức là phải phát huy hiệu quả những nguồn lực và lợi thế.
Với Hà Nội, nguồn lực quan trọng bậc nhất, cũng là lợi thế hàng đầu chính là nguồn tài nguyên văn hóa và nguồn lực con người. Vì vậy, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, liên tục nhiều nhiệm kỳ có những chương trình công tác lớn, như: Chương trình số 05 (khóa XIII), Chương trình số 08 (khóa XIV), Chương trình số 04 (khóa XV, XVI) và Chương trình số 06 (khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, với những giải pháp cụ thể, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, khẳng định văn hóa và con người đã và đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô.
Điển hình như để khai thông nguồn lực từ văn hóa ứng xử, tối ưu hóa những giá trị văn hóa mới bên cạnh những giá trị văn hóa đã được định hình, từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã triển khai rộng khắp từ thành phố tới cơ sở hệ thống Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo nên một sự thay đổi bước đầu tích cực trong đời sống cộng đồng.
Nhờ 2 bộ quy tắc ứng xử, một nền hành chính phục vụ đã và đang tạo dấu ấn đậm nét trong văn hóa công sở. Cũng nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội liên tục được cải thiện, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Nét đẹp ứng xử nơi công cộng cũng được nhân lên từng ngày, góp phần đẩy lùi những hành vi xấu, phản văn hóa…, góp phần tạo nên một môi trường xã hội ngày càng văn minh, an toàn, hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Có thể thấy, văn hóa ứng xử đã và đang trở thành một nguồn lực quan trọng, tạo nên sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của Hà Nội.
Cần có giải pháp phát triển lành mạnh thị trường văn hóa
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô; Đồng thời thực thi nhiều chính sách tích cực, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế trong vai trò nguồn lực nội sinh vẫn còn nhiều thách thức lớn. Điển hình như không gian phố cổ Hà Nội - di sản “sống” trong lòng Thủ đô, với những hoạt động kinh tế sôi động đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là việc giải “bài toán” bảo tồn và phát triển.
Trình diễn áo dài trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm |
Việc bảo tồn hình thái không gian, cảnh quan kiến trúc đang đối mặt với nhiều vấn đề. Kinh tế phát triển, nhu cầu kinh doanh đa dạng khiến các phố nghề, phường nghề biến đổi, “phố hàng” gắn với ngành nghề đang dần mất đi. Trong khi đó, các giải pháp cải thiện điều kiện sống của người dân bên trong các tuyến phố, các ngôi nhà cổ vẫn chưa có sự đồng bộ. Mặt khác, các di sản văn hóa, các “điểm đến” trong lòng phố cổ chưa được kết nối thành vệt tham quan một cách hiệu quả…
Phát huy giá trị đất “trăm nghề” cũng là cả vấn đề. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh đánh giá, đa số sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, sáng tạo; Một số làng nghề chuyên sản xuất theo mẫu đặt hàng; Việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm chưa được quan tâm…
Bên cạnh đó, những không gian sáng tạo, điểm đến của văn hóa - sáng tạo, văn hóa - kinh tế… vẫn chưa thể trở thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế sáng tạo, bởi lẽ mới tập trung vào một số ngành nghề nhất định, có tính chất tự phát, quy mô nhỏ, tản mát và thiếu liên kết, quảng bá quốc tế… nên các không gian này chưa có một đời sống sáng tạo mãnh liệt, gắn năng lực sáng tạo với phát triển kinh tế.
Thị trường văn hóa cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn văn hóa phẩm độc hại…; chưa kể sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngoại lai.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay là việc định hình tư duy, phương thức quản lý văn hóa trong bối cảnh phát triển mới của thời kỳ hội nhập, từ đó giúp các chủ thể văn hóa định hình sản phẩm theo hướng phục vụ lợi ích chung của cộng động; Đồng thời, phát huy nguồn lực nội sinh, năng lực sáng tạo trong mỗi người Hà Nội. Cùng với việc phát huy giá trị người Hà Nội, thành phố cần có những giải pháp căn cơ để phát triển lành mạnh thị trường văn hóa; Đổi mới đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa bằng những cơ chế chính sách kiến tạo như: Miễn giảm thuế, tăng cường bảo hộ bản quyền…
Có thể thấy, Hà Nội đã có bước tiến quan trọng về nhận thức, đã và đang mở ra những nhận thức mới về nguồn lực văn hóa cũng như giá trị của nó trong thực tiễn phát triển. Việc cần thiết, cùng với nhận diện chính là khả năng khai thác, khai thông nguồn lực đó như thế nào, để không chỉ bồi dưỡng, phát huy những nguồn lực được đúc kết từ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thăng Long - Hà Nội, mà còn phát triển và phát huy những nguồn lực mới, để phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô và đất nước trong giai đoạn phát triển mới; Đưa Hà Nội vừa xứng tầm bề dày truyền thống văn hiến nghìn năm, vừa trở thành một đô thị hiện đại, năng động, sáng tạo mang tầm quốc tế.