Nông sản an toàn nhộn nhịp theo chân người mua đến bữa ăn ngày Tết
Những quán cơm đậm vị gia đình cho ngày Tết Đoàn viên giữa lòng Hà Nội |
Những nải chuối tươi đẹp được bày cúng gia tiên. Những trái cam canh thơm ngọt sẽ theo chân người mua vào từng bữa ăn gia đình. Đây cũng là niềm tự hào của các thành viên trong Hợp tác xã nông nghiệp Tự Nhiên (huyện Thường Tín, Hà Nội) khi mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, an toàn.
Theo anh Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tự Nhiên, hiện hợp tác xã có 1427 thành viên. Toàn xã có 80ha trồng chuối tiêu hồng và 20ha trồng cam canh. Nếu như chuối tiêu hồng cho quả quanh năm thì cam canh chỉ cho thu hoạch vào 2 tháng trước Tết Nguyên đán.
Thành viên Hợp tác xã Tự Nhiên chăm sóc cam canh |
Cây chuối tiêu hồng được đưa về trồng ở đây từ năm 2002, chỉ sau một thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi phần lớn đất ở xã Tự Nhiên là đất bãi, màu mỡ nên cho ra những trái chuối thơm, ngọt hơn hẳn những nơi khác.
Mặt khác, người dân xã Tự Nhiên cũng có cách giấm chuối khác biệt, bằng cách đặt trong thùng gỗ, ủ chăn, chiếu và đốt hương chứ không dùng hóa chất nên quả vẫn giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên và an toàn. Mô hình trồng chuối, nhất là chuối an toàn đã mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Năm 2021, hai sản phẩm chủ lực của hợp tác xã được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 3 sao gồm: Chuối tiêu hồng Tự Nhiên; Cam canh Tự Nhiên. Sản phẩm của hợp tác xã ngày càng được người tiêu dùng Thủ đô tin tưởng lựa chọn. Đặc biệt, những sản phẩm này rất được khách hàng ưa chuộng trong dịp Tết.
Những trái cam canh căng mọng, ngọt đậm đà |
Đây cũng là thời điểm việc mua bán của hợp tác xã diễn ra nhộn nhị nhất. Những trái cam tươi ngọt, những quả chuối thơm nức sẽ theo chân khách hàng đi muôn nơi, đến với bữa ăn của các gia đình trong ngày Tết.
Cũng chọn hướng đi nông nghiệp an toàn, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Bình (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) lại là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao tại địa phương với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Thành công bước đầu của Hợp tác xã đã mở ra triển vọng mới về hướng phát triển nông nghiệp sạch, gắn với nhu cầu thị trường.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Bình Nguyễn Xuân Huy cho biết: “Toàn bộ khu đất HTX đang triển khai trước kia là đất trồng 2 vụ lúa nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên nông dân bỏ hoang hóa nhiều năm. Năm 2020, HTX đã huy động thành viên góp vốn, thuê đất của các hộ dân để triển khai dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng cây hằng năm sang sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản rau, củ quả an toàn ứng dụng công nghệ cao” trên tổng diện tích chuyển đổi hơn 7.300m2”.
Dưa được trồng trong nhà màng của Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Bình |
Bắt tay vào thực hiện dự án, HTX thiết kế xây dựng hơn 3.000m2 nhà lưới, nhà màng tổng mức đầu tư trên 1,7 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm triển khai trồng 10.000 gốc dưa gồm 2 giống dưa Ichiba (Nhật Bản) và dưa Thiên Nữ (Đài Loan), mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Quy trình canh tác khép kín, hiện đại ứng dung công nghệ tiên tiến để luôn chủ động về nhiệt độ, độ ẩm phòng ngừa sâu bệnh hại, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng, mở tùy điều kiện thời tiết. Toàn bộ quy trình sản xuất được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm, tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, dẫn dinh dưỡng, thông gió, phun sương phù hợp từng loại cây trồng, bảo đảm môi trường lý tưởng cho cây sinh trưởng, phát triển.
Trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao mang nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, mẫu mã và giá trị thương phẩm so với canh tác dưa theo phương thức truyền thống. Trong khi đó, vòng đời sinh trưởng cây từ khi trồng cho đến khi thu hoạch chỉ vào khoảng 70 - 75 ngày, nên trong một năm có thể trồng 3 - 4 vụ.
Năm 2021, HTX có 2 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 4 sao: Dưa lê Thanh Bình; Dưa lưới Thanh Bình. Điều này càng khẳng định hướng đi đúng đắn gắn liền với nông nghiệp sạch của hợp tác xã. Đồng thời ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn các sản phẩm của hợp tác xã phục vụ cho bữa ăn gia đình.