Những người nặng lòng với trẻ đặc biệt
Chuyên gia tâm lý học khám bệnh miễn phí cho trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tâm lý giáo dục – EDI
Bài liên quan
Câu lạc bộ chắp cánh ước mơ cho bạn trẻ
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2016
Kết hợp liên ngành
Chị Loan đã cùng nhóm bạn – những người nặng lòng với trẻ em, quyết tâm thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tâm lý giáo dục – EDI. Họ là bác sĩ, nhà tâm lý, nhà giáo liên kết với nhau, đi đầu trong việc áp dụng quy trình chăm chữa cho trẻ hiệu quả từ việc ứng dụng mô hình của Pháp tại Việt Nam.
Phương pháp dạy một cô - một trò dành cho trẻ đặc biệt tại Trung tâm EDI |
Chị Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Điều hành Trung tâm EDI cho biết: “Mục tiêu hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tâm lý giáo dục là tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để tiến hành hoạt động nghiên cứu tâm lý giáo dục trẻ em và người lớn; ứng dụng vào thực hiện dịch vụ tư vấn tâm lý giáo dục và các dịch vụ khoa học công nghệ có liên quan”.
Trung tâm lấy tiêu chí “tâm huyết, chất lượng, sáng tạo” làm nền tảng phát triển bền vững. Đội ngũ cán bộ ở đây đầu tư nghiên cứu các chương trình, phương pháp đánh giá, hỗ trợ tâm lý – giáo dục mới, hiệu quả trên thế giới, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trung tâm hướng tới thành công bằng việc cung cấp cho khách hàng những gói dịch vụ đa dạng, chất lượng, hợp lý; củng cố, hoàn thiện, mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và chăm sóc đời sống tinh thần cộng đồng tốt hơn…
Gắn bó với EDI từ tháng 11/2018, cô giáo Nguyễn Thị Dung đã quen lắm với những gương mặt trẻ thơ. Có điều các em lại bị tự kỷ hoặc rối loạn cảm xúc, chậm nói, chậm hòa nhập…. Hàng ngày, cô Dung đến với các em nhỏ từ 8 giờ sáng tới 5.30 phút chiều. Cô giáo cho biết, dạy trẻ đã khó, dạy các em ở đây càng khó hơn. Tuy nhiên, gắn bó với các em và bằng tấm lòng yêu trẻ, kiên nhẫn, cô Dung và các cô giáo, cán bộ ở đây giống như những người mẹ thứ hai của các em nhỏ.
“Nhìn thấy các em tiến bộ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Trong những giờ học ở đây, chúng tôi dạy các em những môn như: tâm vận động, bật âm, nhận thức… Cùng với phương pháp dậy một cô- một trò, mỗi tuần, chúng tôi cho các em học nhóm một buổi để cùng hòa nhập”, cô Dung cho hay.
Nơi gửi gắm niềm tin
Hiện tại, lớp học ở đây có 20 em, nhiều em nhỏ không biết tự chăm sóc mình. Các cô giáo dạy phải soạn riêng một giáo án, không em nào giống em nào; bởi mỗi em có một nét tâm lý rất khác nhau. Hàng ngày, các cô ngồi kèm từng em và liên tục nhắc nhở, tập cho các em những thói quen theo kiểu phản xạ có điều kiện. Để đạt được điều đó, phải rất cẩn thận, chỉ cần thay đổi không gian khi dạy trẻ thôi, có khi mọi công phu dạy dỗ trước đó trở thành công cốc.
Chuyên gia Jean – Marc Cantau, nhà phân tâm học, nhà tâm lý học khám bệnh cho trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tâm lý giáo dục – EDI |
Chị Hứa Phương Thảo có con gái đầu lòng, 23 tháng tuổi. Từ tháng 3/2019, chị đưa con đến trung tâm để học. Chị Thảo chia sẻ: “Con mình chậm phản xạ, chậm nói nên mình rất lo lắng. Đến đây, bé đã được kiểm tra và đang học mỗi ngày một giờ tại trung tâm. Mình đánh giá cao trình độ chuyên môn của bác sĩ và chuyên gia tâm lý, cũng như giáo viên của trung tâm. Vậy nên, mình đã tin tưởng gửi gắm con vào đây. Sau gần 3 tháng, con mình đã bắt đầu tiến bộ”.
Em Phạm Châu Lam, 12 tuổi, là học viên ở đây từ tháng 8/2018. Cô bé thông minh, học giỏi ở trường nhưng không tự kiểm soát được cảm xúc. Lam bày tỏ: “Con rất thích học tập tại Trung tâm vì ở đây có thư viện nhiều sách để đọc; các cô giáo rất tận tụy. Giờ con thấy bình tĩnh hơn trước, con không hét nhiều nữa”.
Vừa qua, chuyên gia người Pháp Jean – Marc Cantau, nhà phân tâm học, nhà tâm lý học, đã đến Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tâm lý giáo dục – EDI để khám cho các bé ở đây.
Ông cho hay, mỗi bé ở đây có những biểu hiện, hội chứng khác nhau nên mô hình kết hợp liên ngành sẽ hỗ trợ tốt nhất cho việc chữa trị cho trẻ đặc biệt. Tâm Nghiên cứu và Tư vấn tâm lý giáo dục – EDI đang thực hiện những điều đó, thừa hưởng những thành tựu, nghiên cứu trên thế giới, trung tâm sẽ sớm theo kịp với thế giới trong việc can thiệp cho trẻ tự kỷ.