Ổn định đời sống người dân vùng ngập lụt huyện Quốc Oai
Huyện Quốc Oai: Phát huy sức mạnh đoàn kết giữa các dân tộc Thăm hỏi các gia đình chịu ảnh hưởng mưa lũ tại huyện Quốc Oai |
Tại thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu - nơi được coi là “ốc đảo” của huyện Quốc Oai, Hà Nội, đến trưa 1/8, nước lũ đã dần rút, con đường liên thôn đã khô ráo. Tuy nhiên, những ngõ nhỏ dẫn về phía cánh đồng vẫn ngập nước và theo kinh nghiệm của nhiều bà con nơi đây thì “còn lâu mới hết ngập”.
Bà Cấn Thị Thu, xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu cho biết: Chục ngày nay, tình trạng ngập lụt làm cuộc sống gia đình bà đảo lộn. Giao thông chia cắt nên các thành viên trong gia đình không thể đi làm để tập trung ứng phó với ngập lụt.
Các lực lượng thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai ngay sau khi nước rút |
“Dù đã “quen” với ngập do đặc điểm địa phương nhưng khó khăn và thiệt hại trong những ngày bị cô lập là không tránh khỏi. Giờ nước cũng rút bớt rồi thì lại lo bệnh tật, vệ sinh. Cũng may là người dân chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất của thành phố, huyện, xã và nhiều bà con địa phương”, bà Cấn Thị Thu tâm sự.
Công tác hỗ trợ người dân vùng ngập lụt tại huyện Quốc Oai được các cấp chính quyền triển khai kịp thời, không để người dân nào bị rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. UBND huyện đã huy động 3.890 người và 156 phương tiện tham gia (trong đó quân đội đóng trên địa bàn 490 đồng chí; quân đội tăng cường 450 đồng chí; công an 239 đồng chí).
UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc huyện các đoàn thể đã tổ chức hỗ trợ 160 suất quà cho các hộ bị ngập sâu gặp khó khăn, trong đó mỗi hộ 20 kg gạo, 3 thùng mì tôm, 3 bình nước uống 20 lít và đang tiếp tục hỗ trợ các hộ còn lại ít bị ảnh hưởng. Thành đoàn Hà Nội cũng đã hỗ trợ huyện xuồng hơi, 100 thùng mỳ tôm, 400 thùng nước và 2.000 áo mưa để hỗ trợ. Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cũng tổ chức thăm hỏi gia đình có người bị tử vong và bị sập nhà do sạt lở đất.
Đối với trường hợp nam công nhân sinh năm 1968 hộ khẩu thường trú xã Hòa Thạch, làm việc tại Công ty nước VillaHN (thôn Đồng Chằm) bị chết do mưa lũ, huyện, xã đã tổ chức động viên thăm hỏi hỗ trợ. Đối với hộ bà Nguyễn Thị Thìn bị sập nhà do sạt lở đất tại xã Phú Mãn, huyện, xã đã động viên thăm hỏi hỗ trợ 30 triệu đồng và đang tiếp tục xã hội hóa hỗ trợ thêm cho gia đình.
Nhân viên y tế xã Cấn Hữu tuyên truyền, phát thuốc cho người dân xóm Bến Vôi chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa ngập. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Với mong muốn hỗ trợ người dân vùng ngập lụt ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn, các cơ sở đoàn trên địa bàn Thủ đô cũng nhanh chóng vào cuộc. Huyện đoàn Quốc Oai phát động các đơn vị ủng hộ nhu yếu phẩm, bao tải... hỗ trợ các địa phương phòng chống lụt cũng như ổn định đời sống Nhân dân.
“Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo Đoàn Thanh niên các đơn vị ven sông Tích thành lập đội hình “Thanh niên tình nguyện phòng chống thiên tai”. Mỗi đội hình từ 30 đến 50 đoàn viên, thanh niên luôn sẵn sàng tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác hộ đê, phòng chống lụt úng, vận chuyển nhu yếu phẩm, di dời tài sản và gia súc gia cầm hỗ trợ Nhân dân”, Phó Bí thư Thường trực Huyện đoàn Quốc Oai Nguyễn Quang Ngà cho biết.
Bên cạnh các phương án bảo đảm an toàn đê điều, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cho biết, huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương cung cấp đủ nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân vùng bị ngập. Trong đó, các địa phương cần chú trọng về an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống đầy đủ cho người dân.
Trong trường hợp úng ngập nhiều ngày, huyện sẽ hỗ trợ các hộ dân bình và bếp gas mini để sử dụng; kêu gọi các cơ quan, đoàn thể trong huyện và thành phố hỗ trợ gạo, thực phẩm, đồ khô và rau xanh để cung cấp cho người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn, sau khi nước rút, huyện sẽ huy động lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, xác động vật chết; bố trí tổ y tế dự phòng khử khuẩn môi trường, cung cấp thuốc trị bệnh ngoài da, đau mắt đỏ… cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
“Ngay từ sáng 1/8, khi nước bắt đầu rút, chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng phun khử khuẩn đường làng ngõ xóm tại thôn Cấn Hạ, đồng thời cho rải vôi bột hai bên đường theo phương châm nước rút tới đâu làm ngay tới đó, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm tại những nơi bị ngập sâu trong nhiều ngày. Tại một số tuyến đường bị ngập sâu, chúng tôi sẽ cho lực lượng dọn vệ sinh tránh trơn trượt cho người tham gia giao thông”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.