Những lá phiếu tín nhiệm và kỳ vọng của đại biểu Quốc hội
Không lấy phiếu tín nhiệm với người đã có thông báo nghỉ công tác, chờ nghỉ hưu Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh ngay đầu kỳ họp thứ 6 |
Lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh
Tại kỳ họp thứ 6 sắp diễn ra, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Ông Tuấn Anh cho biết, theo quy định, các chức danh không lấy phiếu tín nhiệm là các nhân sự không còn giữ vị trí được phê chuẩn, các nhân sự đã có thông báo nghỉ hưu, chờ nghỉ hưu và các nhân sự mới được bổ nhiệm trong năm 2023.
Tính đến thời điểm này, Quốc hội khóa XV đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh. Hiện có 49 người đang giữ vị trí và 5 người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023. Như vậy sẽ có 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.
Còn 5 trường hợp sẽ không phải lấy phiếu tín nhiệm lần này, bao gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh trả lời câu hỏi của báo chí về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 |
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm thì báo chí sẽ được tham dự và cung cấp thông tin.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả các cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm báo cáo kiểm điểm công tác và kê khai tài sản.
Đáng chú ý, trong báo cáo kiểm điểm công tác có tiêu chí về trách nhiệm nêu gương của vợ con, người thân.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đến thời điểm hiện tại, qua hai kênh đại biểu Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì chưa nhận được thông tin gì liên quan đến phản ánh đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.
"Ban Công tác đại biểu tiếp tục theo dõi thông tin, nếu có phát sinh sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội", ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để lấy phiếu, trong thời gian này sẽ có phiên thảo luận tại đoàn và các đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo kiểm điểm công tác, báo cáo kê khai tài sản của người lấy phiếu tín nhiệm.
Nói về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngay từ đầu kỳ họp, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết việc đánh giá công tác cán bộ được thực hiện xuyên suốt từ đầu kỳ đến nay nên lấy phiếu tín nhiệm là việc làm bình thường.
Hoạt động để đánh giá uy tín, năng lực của cán bộ
Chia sẻ về việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là hoạt động quan trọng để đánh giá uy tín, năng lực của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo bà Nga, một nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, đây là lúc sơ kết những điều đã làm được và chưa làm được của các ngành, lĩnh vực, trong đó vai trò của các "tư lệnh ngành" là vô cùng quan trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, kết quả của lấy phiếu tín nhiệm mang nhiều ý nghĩa.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Thứ nhất là sự đánh giá chính xác, công tâm, khách quan của các đại biểu Quốc hội đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm về năng lực phẩm chất trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là sự ghi nhận, động viên của các đại biểu Quốc hội đối với những nỗ lực của những người được lấy phiếu, trên cơ sở đó cũng thẳng thắn nhìn nhận lại những yếu kém, tồn tại ở những ngành, lĩnh vực cụ thể để kịp thời có giải pháp khắc phục.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ, trong việc lấy phiếu tín nhiệm, cần phải tỏ rõ chính kiến của đại biểu Quốc hội, nhận xét, đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, cả về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác được giao lẫn trong đạo đức lối sống.
Theo ông Kim, đây là việc làm hết sức cần thiết, có đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ thì mới có thể giúp cho cán bộ tiếp tục phát huy vai trò của mình, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
"Lá phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá được năng lực và uy tín của cán bộ, giúp cho các cơ quan chức năng quản lý đội ngũ cán bộ. Bởi vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện và xác đáng đối với vấn đề đánh giá và sử dụng cán bộ", ông Kim chia sẻ.
Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu rõ, với những đồng chí tín nhiệm ở tỷ lệ cao thì cần tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, để xứng đáng trọng trách và Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tuy nhiên, với người tín nhiệm thấp thì phải có hình thức xử lý xem xét chuyển đổi vị trí công tác hoặc yêu cầu từ chức.
Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng cho rằng, các khâu, các việc từ người được lấy phiếu tín nhiệm với bên có quyền ghi phiếu tín nhiệm phải xác định được trách nhiệm của mình theo tinh thần có trách nhiệm cao, trách nhiệm xây dựng và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, đủ tài, đủ đức, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội, Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
"Việc lấy phiếu tín nhiệm khẳng định lại việc bố trí, sử dụng cán bộ đúng chưa, người đó đã thể hiện được vai trò, nhiệm vụ của mình chưa, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hay chưa? Điều đó thể hiện ở lá phiếu tín nhiệm. Như vậy, góp phần vào việc giúp cơ quan có trách nhiệm có phương án sắp xếp, bố trí lại, hoặc sa thải cán bộ, công chức", ông Kim chia sẻ.
Đại biểu Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm là một dịp để những người có chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn tự nhận thấy ưu khuyết điểm của bản thân và những điều cần phải phấn đấu, giúp họ nhìn lại vai trò, vị trí, tư cách, trách nhiệm của mình đã làm đến đâu, để tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong công việc.
Mặt khác, tổ chức cũng thông qua đó động viên, hỗ trợ giúp đỡ để cán bộ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Điều này cũng thể hiện được sự mong đợi của cử tri là nhìn thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là có tác dụng tích cực; đánh giá đúng, sắp xếp bố trí cán bộ phù hợp.