Những ngày cách ly của nhóm bạn trẻ tâm dịch Thanh Xuân Trung
Phải lạc quan để truyền sức mạnh cho người khác
Chiều ngày 2/9, nhóm bạn chính thức di chuyển đến khu cách ly |
Bích Ngọc, Trần Hằng và Đỗ Quỳnh là sinh viên vừa mới tốt nghiệp, hiện đang thuê trọ cùng nhau trong con ngõ nhỏ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hơn 2 tháng kể từ khi Hà Nội bùng phát dịch, 3 cô bạn đều ở nhà để làm việc online.
“Thời gian khi đó vô cùng gấp gáp, từ lúc có thông báo cho đến khi đi cách ly chưa đến 1 ngày, chúng mình phải nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ”, nhớ về lúc nhận được thông báo phải đi cách ly, bạn Bích Ngọc không khỏi bồi hồi. Ngay lập tức, nhóm bạn nhanh chóng bắt tay vào sắp xếp quần áo cùng các vật dụng cá nhân để sẵn sàng bước vào “cuộc chiến” chống dịch.
Con ngõ nhỏ trở nên nặng nề, vắng lặng từ khi bùng phát dịch bệnh |
Chiều 2/9, nhóm bạn nhận được thông báo di chuyển ra xe. Con ngõ nhỏ từ ngày có dịch bỗng trở nên nặng nề một cách đáng sợ, ai cũng mặc kín bộ đồ bảo hộ, trên tay lỉnh kỉnh vali, túi xách vội vàng, gấp rút di chuyển. Nhìn những đôi mắt ngây thơ, ngơ ngác của các em nhỏ khi không hiểu chuyện xảy ra mới cảm nhận rõ rệt những khó khăn, mất mát mà dịch Covid-19 đang ngày ngày hoành hành.
“Có hoang mang, có lo lắng nhưng đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa dịch bệnh nên chúng mình vẫn cố lạc quan vì nghĩ mình còn trẻ, phải vững lòng để bà con nhìn thấy, giúp họ an tâm hơn”. Trong những giờ phút ngồi trên xe để di chuyển, nhóm bạn không ngừng động viên lẫn nhau, tươi tắn trên chuyến xe để trở nên mạnh mẽ trước khi bước vào môi trường sống mới.
Những ngày tháng không quên…
7 ngày đầu sống trong khu cách ly là 7 ngày với những kỷ niệm không thể nào quên đối với nhóm bạn trẻ. Lần đầu tiên các bạn trẻ phải xa nhà trong một khoảng thời gian lâu như thế, lần đầu tiên sinh hoạt và trải nghiệm trong một môi trường mà mình không hề được biết trước và trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
Những khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là khi hệ thống đường truyền wifi không ổn định khiến quá trình làm việc gặp nhiều cản trở từng khiến các cô gái lo lắng. “Đường truyền wifi quá yếu, hay bị chập chờn ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và công việc của bọn em.”
Bữa cơm đầy ắp bởi sự yêu thương và lòng quyết tâm chiến thắng dịch bệnh |
Những khó khăn rồi cũng nhanh chóng được xua đi, thay vào đó là những niềm vui mới ngay tại “trận địa” chống Covid-19. Hàng ngày, cũng như bao người dân, nhóm bạn trẻ được cung cấp đồ ăn đầy đủ. Ngoài thời gian học tập và làm việc, Bích Ngọc còn quay video để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của mình. Những clip được chia sẻ trên TikTok nhận được rất nhiều sự quan tâm, đồng cảm và động viên từ tất cả mọi người.
“Covid-19 rất đáng sợ nhưng chúng ta không được phép gục ngã. Vì thế em muốn lưu giữ những kỉ niệm và chia sẻ đến cho mọi người xung quanh. Nhiều bạn khi xem clip của em đã bình luận rằng bạn ấy rất nhớ khu ký túc xá và nhờ em quay thật nhiều cảnh về không gian tại nơi đây”, Bích Ngọc nói và cho biết thêm những bình luận này chính là nguồn động lực để cô gái quay và chia sẻ thật nhiều hình ảnh trong những ngày tháng cách ly của mình.
“Mọi người trong khu cách ly đều rất thân thiện và vui tính, thậm chí khi biết các bạn trẻ quay video còn trực tiếp nhìn thẳng vào ống kính và nở một nụ cười thật tươi. Nụ cười đó mình tin như liều vắc xin để người dân nỗ lực hơn trong chống dịch ”, bạn trẻ Trần Hằng chia sẻ về một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong những ngày qua.
Cố gắng vì một Việt Nam hết dịch
Trong thời gian cách ly, nhóm bạn vẫn luôn học tập và làm việc chăm chỉ |
Những ngày trong khu cách ly không chỉ mang đến cho nhóm bạn thêm thật nhiều trải nghiệm mà còn là “khoảng lặng” để mỗi người suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. "Hãy ngừng than thở và đổ lỗi trong khi bản thân mình không tuân thủ", bạn Trần Hằng viết trên trang cá nhân và cho rằng cần có trách nhiệm với bản thân, sau đó là trách nhiệm với cộng đồng.
“Chúng ta - những người trẻ không thể góp sức mình vào tuyến đầu chống dịch thì việc ở yên tại chỗ chính là một cách giúp đất nước không thêm gánh nặng về dịch bệnh”, Trần Hằng nói.
Với bạn Đỗ Quỳnh, khi gian nguy mới thấy sức mạnh đoàn kết và đồng lòng quan trọng đến thế nào. Nó không chỉ thể hiện ở sự tương thân, tương ái đối với những mảnh đời còn khó khăn để “không ai bị bỏ lại phía sau” mà còn thể hiện sự quyết tâm hành động. Dù thiếu thốn, khó khăn đến mấy cũng không nên vì bản thân mà phá vỡ các quy tắc phòng chống dịch, gây hại cả cộng đồng.
“Em muốn gửi gắm đến mọi người rằng đừng chủ quan vì khu em ở cũng từng là vùng xanh an toàn. Covid-19 không chừa một ai. Tuân thủ 5K, thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương của Đảng và Nhà nước là mỗi người đang góp phần vào cuộc chiến chống Covid-19 cam go", Quỳnh viết những dòng nhắn nhủ từ khu cách ly...