“Nơi đầu sóng”, tác phẩm thú vị về Trường Sa
Bìa sách Nơi đầu sóng
Bài liên quan
Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Những dấu ấn không quên
Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa...- Bài 2: Lễ tưởng niệm xúc động và ý nghĩa
Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa... Bài 3: Những người con Hà Nội ở Trường Sa
Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa... Bài 4: Sừng sững, hiên ngang giữa phong ba, bão táp
Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa... - Bài cuối: Sức sống nơi đầu sóng
Hai tác giả sách, một người là kỹ sư yêu biển đảo và một nhà văn, nhà báo. Kỹ sư Trần Thành là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… và nhiều công trình đang ấp ủ. Tính đến nay, anh có 8 lần đi Trường Sa qua các mùa, tích lũy được nhiều trải nghiệm, luôn đau đáu những ý tưởng, giải pháp hữu ích để cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa, nhà giàn DK1.
Tác giả Lữ Mai trên chuyến tàu công tác tại Trường Sa |
Nhà thơ - Nhà báo Lữ Mai, hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân Dân là một trong số ít hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Chị là tác giả của 6 tập sách, đa dạng về thể loại như: Thơ, truyện ngắn, tản văn… Tháng 5/2019, chị đã có chuyến công tác Trường Sa trên tàu KN 490.
Mỗi người một nghề nghiệp khác nhau nhưng sự kết hợp giữa họ luôn nhuần nhuyễn với tinh thần tất cả hướng về biển đảo quê hương và người lính biển. Ý tưởng, nội dung cuốn sách được nhiều nhà phê bình, nhà văn, nhà báo ủng hộ nhiệt tình và nhận định đây sẽ trở thành tác phẩm thu hút chú ý của đông đảo độc giả, chiếm được cảm tình đặc biệt.
Tác giả Trần Thành |
“Nơi đầu sóng” được in với số lượng 5.000 bản, NXB Văn học, toàn bộ kinh phí xuất bản do hai tác giả tự túc và kêu gọi nguồn tài trợ. Sau khi xuất bản, số lượng sách lớn sẽ được dành tặng các chiến sỹ Trường Sa, Nhà giàn DK1, người thân các anh nơi quê nhà. Phần còn lại sẽ được phát hành trên cả nước và các kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Nhận xét về cuốn sách, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi, Giám đốc NXB Hội Nhà văn chia sẻ: “Cuốn sách đã trở thành một con tàu đưa tôi tới những vùng đảo xa của tổ quốc mà tôi chưa từng được đến. Tôi đã được sống, được chìm vào và được cảm nhận bằng mọi giác quan những cơn mưa biển, những hồi còi tàu, những đêm biển đầy sao, những ngọn hải đăng, những câu chuyện về những người lính đảo, những người mẹ, người vợ ở đất liền, những lớp học và các thầy cô… hay chỉ là một ô cửa cũ như đã quá xa xôi tưởng chỉ còn trong ký ức, một đàn cá chuồn như đang bay dọc chân trời biển… Tất cả những cảnh đó, người kia cách tôi ngàn trùng sóng vỗ nhưng giờ đây đang hiện diện trong chính đời sống ngày ngày của tôi ở mọi nơi chốn”.
Nhà báo Lữ Mai trò chuyện với chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa |
Ông nói thêm: “Cuốn sách đã làm cho tôi tin rằng: Tôi đã đến những vùng đảo ấy, đã đón nhận sóng gió ấy, đã trở thành nhân chứng của những câu chuyện ấy và đã ngắm nhìn những hình ảnh kỳ vĩ ấy. Đó chính là sự kỳ diệu của văn học. Mỗi trang viết là sự tinh kết của quan sát, cảm xúc và tư duy từ đời sống chân thực giống như muối được tinh kết từ biển. Bởi vậy, cho dù chỉ một chi tiết nhỏ nhưng nó chứa đựng cả một đời sống và những thông điệp. Có lẽ chỉ ngôn từ, cách nhìn và sự rung vang trong tâm hồn của một thi sĩ mới dựng lên được một đời sống sâu sắc và ám ảnh đến vậy”.
Tác phẩm "Sóng An Bang" của nhiếp ảnh gia Trần Thành |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Khác với rất nhiều cuốn sách trước đó, “Nơi đầu sóng” không phải nghệ thuật hư cấu, mà là tản văn, tạp văn. Một dạng ghi chép, thấy sao ghi vậy. Chính vì thế, cuốn sách lại có sức hấp dẫn riêng. Đây là vẻ đẹp của Sự thật. Cuộc sống của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió, con người và cảnh sắc ở một quần đảo được nhìn bằng con mắt đằm thắm, tinh tế mà không kém phần sâu sắc. Đây cũng là một cột mốc chủ quyền lãnh thổ mà các tác giả đã cắm cho Trường Sa, một vùng máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”.
