Nữ sinh Kiến trúc và quyết tâm góp phần bảo tồn làng đá cổ
Người kiến trúc sư Ba Lan và tâm nguyện với Mỹ Sơn Truyền sinh khí cho di sản kiến trúc trong dòng chảy đương đại |
Đồ án của Trúc đã xuất sắc giành giải Nhất giải Loa Thành năm 2024. Đây là cuộc thi nhằm tôn vinh những đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên trong các ngành đào tạo về kiến trúc và xây dựng trên cả nước, do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Trung ương Đoàn tổ chức.
Giải quyết vấn đề thực tiễn
“Quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan làng đá cổ Bản Gun - Khuổi Ky, tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng” là tên đồ án do Trúc thực hiện. Ban giám khảo đánh giá đây là một đề tài rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Đồ án hướng đến bảo tồn và khai thác những tiềm năng vốn có, các giá trị bản địa, đồng thời đáp ứng yêu cầu về phát triển, quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển du lịch.
Trúc cho biết, Bản Gun - Khuổi Ky (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), với những ngôi nhà đá cổ kính từ thời nhà Mạc, có ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc đối với người Tày. Nằm trên trục đường vào động Ngườm Ngao, với thế nhà lưng tựa vào núi, mặt hướng về suối Khuổi Ky, ngôi làng mang cho mình một lối kiến trúc đá cổ độc đáo.
Phan Thị Thu Trúc (thứ hai từ phải sang) là một trong 2 nữ sinh giành giải Nhất giải Loa Thành |
Tuy nhiên, do lượng du khách đông trong khi chi phí và nhân lực xây nhà đá đắt đỏ khiến ngày càng nhiều ngôi nhà “xi măng, mái tôn” mọc lên, phá vỡ nét cổ kính tổng thể của ngôi làng. Vì thế, Trúc quyết tâm thực hiện đồ án tại đây với mong muốn góp phần bảo tồn vẻ đẹp và giá trị văn hóa đặc trưng của ngôi làng đá cổ.
Sinh ra ở Nha Trang (Khánh Hòa), học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện được đồ án, Trúc phải vượt qua khó khăn về địa lý. Một mình đến Cao Bằng và sống tại Bản Gun 7 ngày, cô gái trẻ dành hầu như toàn bộ thời gian để đi khảo sát thực địa, ghi chép thông tin khảo sát và chụp lại kiến trúc bên trong để phác họa lại một cách chính xác nhất. Để có thông tin xác thực, Trúc cũng chủ động làm quen, nói chuyện với người dân trong làng để tìm hiểu thêm về cuộc sống bản địa, tình hình du lịch và những khó khăn còn tồn tại.
Dựa trên những trải nghiệm thực tế tại bản làng, Trúc đã đề xuất mô hình quy hoạch kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn kiến trúc truyền thống và phát triển địa phương dựa trên du lịch cộng đồng. Trọng tâm của chiến lược này là sẽ duy trì và tôn tạo các công trình kiến trúc cổ đặc trưng, bao gồm các ngôi nhà đá cổ tự nhiên, con đường làng và không gian sinh hoạt truyền thống, vốn là linh hồn của cộng đồng dân tộc Tày ở nơi đây.
Trúc cũng đề xuất xây dựng thêm các công trình mới theo phong cách kiến trúc cổ, đảm bảo tính đồng nhất và tôn trọng các giá trị của vốn có của không gian làng. Cụ thể như phát triển các công trình công cộng gồm nhà hàng đá cổ, quán cà phê, dịch vụ lưu trú cộng đồng (homestay) được thiết kế hài hòa hòa với cảnh quan tự nhiên và văn hóa bản địa. Những không gian này sẽ phục vụ nhu cầu của du khách và cung cấp kinh tế địa phương cho bản làng có chi phí duy trì việc cải tạo những công trình cổ đang xuống cấp trầm trọng.
Phan Thị Thu Trúc |
“Sự kết hợp giữa bảo tồn và phát triển bền vững không chỉ giúp làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn duy trì và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày”, Trúc chia sẻ.
Giữ gìn nét đẹp truyền thống
Trúc cho biết thêm, trong kiến trúc cảnh quan, ý tưởng sáng tạo và tính thực tiễn phải luôn song hành với nhau. Một công trình không chỉ cần đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn phải đáp ứng nhu cầu của con người, môi trường và phù hợp với văn hóa địa phương. Từ đó, công trình kiến trúc mới có thể góp phần nâng cao giá trị sống và phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử của từng khu vực.
Lớn lên tại miền biển Nha Trang, từ những năm cấp 1, Trúc luôn nhận được lời khen ngợi của thầy cô cho môn mỹ thuật. Tuy nhiên, khi đó, vẽ chỉ là một sở thích bên lề của cô gái trẻ. Trúc không hề nghĩ đến theo đuổi ngành học liên quan đến mỹ thuật, thay vào đó, cô gái trẻ mơ ước trở thành tiếp viên hàng không hay bác sĩ.
Đồ án “Quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan làng đá cổ Bản Gun - Khuổi Ky, tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng” |
Năm lớp 11, Trúc đăng ký một lớp vẽ bên ngoài để thử sức và nhận được nhiều lời khen ngợi của thầy giáo. Điều đó khiến cô gái trẻ tự tin hơn và quyết định tham gia kỳ thi năng khiếu tại Đại học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Trúc đã rất vui khi đỗ vào ngành Kiến trúc cảnh quan. Tuy nhiên, ngay khi bước vào ngành học cô gái trẻ đã gặp cú sốc. Đa số các bạn đều xuất phát từ trường chuyên và rất năng động, cá tính. “Mình có chút áp lực khi thấy các bạn học tập rất chăm chỉ và có tính cạnh tranh cao”, Trúc nói.
Tuy nhiên, Trúc không bi quan mà luôn tìm kiếm cơ hội để nâng cao năng lực của bản thân. Trong đó, cô gái trẻ đã tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học Euréka với đề án “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven rạch Cầu Sơn hướng đến cải thiện môi trường sống (quận Bình Thạnh, TPHCM)” và đạt giải Khuyến khích. Từ những hoạt động này cô gái tích lũy cho bản thân nhiều kiến thức và kỹ năng mềm.
Trúc cho biết, bản thân rất yêu thích văn hóa truyền thống nên sẽ nỗ lực phát huy năng lực cũng như kiến thức đã học được để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị này.