Tác phẩm "Những chiếc thang dây" của nhiếp ảnh gia Trần Thành |
Với câu hỏi, đã 8 lần đến với Trường Sa qua nhiều dự án ý nghĩa góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt, bảo vệ môi trường biển đảo nhưng tại sao đến bây giờ mới quyết định xuất bản một cuốn sách kết hợp với một nhà thơ – nhà báo, kỹ sư Trần Thành cho hay: “Tôi vẫn luôn mong muốn xuất bản nhiều cuốn sách về biển đảo quê hương, dưới nhiều hình thức: văn học, sách ảnh… Trong mỗi chuyến đi tôi đều dành thời gian ghi chép, chụp ảnh để có thật nhiều dữ liệu. Biển đảo quê hương luôn chứa đựng vô vàn những điều thú vị, đặc biệt là Trường Sa, Nhà giàn DK1, nơi khẳng định chủ quyền máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc sống những người lính biển nơi đó gian lao, khốc liệt nhưng cũng thấm đẫm tình người. Hàng năm chỉ có một số lượng người hữu hạn được tới thăm Trường Sa để tìm hiểu nắm bắt thông tin về biển đảo quê hương. Một thực tế nữa là khả năng viết văn của cá nhân có hạn. Nhân duyên hội đủ khi nhà thơ Lữ Mai cũng đã tới thăm Trường Sa. Tôi và Lữ Mai đã có nhiều năm quen biết trước đây, thế nhưng chỉ đến bây giờ, khi cả hai đều cùng có trải nghiệm về Trường Sa, về biển đảo quê hương thì cuốn sách đầu tiên mới được ra đời”.
Tác phẩm "Vũ điệu Sinh Tồn" (ảnh Trần Thành) |
Nhận xét về nhà thơ – nhà báo Lữ Mai, anh chia sẻ, chị là người viết văn chuyên nghiệp, có một tâm hồn tinh tế với những cảm nhận hình ảnh, sự việc rất sâu sắc. Đặc biệt là khả năng chuyển từ ý thành văn ở chị rất nhanh, có thể nói là “nước chảy mây trôi”.
Việc kết hợp giữa một kỹ sư với một văn nghệ sĩ không có khó khăn gì nhiều trong dự án xuất bản này và thực tế chứng minh cuốn sách được xuất bản chỉ sau 3 tháng kể từ khi nhà báo Lữ Mai trở về đất liền. Tuy nhiên, khó khăn ở đây chính là trải nghiệm cuộc sống nơi đầu sóng. Trong 21 câu chuyện ở cuốn sách có rất nhiều tình tiết cảm nhận của người lính trên đảo, hay của thủy thủ tàu, thậm chí là của chú chó đảo… những cái đó cần đến sự quan sát tỉ mỉ, trao đổi thông tin cặn kẽ và trải nghiệm thực tế.
Tâm sự về chuyện hậu trường cuốn sách, kỹ sư Trần Thành tiết lộ, đã có lúc anh phải gửi cho Lữ Mai một hộp thịt của bộ đội Trường Sa và nữ nhà thơ cũng đã dùng hộp thịt đó theo cách của người lính đảo để lấy cảm nhận chân thật cho bài viết “Heo bọc thép”.
Đây là sự khởi đầu, hai tác giả đã trao đổi với nhau và mong muốn hướng đến một chặng đường dài hơn, với quy mô lớn hơn và hình thức cũng đa dạng hơn. Họ mong sẽ có 33 cuốn sách cho 33 điểm đảo Trường Sa, 15 cuốn sách cho 15 Nhà giàn DK1, những cuốn sách cho tàu trên biển… về hình thức có thể sẽ có thêm những bộ bưu thiếp sử dụng ảnh của kỹ sư Trần Thành chụp và thơ của Lữ Mai, hay bộ sách ảnh mà tôi tâm nguyện, một bộ sách ảnh sau 10 chuyến đi của Trần Thành tới Trường Sa. Tất cả đó sẽ là nền tảng để hình thành nên tủ sách Biển đảo quê hương, và có thể hai tác giả sẽ chuyển thể thành dạng E-book để có thể phát hành tới nhiều hơn nữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài, hay nhu cầu đọc sách mới của giới trẻ.
“Tôi còn nhớ, trong chuyến công tác của mình, thấy bộ đội rất vất vả, tôi bèn hỏi họ cần điều gì nhất thì những người lính binh nhất, binh nhì trả lời, họ chỉ mong mọi người trong đất liền được bình yên, hạnh phúc và bày tỏ mong muốn cá nhân là được đọc sách, những cuốn sách có hình ảnh thế hệ cha ông giữ chủ quyền Tổ quốc, hình ảnh đồng chí đồng đội của mình”, nhà thơ – nhà báo Lữ Mai chia sẻ.